Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

50 ngày tăng cấp độ giãn cách xã hội ở Hà Nội

Ở nhà cả ngày, đi chợ bằng phiếu, 4 lần chỉnh sửa quy định giấy đi đường, phố xá giao vắng vẻ, mọi sự sinh hoạt đảo lộn là những gì đã 50 ngày người dân Hà Nội phải trải qua.

HÀ NỘI 50 NGÀY GIÃN CÁCH XÃ HỘI

Ở nhà cả ngày như thể hôm nào cũng là thứ bảy, chủ nhật, đi chợ bằng phiếu, 4 lần chỉnh sửa quy định giấy đi đường, phố xá giao vắng vẻ, mọi sự sinh hoạt đảo lộn, người lao động nghèo phải cần đến sự trợ giúp thực phẩm... là những gì người dân Hà Nội phải trải qua trong 50 ngày thực hiện Chỉ thị 16 và 15+ về siết chặt giãn cách xã hội.

- Mẹ ơi, con đi cho cá ăn nhé?

- Bố, con chơi súng nước được không?

- Bố, bố nhìn con này. …

Vừa đu mình lên cây xà bắc ngang trước cửa phòng ngủ, Dế (Nhất Phong) vừa hào hứng gọi bố. Nghỉ học từ tháng 4 khi dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội, Dế coi đây là kỳ nghỉ hè dài nhất của mình trước khi cu cậu chính thức bước vào lớp 1. Còn với bố Đào Hiếu và mẹ Tuyết Nga, khi công việc cũng ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì gần 2 tháng qua, ngày nào cũng được coi là chủ nhật.

50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 1

Gia đình nhỏ 4 người ngày nào cũng chỉ quanh quẩn trong nhà. “Ngoài những hoạt động cố định như giờ đi ngủ, ăn cơm, học online… thì tất cả thời gian khác tôi và các con dành để chơi. Đạp xe, chơi đàn, bắn bi-a, tập thể thao… chưa khi nào chúng chịu ngồi yên một chỗ”, anh Hiếu vui vẻ chia sẻ.

Vì lo các con ở nhà nhiều sẽ buồn chán, anh Hiếu chưa khi nào cấm bọn trẻ đùa nghịch. Thậm chí anh luôn sẵn sàng tham gia đủ trò do con nghĩ ra. Những ngày giãn cách vì thế chẳng thể làm khó những đứa trẻ. Những ngày này, chị Nga vẫn đảm nhận công việc đi chợ, nấu nướng.

Trước đây, nếu các con đi học, chồng làm muộn chưa về, chị Nga (31 tuổi) vẫn thường lo cơm nước một mình. Đến nay thì khác, bố con anh Hiếu tự đề xuất được đảm nhận bữa trưa còn bữa tối thì chị Nga nấu chính. “Mùa dịch nên chuyện cơm nước với gia đình tôi cũng đơn giản đi nhiều, không có gì vất vả cả. Nhưng mấy bố con vì không có gì làm nên cũng hăng hái vào bếp lắm. Nghỉ dịch ở nhà vậy cũng vui chứ!”, vừa luôn tay chuẩn bị cho bữa cơm tối, chị Nga vừa tâm sự.

Đó chỉ là một trong số hàng triệu gia đình ở Hà Nội phải thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội từ 24/7 đến nay. Tính đến ngày 11/9, tròn 50 buổi bình minh, hầu hết người dân thủ đô không ra khỏi nhà đạp xe, chạy bộ hay làm những việc mình muốn.

Trước đó, từ ngày 5/7 đến 23/7, thủ đô có 417 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, ngoài ra có hơn 200 ca mắc trong các bệnh viện tuyến Trung ương. Vì vậy, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, từ ngày 24/7, Hà Nội bắt đầu áp dụng Chỉ thị 17 (dựa trên nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng).

