Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại Việt Nam kéo dài và gây tác động nặng nề nhất trong các đợt dịch từ trước đến nay. Nội dung này cũng trở thành “tâm điểm” của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, khi hầu hết đại biểu Quốc hội đều đưa ra quan điểm và đóng góp cho nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.
Chính phủ cần xây dựng kế hoạch tổng thể về phòng chống dịch
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn), Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học lập pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp, nêu lo ngại khi làn sóng dịch Covid-19 lần này xuất hiện biến chủng virus mới.
Song song với việc tiếp tục áp dụng các biện pháp chống dịch như hiện nay, ông cho rằng cần sử dụng các công cụ pháp lý mạnh hơn khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Theo đó, Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch tổng thể về phòng, chống Covid-19 cho Việt Nam với các kịch bản về diễn biến dịch với cấp độ khác nhau; những tác động có thể xảy ra và giải pháp, điều chỉnh chính sách về ngắn hạn cũng như dài hạn.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nhắc đến 5 trụ cột chính để ứng phó với đại dịch Covid-19. Ảnh: Đ.C. |
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tính đến việc xây dựng kế hoạch phục hồi hậu Covid, và mỗi kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm khác nhau để khoan sức dân, khoan sức doanh nghiệp.
TS Nghĩa cho rằng Covid-19 đã và đang tạo ra khoảng cách xã hội ngày càng lớn thông qua việc làm giảm thu nhập và phân phối lại thu nhập. Trong nước, nhóm yếu thế như người nghèo, người lao động tự do, xe ôm, bán hàng rong... là những người mưu sinh từ thu nhập bằng lao động hàng ngày, nay thu nhập của họ lại bị giảm, bị mất do dịch. Vì vậy, họ cần phải được đặc biệt quan tâm trong đại dịch cũng như trong các quyết sách hậu đại dịch.
Bên cạnh các quốc gia thành công, TS Nghĩa cho biết nhiều nước đã thất bại vì chưa đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của đại dịch, dẫn đến chủ quan, đưa ra các chính sách chậm chễ; chưa tập trung vào hai nhiệm vụ là chống dịch kết hợp với khôi phục, ổn định kinh tế; chưa kịp thời đưa ra biện pháp hỗ trợ đủ lớn và đủ dài hơi cho người dân, doanh nghiệp…
Từ thực tế đó, ông đề cập đến Khung hướng dẫn các biện pháp khẩn cấp ứng phó Covid-19 do Liên Hợp Quốc ban hành. Theo TS Nghĩa, các biện pháp ứng phó với đại dịch gồm 5 trụ cột chính.
Một, tập trung bảo vệ cán bộ y tế, các cơ sở y tế và hệ thống y tế.
Hai, bảo vệ người dân, tập trung bảo đảm chăm sóc y tế, an sinh xã hội và các dịch vụ cơ bản.
Ba, ứng phó và phục hồi kinh tế, tập trung vào bảo vệ việc làm, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nhân trong khu công nghiệp và người lao động trong khu vực phi chính thức.
Bốn, ứng phó kinh tế vĩ mô thông qua các gói kích thích tài chính để làm cho các chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp hơn với những người dễ bị tổn thương nhất.
Cuối cùng là giải quyết tốt các mối quan hệ xã hội và phục hồi xã hội.
“Đây có thể là mô hình tham khảo để vận dụng phù hợp với điều kiện nước ta”, TS Phạm Trọng Nghĩa đề xuất.
Quan tâm hệ thống y tế cơ sở
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cho rằng việc số ca nhiễm tăng mạnh trong đợt dịch thứ tư đã tạo áp lực lớn lên công tác điều trị của hệ thống y tế, một số nơi có dấu hiệu quá tải về nhân lực và thiết bị y tế cần sự hỗ trợ đặc biệt của Bộ Y tế.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng việc số ca nhiễm tăng mạnh trong đợt dịch thứ tư đã tạo áp lực lớn lên công tác điều trị của hệ thống y tế. Ảnh: Chí Hùng. |
Nữ đại biểu đề nghị quan tâm đầu tư hệ thống y tế cơ sở. Mặt khác, sớm sơ kết, đánh giá việc xét xử các trường hợp vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 để đưa ra chế tài xử lý mạnh hơn, kịp thời hơn, nhằm răn đe và nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Bên cạnh những chính sách đã ban hành, bà Thanh đề nghị Chính phủ bổ sung giải pháp mới, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trụ vững vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, cần sớm đề xuất, nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước, đặc biệt là quan tâm cụ thể đến những vấn đề thiết thực đối với hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) góp ý Chính phủ tiếp tục thực hiện linh hoạt, chủ động biện pháp, kế hoạch kiểm soát tốt dịch, trong đó tập trung nguồn lực hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch, nhanh chóng tìm nguồn và triển khai vaccine phòng chống dịch.
Nhận định việc kiểm soát dịch ảnh hưởng lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ông Sơn cho rằng kinh tế nước ta 6 tháng cuối năm 2021 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Để thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", ông Sơn đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sớm chỉ đạo chính sách miễn, giảm lãi suất, phí cho doanh nghiệp, đồng thời gia hạn trả nợ gốc vay và cơ cấu lại thời gian trả nợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp do chịu ảnh hưởng của dịch.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp đồng bộ hỗ trợ cho doanh nghiệp, như miễn giảm các loại thuế, đặc biệt thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, phí, thuế đất và gia hạn thời gian nộp thuế.
Bình luận