Cảnh sát tại New Delhi (Ấn Độ) cho biết đã bắt giữ hơn 50 người liên quan đến một vụ lừa đảo quy mô lớn. Theo đó, những kẻ lừa đảo gọi đến số máy của nạn nhân, lừa họ rằng tài sản của họ đã bị “đóng băng” vì nghi có liên quan đến các băng đảng ma túy ở Mexico và Colombia. Nạn nhân được yêu cầu chuyển tiền cho kẻ lừa đảo hoặc có nguy cơ phải đi tù.
Hơn 4.500 người Mỹ đã bị lừa, cảnh sát New Delhi cho biết hôm 16/12. Ước tính, khoảng 14 triệu USD đã được chuyển cho kẻ gian trong hơn 2 năm qua.
“Họ được yêu cầu mua Bitcoin hoặc thẻ quà tặng (gift card) Google, vốn có giá trị bằng toàn bộ số tiền trong tài khoản của họ”, Anyesh Roy, nhân viên cảnh sát tại New Delhi cho biết. Số tiền này sau đó được chuyển đến một nơi mà kẻ lừa đảo gọi là “tài khoản an toàn của chính phủ”.
Cảnh sát New Delhi (Ấn Độ) bắt giữ nhóm người giả danh tổng đài để lừa đảo 14 triệu USD của người Mỹ. Ảnh: NYTimes. |
Trò lừa đảo với các cuộc gọi giả danh tổng đài là “dịch vụ” nở rộ gần đây của Ấn Độ. Theo NYTimes, đất nước này nổi lên như một điểm nóng về lừa đảo trực tuyến trong khi thủ phạm hiếm khi bị trừng phạt.
Hồi tháng 8, cảnh sát tại khu ngoại ô Gurgaon của Delhi đã khám phá ra một vụ lừa đảo từ tổng đài khác, bắt hơn 20 người liên quan. Hơn 30.000 người Mỹ đã bị cài mã độc vào máy tính và yêu cầu trả tiền để khắc phục.
Các nhân viên tổng đài giả mạo đã gửi vô số đường link đến các trang web khiêu dâm cho người dân trên khắp nước Mỹ. Khi nhấp vào đường link, hệ thống máy tính của họ sẽ bị nghe trộm. Kẻ lừa đảo sau đó hướng dẫn họ mua thẻ quà tặng iTunes hoặc tính phí mỗi lần khắc phục lỗi lên đến 700 USD.
Các nhà chức trách đã thực hiện các cuộc đột kích trên khắp Ấn Độ và bắt giữ hàng trăm người, từ New Delhi - thủ phủ của các “tổng đài” lừa đảo cho đến ngoại ô Mumbai - nơi kẻ lừa đảo thích mạo danh quan chức của Sở Thuế vụ để yêu cầu người dân nộp thêm tiền thuế.
Cảnh sát cho biết những kẻ lừa đảo được huấn luyện để nói chuyện với giọng Mỹ và làm theo kịch bản đã được duyệt kỹ. Một cán bộ điều tra hay những kẻ này rất giỏi trong việc khiến người Mỹ phải nhanh chóng khuất phục trước yêu cầu của chúng.
Kẻ đứng đầu tổng đài giả mạo này từng dính vào một vụ án tương tự trước đó nhưng đã trốn sang Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất trước khi bị bắt giữ. Hắn cho biết đã trả lương 400-500 USD/tháng cho các “tổng đài viên” giả mạo. Nhiều người trong số này là thanh thiếu niên.
Rakshit Tandon - chuyên gia bảo mật - cho biết những kẻ lừa đảo hiếm khi hoạt động độc lập. Mỗi lần muốn triệt phá các đường dây lừa đảo, họ đều phải lần tìm manh mối từ nhiều “đối tác” của chúng. Những kẻ này thường kém cẩn trọng hơn và để lộ thông tin.
Khi Ấn Độ rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, Tandon cho biết khả năng các hình thức lừa đảo tương tự sẽ tăng mạnh. Tại Ấn Độ, tỷ lệ thất nghiệp đang tăng mạnh. “Chúng có sẵn nguồn nhân lực được đào tạo với giá rẻ. Những người là nhân viên biết họ đang đi lừa đảo nhưng vẫn chấp nhận làm để kiếm thêm tiền”.