Theo chỉ thị này, mọi hình thức kinh doanh mặt hàng không thiết yếu đều phải nghỉ, người dân được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Các hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe 2 bánh cũng phải dừng lại, trừ trường hợp phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia.

Đường phố như kỳ nghỉ Tết rất dài

Nắng sớm trải dài trên những nẻo đường, không còn cảnh người đạp xe thể dục đông đúc, chợ cóc ồn ào náo nhiệt hay nỗi ám ảnh tắc đường... Nhịp sống của thủ đô những ngày này dường như chậm lại. Nhà nhà đóng cửa, phố xá im lìm là khung cảnh mới mẻ bắt đầu từ ngày 24/7.

50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 6

Những con đường vọng tiếng loa: "Gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh. Mỗi người dân phải là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài để cùng chung tay chống dịch".

50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 11

Đi chợ, siêu thị bằng phiếu

Ngay ngày đầu, các siêu thị và chợ dân sinh ở Hà Nội đông đúc người đi mua thực phẩm. Tại một số chợ cóc, dù có biển báo, rào chắn thông báo dừng hoạt động, tiểu thương vẫn bán, khách vẫn mua như ngày thường. Những ngày sau, có nơi họ còn giao dịch lén lút bên ngoài cổng chợ, thậm chí, nhiều bà con đi mua thực thẩm lúc tinh mơ để đề phòng đông người.

Để bảo vệ cộng đồng, nhiều khu chợ ở Hà Nội được tiểu thương tự bỏ kinh phí lắp vách ngăn để giữ khoảng cách giữa người bán và người mua. Chợ Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, là một trong số đó. Tại đây, các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu đã được phường yêu cầu nghỉ. Số quầy còn lại áp dụng chia lịch, mỗi ngày có khoảng 70 tiểu thương được làm việc.

Tuy nhiên, trong những ngày đầu siết chặt giãn cách xã hội, có bất cập xảy ra trong việc cho phép dân đi chợ. Tại chợ Ngã Tư Sở thuộc quận Đống Đa nằm giáp ranh với quận Thanh Xuân, chính quyền hai quận đã áp dụng hình thức phát phiếu đi chợ khác nhau. Việc này đã làm khó người tiêu dùng sinh sống tại các phường lân cận như Khương Thượng, Khương Trung, Thượng Đình (quận Thanh Xuân).

Cụ thể, người dân quận Thanh Xuân được phát một phiếu dùng chung cho các ngày thứ 3, 5, 7 trong tuần. Còn người dân quận Đống Đa được phát 3 phiếu đi chợ trong vòng 9 ngày, trong mỗi phiếu đều được ghi ngày cụ thể. Do vậy đã xảy ra cảnh đôi co giữa người dân và bảo vệ chợ. Một số phụ nữ đứng ngoài nhờ người phía trong mua hàng hộ. Người thì không đủ điều kiện vào chợ, người không có thẻ hợp lệ, người đã mua nhưng quên một số thứ và quay lại mua tiếp.

4 lần chỉnh sửa quy định giấy đi đường

Cấp giấy đi đường là vấn đề gây nhiều ý kiến trái chiều tại Hà Nội từ hôm 24/7 đến nay. Trong khoảng 40 ngày, Hà Nội đã có 4 lần điều chỉnh, thay đổi phương thức cấp, duyệt, kiểm tra. Ở đợt gần nhất, Hà Nội yêu cầu, bên cạnh mẫu giấy đi đường, người tham gia giao thông cần xuất trình kèm theo: Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Vì quá nhiều điều kiện, vào giờ cao điểm buổi sáng, tại đầu các chốt kiểm dịch phòng chống dịch Covid-19, cảnh phương tiện bị ùn ứ dài hàng trăm mét xảy ra. Nhiều lần lực lượng an ninh buộc phải xả trạm để đảm bảo an toàn, phòng chống lây nhiễm.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cảnh báo chỉ cần một ca F0 tại các điểm xảy ra ùn ứ trên đường khi kiểm tra giấy tờ, sẽ rất nguy hiểm.

