Giới chức y tế Mỹ hôm 25/2 khuyến cáo công dân nên bắt đầu chuẩn bị ứng phó với sự lây lan virus corona tại nước này trong lúc dịch bệnh bùng phát nhanh chóng ở Iran, Hàn Quốc và Italy, làm dấy lên lo sợ rằng kinh tế toàn cầu sẽ bị tổn thương.
Số người chết tại Iran đã tăng lên đến 16 - cao nhất ngoài Trung Quốc - với 95 ca nhiễm. Italy cũng ghi nhận ca tử vong thứ 11 trong 322 ca nhiễm - ổ dịch lớn nhất châu Âu. Trong khi đó, Hàn Quốc đã trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc với gần 1.000 ca nhiễm và 11 ca tử vong.
CDC ngày càng lo ngại về sự lây lan trong nước Mỹ
Các chuyên gia y tế nói rằng diễn biến dịch ở Iran, Italy và Hàn Quốc có chung một mô hình. Seoul và Rome đã tăng cường các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn sự lây lan toàn cầu của virus.
Tiến sĩ Nancy Messonnier, giám đốc Trung tâm Hệ miễn dịch và Bệnh hô hấp Quốc gia thuộc CDC, nói với các phóng viên rằng dữ liệu về sự lây lan của virus trong một tuần qua đã khiến CDC ngày càng lo ngại về sự lây lan trong nước Mỹ.
Xe được cho là chở hành khách Mỹ được đưa xuống từ tàu Diamond Princess ở Nhật. Ảnh: Reuters. |
"Chúng tôi nghĩ sẽ có sự lây nhiễm trong cộng đồng tại Mỹ", tiến sĩ Messonnier nói với CNN hôm 25/2.
"Vấn đề ở đây không phải là chuyện đó có diễn ra hay không, mà là chính xác khi nào chuyện đó sẽ diễn ra và bao nhiêu người ở nước này sẽ mắc bệnh nặng".
"Sự gián đoạn đối với cuộc sống hàng ngày có thể nghiêm trọng", bà Messonnier nói, đồng thời cảnh báo người dân Mỹ cần chuẩn bị cho khả năng tác động của virus có thể xấu, với việc đóng cửa trường học, hủy bỏ các sự kiện công cộng và người lao động buộc phải ở nhà.
Cũng trong hôm 25/2, CDC cho biết số ca nhiễm virus, gây ra bệnh được đặt tên chính thức là Covid-19, đã lên đến 57 ca ở Mỹ, với 40 người trở về từ tàu du lịch ở Nhật Bản.
Thị trưởng San Francisco ban bố tình trạng khẩn cấp
Theo CNN, Thị trưởng San Francisco London Breed đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại thành phố để ứng phó tốt hơn trước nguy cơ virus xuất hiện. Tuyên bố có hiệu lực ngay lập tức.
Bà Breed tái khẳng định vẫn chưa có ca nhiễm tại thành phố nhưng họ đang xem xét tình hình một cách nghiêm túc. Tuyên bố trên sẽ giúp thành phố chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực cần thiết để thúc đẩy kế hoạch, tăng cường nhân sự và đảm bảo việc hoàn trả chi phí trong tương lai.
Tại Ấn Độ, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở thăm, ông nói dịch bệnh lần này là "vấn đề sẽ biến mất", song các chuyên gia lo ngại dịch bệnh sẽ phát triển thành đại dịch, với sự lây lan nhanh ở châu Âu và Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi hôm 25/2. Ảnh: Reuters. |
CDC đang áp dụng cách tiếp cận song song, vừa nỗ lực khống chế virus, vừa triển khai các chiến lược giảm thiểu tác động đối với cộng đồng, theo bà Messonnier.
"Chúng tôi cũng đã kích hoạt việc kiểm dịch lần đầu tiên ở quy mô này tại Mỹ, và ủng hộ Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế - Nhân sinh trong việc đưa công dân trở về từ các vùng có nguy cơ cao", bà nói.
