Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phút sập hầm thủy điện, 12 người bị chôn vùi

Khi mọi người chạy ra kêu cứu thì bên trong hầm vẫn chưa bị lấp hẳn, vẫn còn có thể nhìn thấy được nhau. Tuy nhiên, sau đó đất đá tiếp tục đổ xuống chia cắt mọi người.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, công nhân Công ty cổ phần Sông Đà 505 - người đã thoát nạn trong vụ sập công trình hầm thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo (thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng và 16/12) khiến 12 người mắc kẹt bên trong.

Anh Tuấn chưa hết hãi hùng kể: "Vào thời điểm trên, chúng tôi vào ca làm. Tôi đang đi vào hầm thì bất ngờ nghe tiếng đất đá đổ ầm ầm xuống. Sau đó hàng chục khối đất đá chia cắt anh em ở trong. Chỉ trong tích tắc nếu tôi không chạy kịp ra ngoài có lẽ đã bỏ mạng rồi. Sau đó, tôi chạy ra ngoài gọi mọi người đến cứu".

Bên trong hầm thủy điện bị sập chôn vùi 12 công nhân

Đến chiều 17/12, sau gần 2 ngày cứu nạn cứu hộ, 12 nạn nhân trong vụ sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng vẫn bị mắc kẹt bên trong đống đất đá.

Lực lượng cứu hộ vẫn đang mải miết làm việc bất chấp thời tiết giá lạnh.
Lực lượng cứu hộ vẫn đang làm việc bất chấp thời tiết giá lạnh.

Theo anh Tuấn, kíp làm việc sáng hôm xảy ra sự cố có 15 người, nhưng lúc đó chỉ có 12 công nhân vào trong, anh và 2 người nữa đi phía sau nên chạy ra được. Trên công trường, ngoài 3 người chạy ra được thì 2 có công nhân đang đau chân nằm trong lán. 

Các công nhân đều rất hoảng loạn. Khi mọi người chạy ra kêu cứu thì bên trong hầm vẫn chưa bị lấp hẳn, vẫn còn có thể nhìn thấy được mọi người. Tuy nhiên, sau đó đất đá tiếp tục đổ xuống ầm ầm lấp hẳn hầm. 

"Khi xảy ra vụ việc khoảng 6h30 ngày 16/12. Từ hôm đó đến giờ, tôi chưa chợp mắt được phút nào, vì tham gia cứu hộ đồng nghiệp. Khi nghe các công nhân còn sống tôi rất mừng. Cầu trời cho họ sớm thoát ra ngoài", anh Tuấn nói.

Anh Tuấn chưa hết bàng hoàng kể lại giây phút sinh tử trong hầm bị sập.
Anh Tuấn tích cực tham gia cứu hộ các đồng nghiệp.

Anh Trương Việt Hưng (quê Hà Nam, anh của công nhân Trương Tuấn Việt, người thân đầu tiên của các nạn nhân có mặt tại hiện trường) cho biết sau khi đọc được thông tin từ báo chí, mọi người gọi điện cho anh Việt nhưng không được. Ngay lập tức, anh cùng một người trong gia đình nhanh chóng vào Lâm Đồng để nghe ngóng thông tin. 

"Qua báo chí, gia đình biết em trai cùng 11 người đang mắc kẹt trong hầm vẫn còn sống. Tuy nhiên, việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn nên tôi rất hoang mang, lo lắng. Những người thân thức trắng đêm ở quê nhà để cập nhập thông tin về các nạn nhân. Cầu trời cho mọi người được bình an", anh Hưng tâm sự. 

Chị Phan Thị Hoa (vợ nạn nhân Trương Tuấn Việt) mới từ Hà Nam đến hiện trường lúc 16h hôm qua. Chị cho biết khi nghe thông tin có vụ sập hầm thủy điện, cả nhà rất hoang mang, lo lắng. "Vừa tới hiện trường, tôi đã không cầm được nước mắt. Hiện giờ trong hầm chồng vẫn còn sống nhưng tôi lo lắng vì việc cứu hộ kéo dài", chị nói.

Lực lượng hùng hậu từ Sài Gòn chi viện giải cứu 12 nạn nhân

45 chiến sĩ cùng 2 xe cứu hộ do Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng - Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM chỉ huy chi viện tham gia cứu hộ 12 công nhân đang bị chôn vùi.

Tại hiện trường, vào 20h ngày 17/12, ông Đặng Quang Đạt - Giám đốc công ty Cổ phần thủy điện Sông Đà cho biết - từ thông tin của các nạn nhân trong hầm, hiện nay một nạn nhân nam có dấu hiệu ngạt thở do có tiền sử hen suyễn, chưa thể đưa thuốc vào trong.

"Do ống dẫn khí quá nhỏ, sợ bị tắc nghẽn nên lực lượng cứu hộ chỉ đưa được cháo vào cho các nạn nhân, còn thuốc thì chưa thể tiếp tế. Đã có 6 ống dẫn khí được đưa vào trong. Phía bên trong, nhiệt độ đang xuống thấp, nước dâng cao, các nạn nhân phải leo lên máy xúc để tránh lạnh và nước", ông Đạt cho biết thêm.

Tuy nhiên, khoảng 21h cùng ngày, sức khỏe nạn nhân nam đã được đảm bảo do lực lượng cứu hộ đã đưa được nhiều ống dẫn khí vào trong. 

Khải Hoàng

Bạn có thể quan tâm