50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 17

Không chỉ ở các chốt kiểm dịch, cảnh đông người tụ tập còn xảy ra tại khu vực cấp giấy đi đường.

Chiều 9/8, rất đông người đến trụ sở phường Dịch Vọng Hậu và phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để xin xác nhận các giấy tờ theo quy định mới. Chị Trương Oanh (nhân viên một công ty có trụ sở tại phường Dịch Vọng Hậu) cho biết mình được công ty giao trách nhiệm lên phường để hoàn tất giấy tờ cần thiết cho các đồng nghiệp. Tuy nhiên, thủ tục có nhiều bất cập khiến chị phải làm từ sáng đến chiều vẫn chưa xong.

Theo quy định mới của UBND TP Hà Nội, ngoài giấy đi đường, người lao động trên địa bàn Hà Nội ra khỏi nhà phải xuất trình kèm theo căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị ghi rõ lịch trực, lịch làm việc. UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận giấy đi đường trên nguyên tắc chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn.

50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 22

Ngày 7/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để kịp thời điều chỉnh việc cấp và kiểm tra giấy đi đường phù hợp với thực tế.

Trước mắt, TP cho tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến khi đạt hiệu quả rồi mới nhập hai loại giấy thành một; đồng thời chỉ phạt người ra đường không có lý do thiết yếu theo quy định.

50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 25

Sáng 8/9, tại chốt kiểm soát dịch cầu Nhật Tân, cán bộ làm nhiệm vụ tất bật kiểm tra giấy tờ của tài xế và phương tiện. Trong đó, có người dùng giấy kiểu mới, người dùng kiểu cũ, do chưa thể đồng bộ hoàn toàn.

Các phương tiện qua chốt sẽ được kiểm tra giấy thông hành, khai báo y tế và quét mã QR code đối với các xe vận tải thuộc luồng xanh ưu tiên.

Ngày 8/9, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, yêu cầu UBND Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành.

50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 28
50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 31

Sự lúng túng trong việc ban hành quy định giấy đi đường của thành phố đã khiến tình thế giao thông nội đô đảo chiều liên tục.

Sau ngày 5/9, các tuyến phố trở nên đông đúc xe cộ hơn, một phần nguyên nhân là nhiều chốt kiểm dịch "biến mất" dần, chính quyền tạm dừng xử phạt người dùng mẫu giấy đi đường cũ. Lượng phương tiện chỉ thực sự thưa thớt vào dịp cuối tuần. Cứ vào mỗi khung giờ cao điểm, rất khó để phân biệt đang ở thời điểm siết chặt hay nới lỏng giãn cách xã hội, dù đường phố vắng người hơn ngày bình thường.

Bất cập giao thông ở cửa ngõ thủ đô

Ngay từ ngày đầu (24/7) thực hiện Chỉ thị 16, cảnh sát giao thông Hà Nội bắt đầu kiểm soát 100% người và phương tiện với 22 chốt cửa ngõ ra vào. Tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cảnh ùn tắc dài nhiều km xảy ra do tài xế không có giấy phép vào thành phố. Đa số ôtô phải quay đầu, kể cả việc qua Hà Nội để đi tỉnh khác.

Trao đổi với Zing, đại diện Bộ GTVT nhận định Chỉ thị của TP Hà Nội được ban hành ngay trong đêm đã khiến nhiều tài xế không kịp thay đổi lộ trình.

50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 32

Tại chốt chặn số 5 (cầu Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đoạn nối vào cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, Sở GTVT Hà Nội đã cho phép chỉ những xe vận tải đã đăng ký vào "luồng xanh" mới được vào nội thành. Đó là những xe chở hàng hóa thiết yếu phục vụ an sinh xã hội, sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, vận chuyển thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19, ga, xăng dầu; chở hàng cứu trợ.

