Trận không chiến ở Anh, Thế chiến II
Máy bay Heinkel He 111 của Đức trong trận không chiến nước Anh năm 1940. Ảnh: Wikipedia |
Trận không chiến ở Anh là trận oanh tạc trên không nổi tiếng nhất lịch sử quân sự, theo National Interest. Đây là cuộc đối đầu dai dẳng giữa Đức Quốc xã và Anh từ ngày 10/7 đến 31/10/1940 trong Thế chiến II. Sau khi xâm chiếm Pháp thành công, lãnh tụ Đế chế Đức Adolf Hitler và Bộ Tư lệnh Tối cao Đức đã mở một cuộc không chiến tấn công Không quân Hoàng gia Anh, nhằm giành ưu thế trước Anh, buộc nước này rút khỏi chiến trường châu Âu.
Tuy nhiên, thực tế lại khác xa với những điều kỳ vọng của Hitler, Không quân Phát xít Đức đã phải đối mặt với một đối thủ mạnh nhất về quy mô, khả năng phối hợp cao, trang bị tốt và hiện đại. Phía Anh điều động 1.963 phi cơ, gồm các loại máy bay tiêm kích và máy bay ném bom, trong khi Đức phái tới 2.550 máy bay các loại.
Dù quân Đức ra sức đánh phá dữ dội các mục tiêu sân bay của Không quân Anh, tiêm kích Spitfires và Hurricanes của Anh đã khống chế thành công các máy bay ném bom của đối thủ. Quân Đức sau đó xoay sở bằng cách đánh bom các thành phố của Anh, đặc biệt là London, nhưng không ghi nhận kết quả tốt hơn.
Trận chiến nước Anh đánh dấu thất bại đầu tiên của các lực lượng quân sự của Hitler, khi mà ưu thế không quân được xem như chìa khóa của thắng lợi. Với chiến thắng này, nước Anh đã làm nên một trận phòng không mẫu mực của thế kỷ 20.
Trận Big Week, Thế chiến II
Trong trận Big Week, Không quân Mỹ tiến hành các đợt oanh tạc nhiều nhà máy sản xuất phi cơ của Đức. Ảnh minh họa: Blogspot |
Sự kiện Big Week (từ ngày 20 đến 25/2/1944) là một phần của chiến dịch ném bom chiến lược châu Âu do Mỹ và quân Đồng minh thực hiện, nhằm chống lại quân Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Giới chuyên gia Mỹ có ý định kéo Không quân Đức vào một trận đánh quyết định bằng cách tung nhiều trận tấn công lớn nhằm vào các nhà máy sản xuất phi cơ của Đức.
Trong giai đoạn này, lực lượng không quân số 8 của Mỹ điều động máy bay chiến đấu tầm xa P-51 tham gia chiến dịch, cùng sự hỗ trợ của Không quân Anh. Không quân Mỹ đã thực hiện nhiều đợt tấn công vào các nhà máy lắp ráp và mục tiêu khác tại nhiều thành phố của Đức.
Trong 6 ngày, các cỗ máy ném bom của lực lượng không quân số 8 đã thực hiện 3.000 đợt xuất kích và không quân số 15 tiến hành 500 đợt dội bom. Tổng cộng Mỹ đã dội khoảng 10.000 tấn bom xuống lãnh thổ Đức. Tuy vậy, lực lượng không quân số 8 của Mỹ cũng chịu tổn thất 97 máy bay ném bom B-17, 40 chiếc B-24 bị hư hại và 20 cỗ đài bay khác phải tháo dỡ, do phía Đức đáp trả. Trong khi đó, hơn 500 tiêm kích của Đức tan xác.
Không chiến Saint-Mihiel, Thế chiến I
Liên quân Pháp, Mỹ giành thắng lợi trong trận không chiến Saint-Mihiel năm 1918. Ảnh minh họa: militarydegreeprograms.org |
Trận không chiến Saint-Mihiel là một trận đánh quan trọng giữa Đức với liên quân Pháp, Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Trận đánh diễn ra từ ngày 12 đến 16/9/1918. Khoảng 1.476 máy bay của liên quân đối chọi với khoảng 500 máy bay của Đức trong 4 ngày. Trong hai ngày đầu của chiến dịch, quân Đức chiến đấu quyết liệt nhằm giành quyền kiểm soát bầu trời. Tuy nhiên, kết cục, 63 máy bay Đức bị phá hủy trong trận chiến, trong khi liên minh chịu tổn hại 62 chiếc. Phần thắng cuối cùng thuộc về liên quân Pháp, Mỹ.
Trận chiến trên biển Philippines, Thế chiến II
Các thủy thủ trên chiến hạm USS Birmingham đang xem cảnh không chiến giữa máy bay Nhật và Mỹ. Ảnh: Wikipedia |
Trận chiến trên biển Philippines diễn ra từ ngày 19 đến 20/6/1944. Đây là trận đánh giữa Nhật Bản với Mỹ trong Thế chiến II. 700 máy bay của Nhật đã phải gồng mình chiến đấu chống 1.000 chiến đấu cơ của Mỹ trong 4 đợt tấn công liên tiếp. Chỉ trong ngày đầu, 330 máy bay Nhật đã bị bắn hạ, trong khi Mỹ chỉ tổn thất 23 máy bay. Vì cuộc đại bại này của không lực Nhật Bản mà trận đánh có biệt danh "Cuộc bắn gà ở quần đảo Mariana".
Kết quả trận đánh là sự đại bại của hải quân Nhật khi họ mất đến 475 máy bay và 3 hàng không mẫu hạm. Thất bại này là do phía Nhật đã không đánh giá đúng sự hữu hiệu của radar, tài năng của các phi công đối phương, loại tiêm kích mới của Mỹ Grumman F6 Hellcat và nhất là họ không nắm vững khả năng của các phi công Nhật, những người hầu hết là còn trẻ và thiếu kinh nghiệm.
"Ngày thứ Năm đen tối", chiến tranh Triều Tiên
Máy bay B-29 của Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên. Ảnh:Wikipedia |
Không quân Mỹ gọi ngày 12/4/1951 trong cuộc chiến tranh Triều Tiên là "Ngày thứ Năm đen tối", theo trang Militarydegreeprogram. Khi đó, 30 tiêm kích MiG-15 do Liên Xô sản xuất đã tấn công và nghiền nát 12 trong số 36 pháo đài bay B-29 cùng 100 phi cơ hộ tống của Mỹ trong khu vực hành lang Mig, đông bắc Triều Tiên. Kết quả, Liên Xô thắng trong trận giao tranh mà không chịu tổn thất, trong khi Mỹ thiệt hại 12 tiêm kích. Cuộc tấn công này đã chứng minh sự lạc hậu của B-29.