Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

500 người cứu hộ 12 nạn nhân bị mắc kẹt

Hiện lực lượng cứu hộ, công binh, công an, y tế, hậu cần… được điều động đến hiện trường lên đến 500 người để cứu hộ các nạn nhân bị mắc kẹt. Sức khỏe 12 công nhân vẫn đảm bảo.

17h30, phóng viên tại hiện trường cho biết mũi khoan trên đỉnh đồi với mục đích tiếp tế quần áo, thức ăn, đưa bóng điện xuống cho các công nhân đã phải dừng lại. Khi xuống đến hơn 40 m thì mũi khoan bị gãy vì trúng đá. 

Lực lượng chức năng phải tìm nơi khác để khoan lại từ đầu. "Như vậy công sức từ hôm qua đến nay của anh em đổ sông đổ biển", một thành viên trong đội cứu hộ nói.

Máy quay 3D quay vẽ sơ đồ hầm. Ảnh: Trường Nguyên.

16h30, ông Nguyễn Văn Yên - Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng - cho biết lực lượng cứu hộ, công binh, công an, quân đội, y tế, hậu cần… được điều động đến hiện trường lên đến 500 người. 

Hiện phương án đang được triển khai là đào 2 nhánh hầm phụ song song hầm chính theo hình vòng cung để tiếp cận các nạn nhân. Bên cạnh đó, đường hầm từ đỉnh núi vẫn đang được khoan xuống. Nếu thành công, nhánh hầm này sẽ được mở rộng thành con đường giải cứu các công nhân theo hướng thẳng đứng.

Công tác cứu hộ tại hiện trường vẫn tiếp tục thực hiện 24/24 theo hình thức thay ca liên tục giữa các nhóm cứu hộ.

Phó Thủ tướng nói chuyện với 12 công nhân bị mắc kẹt

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp nói chuyện với các công nhân bị nạn trong hầm thủy điện qua ống dẫn. Các nạn nhân cho biết họ vẫn khỏe, nhưng bên trong rất lạnh.

16h, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tại hiện trường cho biết đã đưa được 1 đèn điện vào bên trong hầm nơi 12 nạn nhân đang mắc kẹt.

Trong khi đó, theo công ty Anthi Việt Nam sẽ soi 20 điểm của quả đồi. Sáng mai, đơn vị này sẽ đưa ra mô hình 3D của quả đồi về địa chất, vị trí đường hầm, vị trí những mũi khoan để công tác cứu hộ hiệu quả hơn.


Tốc độ đào ngách phụ rất nhanh, nhưng hiện đã trúng đá. Ảnh: Khải Hoàng.

15h, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp vào trong hầm thị sát hiện trường. Tại đây ông Hải đã nói chuyện với các nạn nhân đang mắc kẹt trong hầm qua ống nối vào bên trong. Các nạn nhân cho biết họ vẫn nhận được thức ăn đầy đủ, tình hình sức khỏe đảm bảo, nhưng bên trong rất lạnh. 

Sau đó, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo các đơn vị cứu hộ phải tìm cách đưa được các nạn nhân ra ngoài càng nhanh càng tốt.

14h30, ống khoan số 2 để rút nước (đường kính 7 cm) đã thông vào bên trong khu vực có người bị nạn. Như vậy công suất rút nước sẽ được nhân lên nhiều lần, mực nước sẽ hạ xuống. Sau đó, đội cứu hộ sẽ đưa bóng đèn điện vào bên trong theo đường ống này. 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến hiện trường. Ảnh: Khải Hoàng.

13h45, theo phóng viên Khải Hoàng, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có mặt tại hiện trường. Sau hơn nửa giờ nghe các lực lượng báo cáo tình hình, Phó Thủ tướng đã đi vào đường hầm thủy điện Đạ Dâng kiểm tra công tác cứu hộ. 

13h30, thông tin từ đội đào hầm phụ cho biết đang đào thì trúng đá lớn. Phương án được tính đến là cho nổ mìn phá đá. Tuy nhiên các chuyên gia đang nghiên cứu phương án này thật kỹ. 

13h, các chuyên gia y tế rất lo ngại cho sức khỏe của các nạn nhân đang xấu đi vì ở trong môi trường ẩm thấp, lạnh, thiếu không khí quá lâu. Sở Y tế Lâm Đồng đang đưa dung dịch có dinh dưỡng cao vào cho các công nhân. 

Sơ đồ nơi các công nhân gặp nạn. Ảnh: VTV

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời chuyên gia Nguyễn Thế Phùng - thành viên Hội đồng nghiệm thu quốc gia về công trình ngầm, đang có mặt ở hiện trường cứu nạn - cho biết việc đào đường cứu nạn là phương án cổ điển nhưng chắc chắn nhất.

“Phương pháp này chậm nhưng chắc chắn nhất. Tôi cho rằng phải tính đến phương án chăm sóc, cho ăn uống, đảm bảo sự sống cho 12 nạn nhân bị kẹt kéo dài hàng tuần, chứ không nên vội vã đưa họ ra bằng mọi giá vì nếu nóng vội có thể dẫn đến những hậu quả khác khó lường”, ông Phùng cho hay.