Tuy nhiên, trong khoảng 2 giờ, không một phương tiện nào có nhận diện "luồng xanh", họ đều bị cán bộ tại chốt dừng, yêu cầu quay đầu.

Sự thiếu thống nhất giữa các đơn vị chức năng đã khiến cảnh đôi co xảy ra giữa CSGT và lái xe tải. Một tài xế tên Bình to tiếng khi không được qua chốt. Anh cho biết mình không hề nhận được thông tin phương tiện phải có nhận diện "luồng xanh" mới được qua. "Tôi đi từ Bắc Giang đến Hải Phòng, tôi không ở lại Hà Nội, tuyến đường của tôi buộc phải đi qua Hà Nội mà giờ không được đi thì tôi biết làm thế nào", lái xe bồn phân trần với CSGT. Tuy nhiên, sau đó anh vẫn không được qua, đành phải quay đầu xe.

50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 35

Đến sáng 25/7, ngày thứ 2, các phương tiện vẫn ùn tắc dài 4 km từ ngày hôm trước chưa thể vào hoặc đi qua nội đô.

Nhiều tình huống dở khóc, dở cười xảy ra tại cửa ngõ vào Hà Nội. Chở bệnh nhân từ TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, khi phóng viên có mặt, anh Nguyễn Văn Khu đã kẹt ở điểm này khoảng 2 giờ. Theo điều dưỡng Vương Văn Linh, bệnh nhân trên xe bị động kinh. "Đang làm việc tại công ty, bệnh nhân lên cơn co giật, sùi bọt mép và ngã gãy tay. Người nhà thuê xe cấp cứu đưa anh này lên bệnh viện ở Hà Nội, nhưng khi tới cửa ngõ, họ phải dừng lại đây đã ít nhất 2 tiếng.

Trong khi đó, anh Phạm Văn Hậu rất sốt ruột khi phải soi đèn và đếm từng con gà đang chết dần. Nam tài xế cho biết anh ở Ninh Bình, đi Thái Nguyên bắt 1.000 con gà (ước tính hơn 100 triệu đồng) về nhà để bán. Tuy nhiên, xe của anh bị tắc trước chốt chặn số 5 suốt 4 giờ khiến chúng chết dần vì nóng, thiếu oxy, nước...

Đến ngày 9/9, tại nút giao thông Pháp Vân, lực lượng chức năng mở 2 làn kiểm soát để qua trạm thu phí, trong đó một làn dành cho xe luồng xanh vận tải do thanh tra giao thông phụ trách, làn còn lại CSGT sẽ kiểm tra các phương tiện khác.

Việc kiểm soát tất cả, trong khi chỉ có một làn dành cho phương tiện luồng xanh được qua chốt khiến lượng lớn ôtô bị ùn tắc. Tài xế Lê Văn Cương (đi từ Ninh Bình) cho biết anh mất gần 40 phút chờ đợi để thoát. "Thời tiết đang giao mùa, nắng oi cùng với khói xe khiến hàng chục con lợn của tôi có nguy cơ chết nếu phải chờ đợi thêm", anh nói.

Máy bay, xe khách, ôtô con bất động trong mưa nắng dài ngày

Ghi nhận của Zing lúc 11h ngày 17/8, máy bay đậu kín các vị trí sân đỗ, phải xếp nối đuôi nhau bất động một chỗ cả trên đường lăn.

Trước đó, vào ngày 21/7, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam ký văn bản về việc tạm dừng các chuyến bay chở khách từ Hà Nội đi Cần Thơ, Phú Quốc kể từ từ 0h ngày 22/7, đồng thời hạn chế số lượng các chuyến bay thương mại tới Hà Nội từ TP.HCM và các tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16.

Vào thời điểm cuối tháng 7, hành khách muốn rời Hà Nội bắt buộc phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, đồng thời khai báo y tế theo quy định. Khi đi máy bay, phần lớn hành khách mặc đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, ngồi giãn cách để đảm bảo an toàn.