Trong 57 ca nhiễm virus, 40 người là hành khách trên tàu du lịch Diamond Princess ở Nhật, 3 người trở về từ Trung Quốc và 14 trường hợp tại Mỹ. Trong 14 ca này, hai ca là lây từ người sang người.
Việc virus lây từ người sang người, cũng như việc đã có các tử vong, gây lo ngại vì đây là 2 trong 3 tiêu chí để tuyên bố đại dịch, bà Messonnier nói.
"Khi sự lây nhiễm trong cộng đồng được phát hiện ở nhiều nước hơn nữa, thế giới đang tiến gần hơn đến việc đáp ứng tiêu chuẩn thứ ba: sự lây lan trên toàn cầu của virus", bà cảnh báo.
"Khi ngày càng có nhiều nước chứng kiến sự lây nhiễm trong cộng đồng, việc ngăn chặn virus thành công ở biên giới chúng ta sẽ ngày càng khó khăn".
Ở Mỹ, các bệnh viện và nhân viên cấp cứu trong nhiều năm đã chuẩn bị cho trường hợp một dịch cúm lây lan nhanh, có thể gây tử vong, xảy ra. Những cuộc diễn tập đó đã giúp các bệnh viện ở tuyến đầu điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, bệnh do virus corona chủng mới gây ra.
Các bệnh viện khác đang nâng cao cảnh giác. CDC đã nói chuyện với Hiệp hội Bệnh viện Mỹ, nơi cập nhật thông tin về dịch bệnh hàng ngày cho gần 5.000 bệnh viện thành viên. Các bệnh viện đang cân nhắc các biện pháp kiểm soát lây nhiễm, xem xét việc sử dụng hệ thống thuốc từ xa (telemedicine) để bệnh nhân có khả năng lây nhiễm không phải đến bệnh viện nếu không cần thiết, và duy trì nguồn cung khẩu trang và găng tay.
CDC đã tổ chức 17 cuộc gọi khác nhau đến hơn 11.000 công ty và tổ chức, bao gồm sân vận động, trường đại học, lãnh đạo tôn giáo, nhà bán lẻ và các tập đoàn lớn. Giới chức y tế Mỹ đang nói chuyện với cơ quan y tế thành phố, hạt và tiểu bang về việc sẵn sàng hủy bỏ các sự kiện tụ tập đông người, đóng cửa trường học và thực hiện các bước khác.
"Chúng tôi muốn chắc chắn rằng công chúng Mỹ đã được chuẩn bị", bà Messonnier nói.
Số người nhiễm virus corona tại Italy đã lên tới 11 người, số ca nhiễm tăng từ 222 lên 322 trong ngày 25/2, tức tăng 45% trong vòng một ngày. Ảnh: AFP. |
Tình hình đang ngày càng trở nên đáng lo ngại tại Iran, nơi hiện có tỷ lệ tử vong vì virus cao nhất toàn cầu. Điều này cũng làm dấy lên lo lắng rằng số liệu thống kê tại nước này không phản ánh chính xác tình hình, gây hoài nghi về sự minh bạch của chính quyền.
"Đây là một vị khách xui rủi, không mời mà đến. Với ý chí của Thượng đế chúng ta sẽ vượt qua được virus", Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói trên truyền hình
Thứ trưởng y tế Iran và một thành viên quốc hội nằm trong số những người nhiễm virus.
Afghanistan, Iraq, Kuwait, Bahrain và Oman tuần này ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên, tất cả đều từng đi đến Iran. Bahrain cho biết nước này hiện đã có 24 ca dương tính.
Iran đã hủy bỏ các chương trình âm nhạc và thi đấu bóng đá trên toàn quốc, đóng cửa trường học ở mọi cấp tại nhiều tỉnh thành. Nhiều người Iran lên mạng xã hội cáo buộc giới chức che giấu sự thật.