Được đặt vấn đề để các nạn nhân lâu trong điều kiện nguy hiểm là có thể trần hầm bị ngấm nước và đổ sập, ông Phùng nói rằng trần mái hầm trong đó đã được xử lý, gia cố nên không lo sập.

Đường hầm phụ đang được đào. Ảnh: Khải Hoàng.

Cách uống sữa, cháo của 12 nạn nhân mắc kẹt trong hầm

Sữa được bơm qua đường ống dài hơn 30 mét vào nơi các công nhân gặp nạn. Từng người một ngậm ống để sữa, cháo chảy vào miệng.

12h30, hàng chục nhân viên cứu hộ đang tích cực đào một đường hầm phụ bên hông hầm chính đến nơi các công nhân đang mắc kẹt. Vừa đào hầm, vừa gia cố công trình hầm phụ này. Hàng trăm bao đất đá được xe cơ giới vận chuyển.

11h30, từ hiện trường, phóng viên Trường Nguyên dẫn lời nhà chức trách cho biết hiện 12 công nhân trong hầm phải đứng trên máy nén bê tông để trách nước ngập. Mỗi khi có thức ăn và nhu yếu phẩm từ ống dẫn trên đỉnh đồi đưa xuống thì họ phải bơi đến để lấy. 

11h20, hiện lực lượng cứu hộ đang triển khai đồng thời 3 hướng khoan. Hướng ở cửa hầm chính đang được tập trung thực hiện để nhanh chóng tiếp cận các công nhân.

Mũi thứ 2 ở cửa hầm hạ lưu đã khoan sâu được 36 m, nhưng máy khoan đang gặp sự cố hỏng hóc, phải thay động cơ. Một kỹ sư trực tiếp vận hành máy cho biết theo hướng cửa hầm này, khoảng cách giữa các công nhân và đội khoan khoảng 60 m. Lúc 10h, mũi khoan đã vào sâu 35 m. Tuy nhiên, hướng này có nhiều vách đá cứng, nước từ bên trong liên tục chảy ra ngoài khiến máy dễ gặp sự cố.

Mũi khoan thứ 3 từ trên đỉnh núi xuống trực tiếp nơi các công nhân bị kẹt để cung cấp thực phẩm, thuốc men, đường và không khí. Tuy nhiên mũi này cũng gặp nhiều tầng đá cứng.

Bên trong hầm thủy điện bị sập chôn vùi 12 công nhân

Đến chiều 17/12, sau gần 2 ngày cứu nạn cứu hộ, 12 nạn nhân trong vụ sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng vẫn bị mắc kẹt bên trong đống đất đá.

11h, phóng viên tại hiện trường dẫn lời nhà chức trách thông tin phương án bắn súng nước để cắt đất ở miệng hầm hạ lưu đã được đưa ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phương án này cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm vì nền đất không ổn định.

Về sức khỏe các công nhân, tổ y tế cho biết có nhiều người hạ thân nhiệt, tụt canxi. Họ đã được tiếp tế sữa nhiều canxi nên sức khỏe đã tạm ổn.

Thiếu tướng Bùi Văn Sơn - Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng - cho biết chưa thể nói trước thời điểm tiếp cận được nạn nhân. Nhưng các đơn vị cứu hộ đang cố gắng đến ngày 19/12 có thể đưa các công nhân ra ngoài. Một thông tin vui mà ông Sơn cung cấp là nước trong hầm đã giảm hơn so với hôm qua, chỉ còn 30 - 40cm.

Các nhân viên y tế luôn túc trực tại hiện trường. Ảnh: Khải Hoàng.

10h30, đoàn chuyên gia y tế của TP.HCM gồm 3 thành viên đã đến hiện trường phối hợp các nhân viên y tế sở tại tiếp tế thức ăn, thuốc cho các nạn nhân và chuẩn bị phương án cấp cứu khi các công nhân ra ngoài.

Tuổi Trẻ dẫn lời bác sĩ Phan Quốc Bảo (bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, cơ sở 2) cho biết những người bị kẹt trong hầm thường gặp vấn đề như hạ thân nhiệt, thiếu nước, thiếu dinh dưỡng, thiếu dưỡng khí.

Giới hạn chịu đựng phụ thuộc về điều kiện thể chất và tinh thần của mỗi người. “Trong trường hợp bị nạn thì nên tránh vận động và xúc động quá vì hầm vốn đã thiếu dưỡng khí”, bác sĩ Bảo nói.

10h, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ xây dựng - cho biết hiện tại mỗi ngày nước từ trong hầm chảy ra ngoài khoảng 90 m3, được xem là cân bằng với lượng nước thấm vào. Đến thời điểm này, mực nước trong hầm không còn dâng lên cao nữa.

Hiện tại 3 ống dẫn vào hầm, trong đó 2 ống hút nước, 1 ống đưa thức ăn. 

