Boeing 777 được coi là phi cơ chở khách an toàn nhất thế giới. Trong suốt gần 20 năm hoạt động, loại máy bay này chỉ liên quan tới hai tai nạn chết người duy nhất. Tuy nhiên, lỗi trong các sự cố này đều do con người gây ra chứ không bắt nguồn từ thiết kế và động cơ máy bay. Ảnh: Boeing |
Chiếc Boeing 777 đầu tiên hoạt động trong biên chế phi đội bay United Airlines ngày 7/6/1995, đúng một năm sau khi ra mắt. Trong số 11 sự cố mà Boeing 777 gặp phải, có năm vụ tai nạn khiến thân máy bay bị hỏng và ba vụ không tặc. Các sự cố liên quan tới Boeing 777 làm 540 người chết và mất tích. Ảnh: Wiki |
Vụ tai nạn đầu tiên gây hỏng thân một chiếc Boeing 777 xảy ra ngày 17/1/2008. Động cơ chuyến bay số hiệu 38 của hãng hàng không British Airways gặp trục trặc khi thực hiện lộ trình bay từ Bắc Kinh, Trung Quốc tới London, Anh. Sự cố khiến máy bay hạ cách trước đường băng 27L ở sân bay Heathrow, London khoảng 300 m. Phi cơ trượt vào đường băng, làm 47 hành khách bị thương nhưng không gây thiệt hại về người. Ảnh: Daily Mail |
Cú va chạm khiến chiếc máy bay hỏng càng hạ cánh, gẫy cánh và hỏng động cơ. Điều tra chuyên sâu sau tai nạn cho biết nhiên liệu máy bay đóng băng làm tắc nghẽn hệ thống vận chuyển nhiên liệu, khiến động cơ gặp sự cố. Chiếc máy bay được sửa chữa và nâng cấp để tránh sự cố tương tự. Nó trở lại hoạt động trong tháng 10/2009. Ảnh: Daily Mail |
Ngày 19/7/2011, một chiếc Boeing 777-200ER của Egypt Air (Ai Cập) bốc cháy khi đang dừng ở sân bay quốc tế Cairo. Hành khách và phi hành đoàn nhanh chóng sơ tán khỏi chiếc máy bay nên không ai bị thương. Ảnh: Skybrary |
Sau khi khống chế ngọn lửa, các điều tra viên hàng không xác định cấu trúc máy bay bị nhiệt và khói làm hư hại. Người ta nghi ngờ hệ thống cung cấp oxi cho buồng lái bị chập điện, gây ra vụ hỏa hoạn khiến chiếc Boeing 777 bị vứt bỏ. Ảnh: AP |
Vụ tai nạn khiến cấu trúc máy bay bị hư hại thứ ba xảy ra ở sân bay quốc tế San Francisco khi một chiếc Boeing 777-200ER của Asiana Airlines đáp trượt đường băng hôm 6/7/2013. Cú hạ cánh khiến phi cơ gãy rời phần đuôi. Hành khách và phi hành đoàn chuyến bay số hiệu 214 kịp sơ tán trước khi máy bay bốc cháy không lâu sau đó. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, không phải tất cả hành khách của chuyến bay 214 đều may mắn thoát chết. 3 người trong số 307 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Hai người chết vì va đập sau khi rơi khỏi máy bay trong khi người thứ ba bị xe cứu hỏa cán lên do nằm ở khu vực bị lớp bọt chữa cháy bao phủ. Đây là vụ tai nạn chết người đầu tiên đối với máy bay Boeing 777. Các điều tra viên kết luận, lỗi của phi công đã gây ra vụ tai nạn. Ảnh: CNN |
Ngày 8/3/2014, chuyến bay số hiệu MH370 của Malaysia Airlines biến mất cùng 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn khi thực hiện lộ trình bay từ Kuala Lumpur, Malaysia tới Bắc Kinh, Trung Quốc. Vị trí được xác định chính thức cuối cùng của máy bay ở trên Biển Đông, ngay trước khi vào vùng thông báo bay của Việt Nam. Ảnh: Blogspot |
Ngay sau khi chiếc Boeing 777-200ER biến mất, các quốc gia liên quan đã mở chiến dịch tìm kiếm quốc tế nhằm truy lùng tung tích của nó. Nỗ lực tìm kiếm kéo dài nhiều tháng không đạt hiệu quả dù các nước đã mở rộng diện tìm kiếm về phía bắc và phía nam Ấn Độ Dương. Ngày 24/3/2014, sau khi phân tích dữ liệu vệ tinh liên quan, chính phủ Malaysia công bố chuyến bay MH370 lao xuống vùng biển phía nam Ấn Độ Dương, giết chết toàn bộ hành khách và phi hành đoàn. Ảnh: Malay Mail |
Ngày 17/7/2014, một máy bay Boeing 777-200ER khác của Malaysia Airlines bị bắn rơi ở khu vực Donetsk, miền đông Ukraina khi thực hiện lộ trình bay từ Amsterdam, Hà Lan về Kuala Lumpur. Chính phủ Ukraina xác nhận, sự cố giết chết toàn bộ 298 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay số hiệu MH17. Ảnh: Getty |
Hiện tại, các đội điều tra quốc tế chưa thể tiếp cận hiện trường vụ tai nạn, khu vực thuộc quyền kiểm soát của lực lượng tự vệ vũ trang phản đối chính quyền Kiev. Chính quyền Ukraina cáo buộc lực lượng này bắn rơi chiếc máy bay nhưng các tay súng phản đối cáo buộc. Mỹ khẳng định một quả tên lửa, được phóng lên từ khu vực phe nổi dậy kiểm soát, đã bắn rơi máy bay nhưng không đưa ra kết luận về thủ phạm. Trong khi đó, Nga cáo buộc chính phủ Ukraina phải chịu trách nhiệm cho sự cố này vì “nó sẽ không xảy ra nếu không có chiến tranh trong khu vực”. Ảnh: Getty |