Trao đổi với Zing, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản cho biết ông đã chủ trì buổi làm việc của UBND tỉnh với sở, ngành, đơn vị liên quan về việc xử lý 5.000 tấn nylon tập kết trong khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình (Ecorivers), thuộc phường Hải Tân, TP Hải Dương.
Theo báo cáo của Sở TN&MT, việc xử lý rác thải tại bãi rác Soi Nam (phần đất quy hoạch làm khu đô thị) được chủ đầu tư giao cho Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương (Công ty Huy Hoàng).
5.000 tấn nylon chất cao ở cạnh khu đô thị sang trọng bậc nhất TP Hải Dương. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Phó chủ tịch Hải Dương cho hay tỉnh không đồng tình với các phương án xử lý 5.000 tấn nylon mà doanh nghiệp đề xuất trước đó vì không phù hợp.
"Chúng tôi yêu cầu trong vòng 60 ngày, chậm nhất đến 15/5, nhà đầu tư phải dọn sạch 5.000 tấn nylon tồn đọng ra khỏi dự án và làm sạch môi trường. Tỉnh cũng giao các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan chịu trách nhiệm giám sát, xử lý", ông Bản nói.
Liên quan việc xử lý bãi rác chậm tiến độ so với thời gian đề ra 36 tháng, UBND tỉnh Hải Dương cho rằng do nhà đầu tư chủ quan. Cùng với đó, Sở Xây dựng, Sở TN&MT và UBND TP Hải Dương cũng có trách nhiệm.
"Thời gian qua, ba cơ quan này thiếu trách nhiệm trong việc giám sát và đôn đốc doanh nghiệp. Tỉnh yêu cầu phải rút kinh nghiệm và giám sát chặt chẽ để xử lý", ông Bản thông tin.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 và việc dừng hoạt động tái chế nylon do có dân cư khu đô thị đến sinh sống dẫn đến tình trạng rác bị tập kết nhiều. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Theo văn bản đề xuất của Công ty Huy Hoàng và báo cáo của Sở TN&MT trước đó, doanh nghiệp này muốn thuê lại 10.000 m2 đất trong khu quy hoạch xử lý chất thải tại xã Việt Hồng (huyện Thanh Hà) hoặc bãi rác Đồng Vọng (TP Chí Linh) để di chuyển 5.000 tấn nylon đến tập kết và chờ phương án xử lý.
Doanh nghiệp đồng thời đề xuất phương án thứ 3 là cho phép thuê đất trong các khu công nghiệp của tỉnh để xây dựng nhà máy sản xuất tái chế hạt nhựa.
Sau khi UBND tỉnh bác các phương án này và yêu cầu chuyển 5.000 tấn nylon trong vòng 2 tháng, ông Phùng Văn Huy, Phó giám đốc Công ty Huy Hoàng, nói với Zing rằng doanh nghiệp này sẽ chấp hành.
"Trước mắt, chúng tôi sớm tìm, thuê một kho bãi. Sau đó, chúng tôi sẽ làm đề xuất với Sở TN&MT, UBND tỉnh về địa điểm đó cùng phương án bảo quản, đảm bảo môi trường và cháy nổ. Nếu được chấp thuận, chúng tôi sẽ chuyển số nylon đi trong khi chờ tỉnh duyệt xây dựng địa điểm tái chế", ông Huy nói.
Công ty Huy Hoàng dùng bạt che chắn hàng nghìn tấn nylon. Ảnh: H.D. |
Từ năm 2019, rác thải được tập kết với khối lượng lớn ở cạnh bờ đê và trong khuôn viên khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình, thuộc phường Hải Tân, TP Hải Dương. Khu vực này trước đây là bãi chôn rác thải sinh hoạt của thành phố. Khi khu đô thị sinh thái được triển khai, theo quy hoạch, có phần đất của bãi rác Soi Nam.
Sau khi được giao đất, nhà đầu tư cam kết đào lên để thu lại chất thải rắn, khó phân hủy để xử lý.
Khối lượng ước tính ban đầu cho thấy lượng rác cần xử lý tại bãi rác Soi Nam là gần 300.000 tấn và việc xử lý được thực hiện trong 36 tháng (từ tháng 6/2018 đến 6/2021).
Năm 2019, Sở Xây dựng thăm dò, xác định khối lượng rác thực tế phải xử lý lên đến hơn 500.000 tấn. Đến nay, việc xử lý khối lượng rác đó cơ bản hoàn thành.
Tuy nhiên, trong khu vực dự án còn khoảng 5.000 tấn nylon đã qua giặt, rửa, đóng kiện.
Hồi tháng 5/2021, Công ty Huy Hoàng có công văn giải trình với Sở TN&MT, Sở NN&PTNT cam kết chậm nhất giữa tháng 7/2021 chuyển toàn bộ nylon đang tập kết đi xử lý. Ngày 5/11/2021, Sở TN&MT có công văn đôn đốc, song đến nay, lượng nylon vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Hiện nay, lượng nylon này chất cao 3-5 m, gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.