50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 43

Theo báo cáo của ngành, các hãng hàng không Việt Nam khó khăn không kém tháng 4/2020, giai đoạn ảm đạm nhất trong năm 2020 khi dịch Covid-19 lần đầu bùng phát mạnh tại Việt Nam. Gần nhất, Bộ GTVT đã cho phép Cục Hàng không căn cứ nhu cầu thực tế, có thể giảm khai thác đường bay TP.HCM - Hà Nội xuống dưới 2 chuyến khứ hồi/ngày.

Không chỉ máy bay, toàn bộ xe buýt, xe khách và các lô "xế hộp" mới cứng cũng chịu cảnh nằm bất động, phơi mưa nắng ở các bãi đỗ trong nội thành.

50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 48

Rào chắn khoanh vùng hàng loạt

Trong ngày 21/8, UBND quận Đống Đa tăng thêm 17 chốt kiểm soát. Trước đó, quận đã thiết lập vùng cách ly y tế tại các khu dân cư 5 phường gồm Văn Chương, Văn Miếu, Khâm Thiên, Thổ Quan, Hàng Bột, với hơn 7.500 dân.

Các khu vực trên địa bàn 2 phường này đều dựng các chốt chặn cứng. Tại khu giáp ranh phường Văn Chương với phường Khâm Thiên, lực lượng chức năng thiết lập hàng rào thép gai phong tỏa, không cho người dân ở trong khu cách ly y tế ra ngoài từ sáng 22/8.

50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 49

Ngày 25/7, 14 chốt ra vào xã An Khánh, huyện Hoài Đức, được người dân thiết lập bằng gạch, gỗ, tre, nứa xếp lên để chặn các lối đi sau khi địa phương này ghi nhận 6 ca mắc Covid-19. Con đường tại khu đất dịch vụ An Thọ có 3 chốt chặn được lập từ các chồng gạch, mỗi chốt cách nhau khoảng 400 m.

50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 56

Cũng nâng cao biện pháp phòng dịch như xã An Khánh, ngày 28/7, UBND phường Long Biên (Hà Nội) đã huy động xe tải, gạch, thùng container của người dân để lập 8 hàng rào tại một số lối ra vào.

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch UBND phường Long Biên, cho biết phường có 44 cửa ngõ, trong khi lực lượng cán bộ của chính quyền lại mỏng. "Ngoài ra, cơ sở vật chất để làm barie cũng hạn chế nên chúng tôi phải tạm dựng những chốt như này. Khi lực lượng ổn định, cơ sở vật chất được tăng cường, chúng tôi sẽ dỡ bỏ và có lực lượng chức năng trực 24/24h", ông Hùng nói.

50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 57
50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 60

Gần đây, hệ thống rào chắn ngày càng được thiết lập nhiều hơn. Trước ngày thực hiện Chỉ thị 15+ (ngày 6/9), theo công bố của thành phố, 10 quận, huyện có số ca mắc Covid-19 cao nhất gồm Thanh Xuân, Đông Anh, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Thường Tín, Hoàn Kiếm, Hà Đông. Đây có khả năng là "vùng đỏ" tại Hà Nội...

Cuộc sống sinh hoạt đảo lộn, nhiều người quê kẹt lại thủ đô

Phóng viên Zing gặp một nhóm thợ xây người dân tộc Dao Trắng quê ở Lục Yên (Yên Bái). Các anh, chị tới thủ đô làm việc được một tháng thì dịch Covid-19 bùng phát. Buổi làm, buổi nghỉ rồi tới khi Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16, họ đành ở yên trong nhà. Căn nhà hai tầng bỏ không nằm trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) được chủ thầu thuê lại, trở thành chỗ trú chân cho 5 người.

