18h, theo nhà chức trách, khoảng 6 giờ nữa máy khoan chuyên dụng cỡ lớn, mũi dài 60 m của công ty thủy điện Sông Đà anh sẽ được điều động từ TP.HCM lên Lâm Đồng để hỗ trợ cứu hộ.
16h45, theo thông tin mới nhận được, hiện nay mực nước bên trong hầm nơi các nạn nhân mắc kẹt đã dâng cao hơn 1,3 mét. Càng về chiều tối thời tiết Đà Lạt càng lạnh.
Nhóm bác sĩ của bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM bao gồm 3 bác sĩ và 1 xe cấp cứu với đầy đủ dụng cụ đã nhận lệnh lên đường trực chỉ Lâm Đồng sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu các nạn nhân.
Tại hiện trường, nhà chức trách tiếp tục đưa thêm máy chuyên dụng vào trong hầm cứu nạn, bơm nước.
Bộ trưởng Y tế động viên chị Hoa trong lán trại. |
16h, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có mặt tại hiện trường để nắm thông tin về việc triển khai các phương án hỗ trợ nạn nhân, đồng thời động viên lực lượng cán bộ y tế nỗ lực bám trụ hiện trường để kịp thời giúp đỡ các công nhân khi họ ra ngoài.
Bộ trưởng cũng đã đến thăm và động viên chị Phan Thị Hoa (vợ nạn nhân Trương Tuấn Việt). Chị Hoa mới từ Hà Nam đến hiện trường lúc 16h. Chị cho biết khi nghe thông tin có vụ sập hầm thủy điện, cả nhà rất hoang mang, lo lắng.
"Vừa tới hiện trường, tôi đã không cầm được nước mắt. Hiện giờ trong hầm chồng vẫn còn sống nhưng tôi lo lắng vì việc cứu hộ kéo dài", chị nói.
15h30, trao đổi qua điện thoại, Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM - cho biết đã cử 45 cán bộ chiến sĩ cùng 2 xe cứu hộ chuyên nghiệp, 1 xe hậu cần chiến đấu, 1 xe chở quân do Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng - Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM chỉ huy đến Lâm Đồng tham gia cứu nạn.
Lực lượng hùng hậu này đã xuất phát lúc 15h hôm nay.
Ông Đỗ Viết Phong. Ảnh: Khải Hoàng. |
15h, ông Đỗ Viết Phong - Đội phó Lữ đoàn công binh Quân khu 7 - cho biết hiện tại lực lượng cứu hộ dùng mọi phương tiện, con người để bơm nước từ trong hầm ra ngoài.
"Vì nước mỗi ngày một dâng cao, đe dọa tính mạng 12 nạn nhân. Sau đó mới tính đến chuyện mở đường để vào tiếp cận các công nhân", ông Phong nói. Hiện mực nước dâng cao nhưng các công nhân đã tìm được nơi cao để trú ẩn.
14h30, trả lời các phóng viên, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết chưa cần thiết mời cứu hộ nước ngoài, vì lực lượng công binh đã có kinh nghiệm ứng cứu trong các trường hợp thế này.
Tuy nhiên, nhà chức trách cũng đã huy động lực lượng và phương tiện của Cảnh sát PCCC TP.HCM, các chuyên gia đào hầm ở Quảng Ninh chi viện.
Anh Hưng (trái) từ Hà Nam vào Lâm Đồng để theo dõi công tác cứu nạn. Ảnh: Khải Hoàng. |
14h, anh Trương Việt Hưng (quê Hà Nam, anh của công nhân Trương Tuấn Việt, người thân đầu tiên của các nạn nhân có mặt tại hiện trường) cho biết ngay sau khi đọc được thông tin từ báo chí, mọi người gọi điện cho anh Việt nhưng không được. Ngay lập tức, anh cùng một người trong gia đình nhanh chóng vào Lâm Đồng để nghe ngóng thông tin.
"Qua báo chí, gia đình biết em trai cùng 11 người đang mắc kẹt trong hầm vẫn còn sống. Tuy nhiên, việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn nên tôi rất hoang mang, lo lắng. Những người thân thức trắng đêm ở quê nhà để cập nhập thông tin về các nạn nhân. Cầu trời cho mọi người được bình an", anh Hưng tâm sự.
Đội cứu hộ tiếp tục vào hầm. Ảnh: Khải Hoàng. |
13h30, các đội cứu hộ tiếp tục làm việc. Hiện phía trước miệng hầm đã khoan được khoảng 30 mét. Trưa nay, qua đường ống nhỏ, các công nhân bên trong vẫn được tiếp tế nước uống, sữa. Tuy nhiên việc liên lạc qua đường ống này gặp nhiều khó khăn nên nhà chức trách đang tìm cách đưa thiết bị liên lạc chuyên dụng vào.
