Trong giai đoạn đầu, khi số lượng trạm chưa nhiều, tốc độ 5G có thể chưa vượt trội so với 4G khi đo bằng công cụ. Ảnh: Tuấn Anh. |
Mạng 5G được Viettel triển khai tại nhiều khu vực trên cả nước từ ngày 15/10. Sau hơn một tuần thương mại hóa, một số người dùng phản ánh có thời điểm tốc độ 5G chỉ tương đương, thậm chí thấp hơn 4G khi dùng công cụ đo tốc độ (speedtest).
Trong buổi tọa đàm diễn ra tại Hà Nội ngày 24/10, đại diện Viettel chia sẻ một số nguyên nhân khiến tốc độ 5G chưa ổn định, chủ yếu do trạm phát còn hạn chế, vị trí sử dụng và lưu lượng truy cập cùng lúc.
Ông Hoàng Đức Thanh, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu, Tổng công ty Mạng lưới Viettel, cho biết số trạm phát 5G hiện còn hạn chế, chưa tương đương 4G.
"Với trạm 5G khi đo trải nghiệm trong khung giờ thấp tải và chỉ có một thuê bao, tốc độ có thể đạt 300-500 Mbps tùy vị trí. Điều này đồng nghĩa tốc độ khi đo phụ thuộc rất nhiều vào vị trí khách hàng gần hay xa trạm, sóng tốt hay không", ông Thanh chia sẻ.
Đại diện Viettel đề cập một số lý do khác, chẳng hạn như máy chủ lựa chọn khi dùng công cụ đo tốc độ, cũng như lượng người đồng thời truy cập dịch vụ.
"Người dùng thường truy cập Speedtest.net để đo tốc độ. Chỉ cần một thuê bao, trạm 5G đấy sẽ dồn toàn bộ tài nguyên cho thuê bao", ông Thanh giải thích.
Ông Hoàng Đức Thanh, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu, Tổng công ty Mạng lưới Viettel, giải thích nguyên nhân tốc độ 5G đôi lúc không ổn định. Ảnh: Chí Hiếu. |
Theo đó, nếu một người dùng Speedtest và đứng tại vị trí sóng tốt, tốc độ chắc chắn sẽ cao. Ngược lại, quá nhiều người cùng truy cập sẽ xảy ra hiện tượng thuê bao này được cấp nhiều tài nguyên hơn thuê bao khác, dẫn đến cảm giác tốc độ thời điểm đấy có thể chỉ tương đương 4G.
"Trong bối cảnh trạm phát 5G chưa nhiều bằng 4G, việc quá nhiều người cùng truy cập để đo tốc độ dồn vào trạm 5G nhiều hơn. Chúng tôi cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ 5G có lúc cho cảm giác tương đương 4G...
Trong giai đoạn đầu, mọi người đang háo hức đánh giá chất lượng 5G nên nhu cầu đo tốc độ sẽ rất nhiều. Trong tương lai khi trải nghiệm dịch vụ ổn định, nhu cầu đo tốc độ giảm thì tình trạng này có thể không xảy ra nữa", đại diện Viettel nói thêm.
Giải thích về công cụ đo tốc độ, bà Nguyễn Thị Tâm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel, cho biết kết quả phụ thuộc 3 yếu tố chính, gồm vị trí gần hay xa trạm phát, lượng người cùng truy cập và máy chủ kết nối.
Hiện tại, phần mềm đo tốc độ hỗ trợ nhiều máy chủ, với thuật toán đo các máy chủ gần và chọn ngẫu nhiên. Tuy nhiên, một số máy chủ ngẫu nhiên được cho là "không tốt", ví dụ như đời cũ, cấu hình thấp.
"Về bản chất, những máy chủ có sẵn lượng file lớn để khách hàng tải, cố gắng tạo nhiều kết nối đồng thời để kiểm tra tối đa", bà Tâm cho biết.
Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel. Ảnh: Chí Hiếu. |
Cơ chế của phần mềm đo tốc độ là cố gắng tận dụng tài nguyên mạng lưới để lấy tốc độ tối đa tại thời điểm kiểm tra, nhưng thực chất người dùng dịch vụ bình thường (không truy cập app đo tốc độ) sẽ không có cảm giác chậm.
"Ví dụ, khi lướt web, xem YouTube hay streaming thì tốc độ 5-7 Mbps rất tốt với chất lượng Full HD", bà Tâm nói thêm. Tuy nhiên, vẫn có khả năng trạm phát bị lỗi nếu vị trí kiểm tra thường xuyên cho tốc độ thấp, khoảng 10 Mbps.
Thống kê của Viettel cho thấy từ khi triển khai 5G, khách hàng đang sử dụng bình quân 36-40 GB/tháng, cao hơn so với 4G (khoảng 18 GB/tháng). Trên mạng lưới toàn quốc, lưu lượng 5G sau 10 ngày bằng 5% so với 4G, nhưng riêng các vùng thành thị, tỷ lệ này đạt gần 15%.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.