Biểu tượng kết nối 5G trên iPhone. Ảnh: Tuấn Anh. |
5G là nâng cấp quan trọng cho công nghệ mạng di động. Hiện tại, các nhà mạng có 2 lựa chọn chính khi triển khai 5G, sử dụng kiến trúc không độc lập (NSA – Non Standalone) hoặc độc lập (SA – Standalone).
NSA được nhiều nhà mạng ưu tiên trong các đợt triển khai 5G ban đầu do dựa vào cơ sở hạ tầng hiện có. Tuy nhiên, kiến trúc SA mới thực sự là “đích đến” của 5G. Hai cách tiếp cận có ưu và nhược điểm riêng, phụ thuộc vào chiến lược và hiệu quả của 5G trong khu vực.
Khác biệt giữa 5G NSA và 5G SA
NSA được xem là giai đoạn đầu của quá trình triển khai 5G, dựa trên cơ sở hạ tầng 4G. Theo Qualcomm, 5G NSA dùng lõi 4G cho những chức năng thiết yếu như xác thực và quản lý thuê bao.
Hệ thống mạng truy cập vô tuyến (RAN - Radio Access Network) của 5G được thêm vào mạng 4G hiện có, giúp tăng tốc độ truy cập và giảm độ trễ so với 4G. Đây cũng là một trong những lý do người dùng không phải đổi SIM để trải nghiệm 5G.
Trong buổi tọa đàm về 5G diễn ra tuần qua, ông Hoàng Đức Thanh, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu, Tổng công ty Mạng lưới Viettel, giải thích thêm về cách hoạt động của 5G NSA.
“Khi sử dụng dịch vụ sẽ có 2 phần: báo hiệu và dữ liệu sử dụng. Với 5G NSA, phần báo hiệu được truyền hoàn toàn dựa trên 4G, trong khi dữ liệu chuyển cho người dùng sẽ truyền kết hợp giữa 4G và 5G”, ông Thanh cho biết.
Sự khác biệt giữa kiến trúc 5G NSA và 5G SA. Ảnh: TechTarget. |
Với 5G SA, hệ thống lõi và trạm truy cập được triển khai độc lập, tách biệt so với 4G. Kiến trúc SA hỗ trợ một số tính năng nâng cao như network slicing, cho phép tạo mạng ảo phục vụ từng trường hợp sử dụng. Khả năng hỗ trợ thiết bị Internet vạn vật (IoT) cũng tốt hơn.
“Với network slicing, một mạng vật lý có thể chia thành nhiều mạng logic (slice). Mỗi slice phục vụ một nhóm khách hàng hoặc dịch vụ nhất định, có yêu cầu khác nhau về chất lượng dịch vụ, tốc độ tải lên/xuống, độ bảo mật và số lượng kết nối”, ông Thanh nói về tính năng network slicing trên hạ tầng 5G SA.
Theo đại diện Viettel, chức năng này giúp cá nhân hóa nhu cầu từng khách hàng. Ví dụ, slice ưu tiên cao sẽ có tốc độ tốt hơn, đảm bảo chất lượng dịch vụ trong các tình huống như đường sá đông đúc, sự kiện nhiều người tập trung tại một vị trí. Khi đó, tốc độ 5G được đảm bảo.
SA mới là "đích đến của 5G"
Kiến trúc 5G NSA cho độ trễ trung bình cao hơn (khoảng 20-30 ms). Trong khi đó, độ trễ của 5G SA khoảng 4-5 ms.
“Lý do chênh lệch độ trễ đến từ nhiều yếu tố kỹ thuật, trong đó có việc 5G SA không dựa vào lõi 4G nên thời gian báo hiệu được rút ngắn”, ông Thanh cho biết.
Ưu điểm của 5G NSA là thời gian triển khai nhanh và tiết kiệm chi phí, bởi nhà mạng có thể lắp hệ thống truy cập 5G trên cơ sở hạ tầng 4G hiện có. Đây cũng là bước đệm để triển khai 5G SA trong tương lai bởi cấu hình 5G đã được định sẵn trên hệ thống NSA.
Đối với 5G SA, đại diện Viettel cho biết việc xây dựng đòi hỏi đầu tư lõi 5G mới, thời gian triển khai có thể lâu hơn 6-8 tháng so với NSA.
“5G NSA thường được xem là bản nâng cấp của 4G, giúp trải nghiệm người dùng tốt hơn và tốc độ truy cập cao. Tuy nhiên, SA mới là 5G thực sự bởi chỉ kiến trúc này có thể cung cấp dịch vụ mới hoàn toàn cho khách hàng”, ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Hoàng Đức Thanh, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu, Tổng công ty Mạng lưới Viettel. Ảnh: Chí Hiếu. |
Tại Việt Nam, Viettel cho biết đang triển khai đồng thời kiến trúc NSA và SA. Theo số liệu tính đến quý I của GSMA, khoảng 312 nhà mạng trên thế giới áp dụng 5G. Trong đó, 95% triển khai hạ tầng 5G NSA, 5% sử dụng đồng thời NSA và SA.
Sử dụng 5G không tốn nhiều dữ liệu so với 4G nếu bật ứng dụng hoặc xem nội dung với cùng chất lượng. Tuy nhiên do tốc độ tải nhanh hơn, người dùng có thể cảm nhận 5G tốn nhiều dữ liệu, đặc biệt với những tác vụ như xem video 4K, sử dụng app AR/VR độ phân giải cao...
Người dùng có thể mua smartphone 5G qua hệ thống đại lý chính hãng hoặc trực tuyến. Tuy nhiên, chỉ các model hỗ trợ dải tần phù hợp, chứng nhận hợp quy mới dùng được 5G tại Việt Nam.
Đại diện Viettel cho biết đây cũng là một trong những thách thức khi triển khai 5G. Sự khác biệt về tiêu chuẩn sóng giữa các thị trường có thể khiến nhiều máy xách tay không thể sử dụng 5G trong nước. Khoảng 500.000-600.000 thiết bị đầu cuối rơi vào tình trạng này.
Sau Viettel, VinaPhone và MobiFone chuẩn bị ra mắt 5G. VinaPhone cho biết đang triển khai chương trình trải nghiệm 5G miễn phí từ 13/10-15/11. Với MobiFone, nhà mạng này dự kiến phát hành chính thức 5G từ tháng 11.
Tại Việt Nam, 2024 được Bộ Thông tin & Truyền thông xác định là năm thương mại hóa 5G trên toàn quốc. Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 100 Mbps cho 5G. Đến 2030, mạng 5G phủ sóng 99% dân số.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.