13h, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đến hiện trường nghe các đơn vị báo cáo vụ sập hầm và bàn các kế hoạch cứu hộ tiếp theo, nhanh chóng đưa các nạn nhân ra ngoài.
Hai bộ trưởng cho biết đã thống nhất tạm đình chỉ đơn vị thi công là công ty cổ phần Sông Đà 505 đến khi nào được sự chấp thuận của 2 Bộ mới làm trở lại.
Hai Bộ trưởng tại hiện trường vụ sập hầm. Ảnh: Khải Hoàng. |
12h30, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Xuân Tiến cho biết ngay sau khi dùng cơm trưa xong, các lực lượng cứu hộ tiếp tục được đưa vào hầm để làm việc.
Theo nhà chức trách, trên đỉnh đồi nơi hầm sập xuất hiện 2 hố có đường kính 4 m, sâu 2 m và hố 15 m sâu 10 m. Hàng nghìn m3 đất đá từ 2 hố này ập xuống khiến các công nhân mắc kẹt.
Lực lượng cứu hộ ăn vội cơm để tiếp tục làm việc. Ảnh: Khải Hoàng. |
Danh sách các công nhân bị nạn:
12h, theo phóng viên tại hiện trường, lực lượng cứu hộ đang chia thành 2 nhóm. Một nhóm tiến hành đào đất ở cửa miệng hầm để tiếp cận nạn nhân. Nhóm còn lại huy động máy khoan đá chuyên dụng để khoan phía sau hầm cho nước bên trong thoát nhanh.
Ở xung quanh khu vực cứu hộ, lực lượng chức năng tiến hành cho dựng lán trại hậu cần vì dự kiến công tác cứu hộ sẽ kéo dài.
11h30, anh Nguyễn Văn Tuấn, công nhân của Công ty Cổ phần Sông Đà 505, là người thoát chết trong gang tấc trong vụ sập hầm, đang tham gia cứu hộ các đồng nghiệp ra ngoài nghỉ ngơi. Anh kể: "Tôi đang đi sau chiếc xe máy đào thì bất ngờ nghe tiếng đất đá đổ ầm xuống. Ngay lập tức tôi quay đầu chạy thục mạng ra ngoài gọi mọi người đến cứu".
Theo thông tin từ anh Tuấn, trên thực tế kíp làm việc có 15 người nhưng lúc đó chỉ mới có 12 người vào trong, anh và 2 người đi phía sau nên chạy ra được.
"Lúc đó, trên công trường, ngoài 3 người chạy ra được thì có 2 công nhân đau chân nằm trong lán. Chúng tôi chạy ra kêu cứu rồi chạy vào định cứu người, lúc này hầm vẫn chưa bị lấp kín, vẫn còn có thể nhìn thấy được bên trong. Tuy nhiên sau đó, đất đá tiếp tục đổ xuống. Khoảng 1 giờ sau khi xảy ra tai nạn, lực lượng cứu hộ mới đến hiện trường”, anh Tuấn kể tiếp và cho biết từ hôm qua đến giờ anh chưa chợp mắt được phút nào.
"Khi nghe các đồng nghiệp còn sống tôi mừng như phát điên lên. Cầu trời cho họ sớm được đưa ra an toàn", anh Tuấn nói.
Các y bác sĩ túc trực tại hiện trường. Ảnh: Khải Hoàng. |
11h, bên ngoài có hàng trăm người dân, thân nhân các nạn nhân đứng ngóng tin từ đội cứu hộ. Nhiều người rất lo lắng cho số phận của người thân.
Ông Ngô Việt Quang - Chủ tịch hội đồng thành viên công ty nhôm Lâm Đồng, đơn vị tham gia cứu hộ - cho biết hiện các đơn vị cứu nạn đã lên khu vực đỉnh đồi để quan sát. Lực lượng chức năng thống nhất phương án đào hầm hình chữ A để tiếp cận nạn nhân.
10h20, các công nhân bị nạn trong hầm thông báo nước trên trần hầm nhỏ xuống rất nhiều, nước bên dưới thì dâng lên gần 1 mét, mọi người đang co ro trên giàn giáo để chống lại cái lạnh.
Trong khi đó, bên ngoài miệng hầm, hơn 100 người đang chia thành nhiều nhóm thay phiên nhau tiếp thế thức uống, sữa vào bên trong và tổ chức đào hầm chữ A vòng qua khu vực sạt lở để tiếp cận nạn nhân.
Các chuyên gia có mặt tại hiện trường cũng cho biết với tình hình hiện tại công việc trước mắt là phải tổ chức hút nước bên trong ra ngoài, sau đó mới tiến hành đào đất.