Kể từ đầu dịch đến ngày 9/8, cả nhóm nhận được 300.000 đồng tiền hỗ trợ từ khu vực. Số tiền ấy họ đủ mua thực phẩm trong vài ngày rồi nhờ chủ thầu ứng trước tiền lương để giải quyết khó khăn. Sinh hoạt của 5 thành viên mỗi ngày đều lặp lại, họ chỉ quanh quẩn trong nhà. "Chúng tôi cũng thấy bí bách lắm nhưng chẳng ai dám ra đường ngày này vì sợ bị phạt", chị Út nói.

50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 61

Không may mắn như nhóm lao động người Dao, trên đường phố Hà Nội còn xuất hiện nhiều cảnh đời đen đủi khác.

23h30 một đêm tháng 8, phía gầm cầu vượt Phạm Văn Đồng, một người lao động dựng vội chiếc mùng rồi ngả lưng. Hơn một tháng nay, nơi đây trở thành "mái nhà" tạm bợ. Làm việc giữ xe cho một quán bia hơi, dịch bệnh bùng phát, anh Đinh Văn Cường mất việc. Không có tiền thuê trọ, người đàn ông quê Nam Định chuyển đồ đạc ra gầm cầu. Anh nhặt nhạnh giấy bìa, vỏ lon, chai nhựa... để bán lấy tiền qua ngày.

"Việc đầu tiên tôi làm là về nhà sau khi hết dịch", anh nói khi được hỏi thăm. Tự nhận mình có chút "may mắn" hơn những trường hợp khác, anh Cường kể lại đã được người đi đường tặng mùng, chiếu, gối...

50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 62

Giống hoàn cảnh anh Cường, phía ven một con đường bên rìa thành phố, anh Điệp và Dương chui vào chiếc ống cống bỏ không để nương náu. Xuống Hà Nội làm việc được 1 tuần thì dịch bệnh bùng phát, những công nhân quê Tuyên Quang này bất đắc dĩ bị mắc kẹt. Không dám gọi điện về cho gia đình nhiều vì sợ con cái lo lắng, anh Dương chỉ còn biết mong cho dịch mau chóng tan biến.

Pheng Chanh, Lod, Atu, NeePhone, Ongly, Onthip, Aong... là những sinh viên Lào cùng ở lại tại ký túc xá của Đại học Văn hóa. Có người ở lại gần 2 năm, có người mới sang được vài tháng còn chưa kịp nhập học. Họ không thể trở về Lào vì tình hình dịch bệnh. Các sinh viên này cũng lo ngại nếu về rồi rất khó để quay lại tiếp tục chương trình học.

Vậy là những ngày này, ngoài việc lo cho 600 sinh viên Việt Nam đang kẹt lại Hà Nội, đoàn trường còn hỗ trợ thêm cho các chàng trai, cô gái trong nhóm hoàn cảnh đặc biệt này. Khu ký túc xá trước đây có hàng trăm sinh viên ở đến nay chỉ còn lại 14 người. Những tiếng cười đùa náo nhiệt thay bằng vẻ im ắng và những căn phòng khóa trái cửa. Đôi lúc, âm thanh nghe được rõ nhất là giai điệu vang lên từ chiếc guitar của chàng sinh viên Lod phía ngoài ban công vào những buổi sáng sớm.

Các chương trình từ thiện, an sinh xã hội làm ấm lòng người dân lao động

Đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch Covid-19 kéo dài đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, việc làm, đời sống của người dân, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, những lao động tự do phải “chạy gạo” từng ngày. Để đảm bảo người dân không ai phải thiếu ăn, bị bỏ lại phía sau, nhiều chương trình từ thiện ở các phường, xã được lập nên nhằm giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, người bị thất nghiệp vì dịch.

Tại phường Long Biên, mỗi gia đình được nhận phần quà gồm: một túi 20 quả trứng gà, 5 kg gạo, 2 chai dầu ăn, một gói gia vị và nửa kg lạc, trị giá khoảng 300.000 đồng. Gia đình có 2 nhân khẩu thì nhận 2 phần, 3 người thì 3 phần.

