Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã kết thúc với việc kiện toàn bộ máy nhân sự Nhà nước và thông qua nhiều nội dung quan trọng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp đã rút ngắn 8 ngày so với kế hoạch ban đầu.
Đây cũng là kỳ họp ngắn nhất, đặc biệt nhất đối với nhiều đại biểu Quốc hội.
Theo chia sẻ của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau), ấn tượng của ông về kỳ họp này có 3 điều đặc biệt.
Điều đặc biệt thứ nhất là thời gian họp ngắn nhưng Quốc hội hoạt động liên tục. “Chưa từng có một kỳ họp nào mà Quốc hội họp liên tục từ lúc khai mạc đến bế mạc, và có những ngày Quốc hội phải kéo dài thời gian họp”, ông Vân nói và lý giải điều này xuất phát từ yêu cầu khẩn trương của công việc cần phải giải quyết.
Hơn nữa, Quốc hội có đến 2/3 đại biểu kiêm nhiệm nên cần khẩn trương dồn chương trình để tiết kiệm thời gian.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân chia sẻ ấn tượng về kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV. Ảnh: Thuận Thắng. |
Điều đặc biệt thứ hai, vì là kỳ họp đầu tiên của khóa mới nên nhiều đại biểu Quốc hội mới lần đầu tham gia nghị trường. Theo thống kê của Ủy ban bầu cử quốc gia, có tới 296 đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu, chiếm gần 60%.
“Vì nhiều đại biểu mới tiếp cận với phương pháp, phong cách hoạt động nghị trường nên không tránh khỏi những sơ suất. Dư luận có khen, có chê nhưng cũng cần chia sẻ với những người mới”, ông Vân chia sẻ.
Ông cho rằng “hình ảnh một nghị sĩ chuyên nghiệp” mà công chúng đòi hỏi khó có thể diễn ra ở kỳ họp đầu này, nhưng cần chờ đợi ở các kỳ họp sau.
Điều đặc biệt thứ ba ông Vân nhắc tới, đó là trong điều kiện đại dịch Covid-19, mọi cuộc thảo luận và quyết định của Quốc hội luôn luôn gắn với vấn đề thời sự này để đánh giá thực trạng, xem xét năng lực bộ máy.
Về băn khoăn của nhiều cử tri khi thấy kỳ họp này dường như thiếu đi không khí tranh luận trong các cuộc thảo luận trên nghị trường, đại biểu Lê Thanh Vân lý giải bằng thực tế nhiều đại biểu chuẩn bị bài viết sẵn, thậm chí viết trước khi kỳ họp bắt đầu. Trong khi đó, có những nội dung đã giải trình, tiếp thu khác nhưng vì chuẩn bị trước nên đại biểu cứ “đọc hết bài”. Hơn nữa, các vấn đề này thường xuôi chiều nên ít có tranh luận.
Dẫn câu nói của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, rằng tranh luận ở Quốc hội cần một người “châm ngòi”, ông Vân nói rõ “châm ngòi” tức là biết lật lại vấn đề thì mới tạo ra tranh luận.
Các cuộc thảo luận và quyết định của Quốc hội đều gắn với nội dung thời sự nhất là đại dịch Covid-19. Ảnh: Thuận Thắng. |
Trong kỳ họp này, ông Vân cũng nhắc đến điều đặc biệt khác khi lần đầu tiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa ra một vấn đề có tính chất “sáng kiến lập pháp”.
Đó là một phần cấu thành nghị quyết chung của Quốc hội khi Quốc hội cho phép Chính phủ, Thủ tướng linh hoạt trong quyết định các giải pháp cấp bách để chống dịch.
Theo ông Vân, điều này xuất phát từ ý kiến của cử tri, ý kiến của các đại biểu Quốc hội và Chủ tịch nước cũng có thư trao đổi riêng với tư cách là một đại biểu Quốc hội.
Đó là một đặc thù, thể hiện tất cả đại biểu Quốc hội lúc nào cũng hướng về cuộc sống đang sôi động ở bên ngoài, lo nỗi lo của nhiều người, đặc biệt là hướng về những nơi có tâm dịch phức tạp như TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Nhiều đại biểu cũng luôn nóng lòng xử lý công việc để kịp thời trở về địa phương, chung tay với cấp ủy chính quyền và nhân dân tập trung chống dịch.
Đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) cũng ghi nhận việc Quốc hội bổ sung nội dung Nghị quyết liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 là rất kịp thời, cần thiết, thể hiện trách nhiệm, sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ.
“Trong bối cảnh dịch bệnh khó lường và diễn biến phức tạp, nếu chúng ta không đưa ra những biện pháp mạnh, tạo không gian để Chính phủ có thể đưa ra những quyết định một cách chủ động, kể cả những biện pháp mạnh hơn so với bình thường, thì việc chống dịch sẽ rất khó khăn”, ông Phong nói.