Sơ đồ công trình thủy điện Đạ Dâng bị sập. Ảnh: Tuổi trẻ. |
9h30, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Xuân Tiến đến hiện trường để theo dõi, đôn đốc cứu hộ. Ông Tiến cho biết bằng mọi cách phải đưa các công nhân ra ngoài trong ngày hôm nay, tránh mọi rủi ro. Cũng theo ông, trưa nay, Bộ trưởng Xây dựng và Công thương sẽ có mặt tại hiện trường.
Tuy nhiên, theo một đơn vị tham gia cứu hộ, hiện nay công tác đào đất gặp nhiều khó khăn vì làm thủ công, vị trí bị sập nằm rất sâu, hàng chục mét. Có thể 2 ngày mới có thể giải cứu các nạn nhân.
Nhiều phóng viên đề nghị được đi theo đội cứu hộ vào hầm nhưng bị từ chối vì theo nhà chức trách khu vực này rất nguy hiểm.
9h, thượng tá Phạm Phú Ty - Phó trưởng công an huyện Lạc Dương - cho biết: "Do địa chất ở đây phức tạp, chúng tôi đã tiến hành đưa mũi khoan vào sâu trong hầm để mở đường, nhưng hiện mũi khoan đã mắc kẹt trong đá. Do đó lực lượng chức năng đề ra phương án đào hầm cóc hình chữ A để tiếp cận nạn nhân".
Từ bên trong, các công nhân thông báo qua ống nối rằng mọi người đang chờ lực lượng đến cứu, nhưng tâm lý khá căng thẳng, không có ai bị thương.
Theo công ty Cổ phần Sông Đà 505 hầm Đạ Dâng cao 5 mét, ngang 4 mét. Đã thi công khoảng 600 mét xuyên qua núi, âm dưới mặt đất hơn 70 mét. Vị trí bị sập cách miệng hầm khoảng 600 mét.
Ông Ty thông báo tình hình với các phóng viên. Ảnh: Khải Hoàng. |
8h30, đại tá Hoàng Công Thạo - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC tỉnh Lâm Đồng - cho biết sẽ đào một đường hầm nhỏ gần vị trí sập rồi đưa ống sắt to vào để các nạn nhân chui ra. Tuy nhiên, khu vực này đất đang bị yếu nên lực lượng chức năng đưa rất nhiều thanh gỗ vào để gia cố đường hầm, sau đó mới tiến hành đào.
"Chúng tôi đang khẩn trương cứu người vì thời gian đối với các công nhân lúc này là cực kỳ quý giá. Qua liên lạc, 12 nạn nhân cho biết tình hình trong hầm vẫn ổn, đủ ôxy", ông Thạo cho biết.
8h, phóng viên tại hiện trường cho biết hiện thời tiết ở vùng núi Lâm Đồng rất lạnh, có mưa. Tuy nhiên, Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 7) với gần 30 chiến sĩ hành quân từ lúc 2h để đến hiện trường tiến hành đào hầm cứu người. Ngoài ra, Bộ chỉ huy quân sự Lâm Đồng cũng điều động rất đông chiến sĩ đến phối hợp.
Hiện các nhân viên công ty Công ty Cổ phần Sông Đà 505 tiếp tế nước uống và thức ăn buổi sáng cho các công nhân.
Vị trí các công nhân gặp nạn (khoanh đỏ). |
Từ 5h hôm nay (17/12), hàng trăm chiến sĩ cứu hộ đã di chuyển nhiều máy móc thiết bị để lực lượng công binh đào đất cứu 12 người đang mắc kẹt trong hầm sâu thủy điện Đạ Dâng.
Trước đó, 7h ngày 16/12, công trình đang thi công thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo tại thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra sự cố sập hầm. Vào thời điểm xảy ra sự cố có 11 người là công nhân, cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần Sông Đà 505 đang thi công đường hầm này, trong đó có một phụ nữ.
Nhận được tin báo, công an tỉnh Lâm Đồng đã huy động lực lượng cứu hộ, cứu nạn, lực lượng y tế… tới hiện trường.Tuy nhiên, địa điểm bị sập cách cửa hầm khoảng từ 300 - 500m, diện tích hầm bị sập kéo dài khoảng 6m với hàng trăm mét khối. Địa điểm bị sập cách cửa hầm khoảng từ 300 - 500m, diện tích hầm bị sập kéo dài khoảng 6m với hàng trăm mét khối.
Suốt ngày và tối qua, các cơ quan chức năng tìm cách đưa ôxy, sữa vào trong cho các nạn nhân. Đồng thời khẩn trương gia cố, ổn định vị trí bị sập để giải cứu các nạn nhân.