Người lái xe ôm Lê Bá Tuyền cảm thấy "nhẹ người" khi xách suất thực phẩm ra về. Ông cho biết từ khi dịch bệnh hoành hành, ông chuyển sang nhặt rác. "Ngày tôi kiếm vài chục nghìn, có hôm chả được đồng nào. Tiền thuê trọ mất 1 triệu đồng/tháng, tôi và vợ phải cố xoay xở để sống. Thời gian qua ăn mì tôm còn nhiều hơn ăn cơm", người đàn ông 63 tuổi chia sẻ.

9h ngày 19/8, tại UBND phường Trung Tự (quận Đống Đa), những phần quà hỗ trợ dành tặng các gia đình khó khăn, lao động mắc kẹt, sinh viên... được một doanh nghiệp hảo tâm tài trợ. Xe tải vận chuyển đưa hàng đến tận khu vực sinh sống của người dân.

Bà Phạm Thị Loan sống cùng chồng trong một căn hộ thuộc tầng 4 của tập thể Trung Tự bất ngờ khi được gõ cửa gọi ra nhận quà hỗ trợ. Người phụ nữ 81 tuổi rưng rưng nước mắt khi phần quà đến đúng vào thời điểm gia đình bà gặp khó khăn nhất. "Chồng tôi ốm bệnh, tôi một mình chăm sóc và cơm nước cho ông ấy thành ra thời gian này gặp nhiều thiếu thốn. Gia đình tôi xin được cảm ơn", bà nói. Các suất quà chủ yếu là thực phẩm, đồ dùng thiết yếu như gạo, miến khô, chả cốm, thịt, khẩu trang...

50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 71

Trong những ngày chưa bước vào năm học mới, Đại học Văn hóa Hà Nội triển khai cứu trợ quy mô lớn dành cho hơn 600 sinh viên kẹt lại thành phố vì dịch bệnh. Trong đó có du học sinh hơn 1 năm chưa về nước. Trước mắt, các thầy cô cùng sinh viên trường chung tay cứu trợ các sinh viên mắc kẹt tại Hà Nội, sau là mở rộng tới cả các bạn đang ở tỉnh gặp khó khăn vì dịch Covid-19.

Ngoài các chương trình phát quà từ thiện, nhiều điểm bán hàng hỗ trợ, cứu đói cho dân nghèo cũng được thiết lập. Những ngày này, không khó để bắt gặp cảnh người dân xếp hàng tại điểm bán lưu động ngoài trời ở phường Long Biên hay siêu thị 0 đồng mới lập tại quận Hoàng Mai.

Có mặt tại siêu thị 0 đồng, anh Lương Văn Chuôn, một thợ xây người huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chia sẻ từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, cả tháng trời anh cùng 4 người khác phải ở lại trong công trình rồi ăn mì tôm cầm cự qua ngày. Không có giấy đăng ký tạm trú, việc nhận hỗ trợ với anh cũng gặp nhiều khó khăn. "Tôi được chính quyền đến tận nơi ở hỏi thăm và phát phiếu, cảm thấy như được cứu sống trong cơn hoạn nạn. Chỉ mong mọi người mạnh khỏe để tiếp tục làm việc tốt như này", anh Chuôn xúc động nói.

50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 74

Xuất hiện ổ dịch Thanh Xuân Trung, Hà Nội đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine

Điểm nóng nhất Hà Nội 50 ngày qua là số ca mắc mới trên địa bàn Thanh Xuân Trung tăng liên tục. Ngày 30/8, xe cứu thương liên tục tới ổ dịch ngõ 328, 330 đường Nguyễn Trãi đưa người đi cách ly tập trung.