Sơ đồ các phương án giải cứu. Ảnh Tuổi trẻ.

9h50, trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Công Thạo - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC tỉnh Lâm Đồng, chỉ huy trưởng lực lượng cứu hộ - cho biết để tiếp cận được các nạn nhân thì phải đào 30 mét hầm. Nhưng qua nhiều ngày cứu hộ, hiện nay mới chỉ đào được 2 m vì đất cứng và gặp đá. 

Do đó, thay vì dùng cuốc, xuổng, nhà chức trách chuẩn bị đưa máy đào khí nén vào hiện trường. Với tốc độ thi công của máy thì chậm nhất là đêm nay sẽ tiếp cận được khu vực nận nhân bị mắc kẹt. 

9h30, các lực lượng chức năng gồm cứu hộ tỉnh Lâm Đồng, Công binh, công an, cơ động cùng lực lượng chi viện từ TP.HCM đã họp bàn phân chia công tác cứu hộ 12 công nhân mắc kẹt. Lực lượng đã chia ca ứng trực thay phiên nhau suốt 24/24.

Phương án chính được thực hiện là đào trực tiếp đường hầm đến nơi các công nhân đang mắc kẹt, chuyển từ cách đào thủ công như dùng cuốc, xẻng qua đào bằng nén khí.

Mỗi tốp thi công khoảng 4 người đào liên tục 2 giờ/ca. Hiện số người tham gia công tác cứu hộ tại hiện trường lên đến 300 người. Máy móc tại hiện trường vẫn hoạt động liên tục hết công suất.

Theo ông Nguyễn Thế Phùng - Đại học Xây dựng Hà Nội, chuyên gia về các công trình ngầm - phương án tối ưu nhất vẫn là đào hố chống thông. Việc cứu nạn các công nhân cần phải kiên trì, không nên vội vàng dễ gây thêm sự cố bất ngờ, nguy hiểm đến tính mạng những người bị kẹt trong hầm.

9h30, thông qua ống dẫn, các công nhân bị mắc kẹt thông báo nước trong hầm đến ngang lưng, họ rất lạnh. Sức khỏe một số người đang yếu dần.

Ngày hôm qua, có một nạn nhân bị khó thở. Người này có tiền sử hen suyễn nhưng đơn vị cứu hộ không để đưa thuốc vào bên trong. Nhưng đến tối, khi mũi khoan dẫn không khí vào bên trong được thông suốt thì sức khỏe người này đã tạm ổn. 

9h, lực lượng PCCC của TP.HCM dưới sự chỉ huy của thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng - Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM - đã họp với cá đơn vị tại hiện trường để bàn cách giải cứu các nạn nhân.

Trong sáng nay, sữa, nước và thuốc đã được tiếp tế cho các công nhân qua đường ống. Theo thông tin từ các nạn nhân, nước trong hầm vẫn còn cao, sức khỏe họ bình thường, nhưng không khí bên trong rất lạnh.

Theo nhà chức trách, khoảng 48 giờ nữa mới có thể đưa được các nạn nhân ra ngoài. Việc quan trọng nhất hiện nay là tìm cách tiếp cận và bảo đảo sự sống cho những người bị mắc kẹt.

Bên trong hầm thủy điện bị sập chôn vùi 12 công nhân

Đến chiều 17/12, sau gần 2 ngày cứu nạn cứu hộ, 12 nạn nhân trong vụ sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng vẫn bị mắc kẹt bên trong đống đất đá.

Lực lượng cứu hộ làm việc luôn đêm để cứu 12 nạn nhân. Ảnh: Khải Hoàng.

7h, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) - cho biết vào lúc 4h cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã triển khai mở thêm đường hầm mới song song với đường hầm đã bị sụp để tiếp cận các nạn nhân.

Hiện mũi khoan thứ 3 từ trên đỉnh đồi để thông hơi cho người bị nạn đã bị ngưng trệ, do gặp đất càng cứng và đá. Trong khi đó mũi khoan thứ 2 thực hiện từ chiều hôm qua đã không đạt được mục đích rút nước vì lượng nước chảy ra rất thấp. 

6h ngày 18/12 (ngày thứ 3 cứu hộ 12 công nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng), hơn 20 chiến sĩ của Bộ tư lệnh Công binh đã được chi viện vào hiện trường.

Bên cạnh việc đào đường hầm mới, lực lượng cứu hộ còn mở thêm nhiều mũi khoan ở cửa hầm chính, cửa phụ và trên đỉnh đồi để thoát nước ra ngoài.

Trong đó, mũi khoan đường hầm phụ đã khoan được 40 m, mũi trên đỉnh đồi được 27 m, còn tại đường hầm chính hiện có 3 mũi khoan đã được thông trước đó để dẫn không khí vào trong, đồng thời đưa nước ra ngoài để đảm bảo an toàn cho các nạn nhân.


Trường Nguyên - Khải Hoàng

Bạn có thể quan tâm