Đến tối 1/9, UBND quận Thanh Xuân tăng cường kế hoạch di dời. Theo đó, 1.187 người dân ở ổ dịch này (kể cả không phải F1) lần lượt đến khu ký túc xá của Đại học FPT (Hòa Lạc, huyện Thạch Thất) để cách ly trong vòng 14 ngày.

50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 75

Tính đến đầu tháng 9, Sở Y tế Hà Nội hiện đã phân bổ 999.600 liều vaccine vừa nhận từ Bộ Y tế cho 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn để tiêm cho người dân.

Quận Hoàng Mai là địa bàn được phân bổ nhiều nhất, với gần 147.000 liều, tiếp sau là Hà Đông gần 104.000 liều, Đống Đa gần 86.000 liều, Thanh Trì có 70.000 liều, Cầu Giấy có gần 68.000 liều, Thanh Xuân gần 64.000 liều, Hai Bà Trưng có gần 62.000 liều, Bắc Từ Liêm gần 55.000 liều…

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 8/9, thành phố đã tiêm tổng cộng 215.031 mũi vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Trước đó, số lượng vaccine Covid-19 được tiêm tại Hà Nội ngày 7/9 là 268.027 mũi và ngày 6/9 với 103.198 mũi.

Trước đó, từ đầu tháng 8, trong số các điểm tiêm chủng được lập nên, Nhà thi đấu thể thao Trịnh Hoài Đức gây chú ý. Tại đây, có sức chứa 2.000 người, hệ thống cửa thông thoáng, được xem là nơi phù hợp để tổ chức đón bà con đến tiêm vaccine.

50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 80

Tối 9/9, lần đầu tiên Hà Nội tổ chức tiêm thêm vào ban đêm nhằm đáp ứng yêu cầu sớm phủ vaccine phòng Covid-19. Khu vực tổ chức tiêm chủng là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Hàng trăm cán bộ, nhân viên phục vụ gần 1.500 người dân trên địa bàn 3 phường Trần Hưng Đạo, Cửa Nam, Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm.

Làm việc tại siêu thị, phải tiếp xúc nhiều người, Nguyễn Diệu Linh (sinh sống tại phố Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng) cũng cảm thấy may mắn khi được tiêm phòng dịch kịp thời. "Trước khi đến đây, tôi cũng tìm hiểu thông tin về vaccine và những phản ứng phụ có thể xảy ra nhưng không thấy lo lắng. Thay vào đó, tôi thấy việc làm này vừa mang lại lợi ích cho cá nhân lại đóng góp chung cho sức khỏe cộng đồng", Diệu Linh nói.

50 ngay gian cach xa hoi o Ha Noi anh 83

Theo ông Phạm Tuấn Long (Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm), tính đến ngày 9/9, toàn quận đã tiêm cho 80% dân số. Quận sẽ cố gắng đến ngày 15/9, hoàn thành kế hoạch 100%.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, muốn nới lỏng dần dần giãn cách xã hội, đưa cuộc sống về trạng thái bình thường, phải tầm soát triệt để F0 trong cộng đồng để cách ly, khoanh vùng.

“Với công suất tiêm của Hà Nội, ngày 9/9 đạt hơn 300.000 liều là con số rất ấn tượng. Chúng tôi mong Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu đến ngày 15/9 tiêm chủng mũi 1 cho 100% người trên 18 tuổi. Đây là mục tiêu rất tham vọng", người đứng đầu ngành y tế nói.

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh thì cho biết TP đặt ra 3 mục tiêu: Một, đến 15/9, hoàn tất tầm soát xét nghiệm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng; Hai, tiêm vaccine Covid-19 mũi 1 cho toàn bộ người trên 18 tuổi (nếu tiến độ cung cấp được đảm bảo); Ba, cơ bản kiềm chế tình hình dịch bệnh. Đây sẽ là 3 cơ sở để TP xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách, mở rộng hoạt động xã hội, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.

Hoàng Hà - Thạch Thảo

Ảnh: Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm