Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 năm sau sáp nhập Crimea - Putin tăng uy tín, phương Tây bất lực

Những lệnh cấm vận và nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga trong 5 năm qua vẫn không thay đổi sự kiểm soát của Moscow trên bán đảo Crimea.

5 năm sau ngày Nga chính thức sáp nhập bán đảo Crimea ngày 18/3/2014, Ilmi Umerov, nhà hoạt động người Tatar ở Crimea, đã lưu lạc đến Kiev. Ông không dám quay trở về quê nhà vì sợ bị truy tố.

Umerov ngồi tù hai năm tại Nga vì kích động ly khai, ủng hộ trả bán đảo cho Ukraine. Ông được trả tự do nhờ một thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà hoạt động đối lập hiện sống tại Kiev cùng với con gái út. Vợ của ông cùng hai người con và họ hàng vẫn đang sống tại Crimea. 

5 nam Nga sap nhap Crimea anh 1
Kết quả trưng cầu dân ý tháng 3/2014 tại Crimea đạt 90% đồng tình tái sáp nhập vào lãnh thổ Nga. Ảnh: Reuters.

Trở lại khó hơn Triều Tiên thống nhất

Gần 5 năm sau khi Nga sáp nhập Crimea, gia đình Umerov giờ sống trong cảnh chia ly. Nhà hoạt động người Tatar không dám trở về nhà, lo sợ chính quyền Nga lại khởi tố ông vì bất đồng chính kiến, theo Reuters.

Người Tatar, với phần lớn là cộng đồng người Thổ theo Hồi giáo, chiếm khoảng 15% dân số tại Crimea. Đa số không ủng hộ sự kiểm soát của Nga trên bán đảo và cho rằng quyết định sáp nhập vào năm 2014 là bất hợp pháp, tương tự góc nhìn được các nước phương Tây ủng hộ.

"Sự xa cách với dân tộc không khó khăn bằng việc tôi phải sống xa Crimea. Dân tộc tôi đã tốn quá nhiều công sức để được trở về Crimea sau chính sách trục xuất hàng loạt (của Liên Xô) vào năm 1944", Umerov chia sẻ. 

Ông từng là phó chủ tịch nghị viện của người Tatar tại Crimea trước khi cơ quan này bị Moscow dừng hoạt động vào năm 2017. Umerov kêu gọi người Tatar đừng rời khỏi bán đảo trừ trường hợp cuộc sống và sự tự do của họ bị đe dọa.

Dường như không có giải pháp nào cho sự chia ly của gia đình Umerov trong tương lai gần, đặc biệt khi cuộc xung đột giữa phương Tây và Moscow xoay quanh bán đảo Crimea đã chững lại.

Cộng đồng quốc tế vẫn tranh cãi về quyết định sáp nhập bán đảo nối với lãnh thổ đất liền của Ukraine. Trong khi trên thực tế, Nga đã kiểm soát toàn diện bán đảo Crimea sau năm năm đầu tư quyết liệt.

Viết trên trang Project Syndicate, nhà báo Nga Tikhon Dzyadko, làm việc tại Moscow cho đài RTVI, ví von giờ đây việc bán đảo Crimea được trao trả lại cho Ukraine còn khó thành hiện thực hơn viễn cảnh hai miền bán đảo Triều Tiên tái thống nhất.

Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn gọi tình trạng ở bán đảo Crimea là "nỗ lực sáp nhập", nhưng thực tế là "nỗ lực" của Moscow đã thành công khi phương Tây không thể làm gì để thay đổi cục diện.

5 nam Nga sap nhap Crimea anh 2
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh hoàn thành quá trình sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga ngày 21/3/2014. Ảnh: Reuters.

Phương Tây bế tắc

Động thái gây tranh cãi của Nga, tái sát nhập Crimea vào lãnh thổ dựa trên kết quả một cuộc trưng cầu dân ý tại bán đảo, từ đầu đã vấp phải những phản ứng gay gắt của phương Tây thông qua hàng loạt lệnh trừng phạt và nỗ lực cô lập Moscow trên chính trường quốc tế.

Dù vậy, lập trường của Moscow trong vấn đề này không hề lay chuyển. Bất chấp các phản ứng quốc tế, Nga vẫn duy trì sự kiểm soát toàn diện trên bán đảo và những vùng lân cận. Moscow tiếp tục triển khai các lực lượng quân sự đến Crimea, đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng.

Nga đã hoàn thành cây cầu băng ngang eo biển Kerch nối bán đảo với lãnh thổ đất liền tại Krasnodar Krai. Lực lượng chấp pháp sẵn sàng cảnh cáo và bắt giữ tàu Ukraine tiến vào eo biển Kerch, đơn cử là cuộc đối đầu hải quân vào tháng 11/2018 giữa tàu của Kiev và Hạm đội Biển Đen. 

Những lệnh trừng phạt của phương Tây ảnh hưởng đến đời sống và công việc của hàng chục quan chức lẫn doanh nhân Nga, tuy nhiên không tạo được tổn thất quá lớn lên chính quyền Moscow.

Các lệnh trừng phạt làm suy yếu nền kinh tế Nga trên thực tế là những biện pháp đáp trả sự ủng hộ của Moscow dành cho lực lượng ly khai miền Đông Ukraine. Moscow có thể dừng những can thiệp của mình tại vùng Donbas vào bất kỳ lúc nào, đồng thời giải thoát nền kinh tế quốc gia khỏi những lệnh trừng phạt gay gắt nhất.

Tình hình hiện nay lại càng có lợi cho nước Nga khi châu Âu và Mỹ tiếp tục mâu thuẫn lập trường quanh dự án đường ống dầu khí Dòng chảy Phương Bắc 2. Sự chia rẽ trong nội bộ các nước phương Tây về nỗ lực trừng phạt Moscow lớn hơn nhiều so với năm 2014.

Những nỗ lực cô lập Moscow về ngoại giao cũng thiếu hiệu quả. Dù Nga không còn được mời đến các cuộc họp của G7, Tổng thống Putin vẫn là nhà lãnh đạo không thể thiếu của các kỳ họp thượng đỉnh G20. World Cup 2018 diễn ra tại Nga thành công mỹ mãn khi không một nước nào tẩy chay sự kiện như nhiều chuyên gia từng quan ngại.

5 nam Nga sap nhap Crimea anh 3
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một lần đến thị sát việc thi công cầu bắt ngang eo biển Kerch, nối bán đảo Crimea với lãnh thổ Nga. Ảnh: AFP.

Ông Putin liên tục đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo quốc tế trên đất Nga, từ gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Sochi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại St. Petersburg, đến các lãnh đạo châu Á ở Vladivostock. Tháng 7/2018, cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Helsinki, Phần Lan, vẫn diễn ra bất chấp thái độ thù địch từ chính trường Mỹ.

Nếu đây là "nỗ lực cô lập" mà phương Tây đang thực hiện, cái giá phải trả trên trường ngoại giao vẫn quá rẻ đối với Moscow.

Chấp nhận tốn kém khôi phục niềm tự hào

Khu vực địa chính trị hậu Xô Viết đang ngày càng khó đoán. Hiếm ai có thể tưởng tượng một cuộc cách mạng sẽ xảy ra ở Ukraine trước khi điều này trở thành hiện thực vào tháng 2/2014. Dù vậy, những cuộc biểu tình lẫn mức tín nhiệm thấp hiện nay của ông Putin cũng khó thay đổi được lập trường của cả nước Nga về vấn đề Crimea.

Việc tái sáp nhập bán đảo Crimea khiến Nga tiêu tốn không ít. Theo nhà kinh tế học người Nga Sergey Aleksashenko, Tổng thống Putin đã huy động gần 23 tỷ USD trong năm năm qua để phát triển bán đảo.

Số tiền này tương đương lượng chi ngân sách trong ba năm cho bảo hiểm y tế toàn quốc. Những quan tâm đầu tư của Tổng thống Putin được đáp lại bằng sự ủng hộ nhiệt tình của người dân Crimea. Có 92% người dân Crimea ủng hộ nhà lãnh đạo 66 tuổi tái đắc cử tổng thống vào năm 2018.

Những lệnh trừng phạt quốc tế dù không tác động đến giới lãnh đạo ở Kremlin vẫn ảnh hưởng phần nào đến người dân Nga. Mức sống tại nước này giảm 11% trong vòng năm năm qua. Tăng trưởng kinh tế hàng năm giảm còn 2%. Chính quyền Moscow còn phải cải cách chính sách hưu trí và tăng thuế để đảm bảo cân bằng ngân sách.

Theo khảo sát của Trung tâm Levada, phần lớn người Nga xem việc sáp nhập năm 2014 là một cột mốc của niềm tự hào dân tộc.

5 nam Nga sap nhap Crimea anh 4
Lễ kỷ niệm 5 năm sau quyết định tái sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga diễn ra ngày 15/5 tại Sevastopol. Ảnh: Tass.

Dù cho sự thay đổi quyền lực có diễn ra tại Moscow, không gì đảm bảo giới lãnh đạo mới sẽ thay đổi chính sách.

Ngay cả chính trị gia đối lập Alexei Navalny, có lập trường chỉ trích gay gắt Tổng thống Putin và bị cấm tranh cử vào năm 2018, cũng không muốn tự nguyện trao trả Crimea cho Ukraine. Ông từng nói sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý mới cho người dân tại bán đảo tự quyết định số phận của mình.

Thế bế tắt tại Crimea có thể tiếp tục tồn tại dai dẳng. Tổng thống Putin vào năm 2005 từng gọi sự kiện Liên Xô sụp đổ là "thảm họa địa chính trị to lớn của thế kỷ 20". Do đó, việc lấy lại Crimea, lấy lại một "mảnh vỡ" của Liên Xô cho nước Nga, mang ý nghĩa to lớn đối với nhà lãnh đạo 66 tuổi.

Không có giải pháp nào trong tay, phương Tây sẽ đành phải chấp nhận kiên nhẫn và để dòng chảy lịch sử tự tìm kiếm lời giải cho vấn đề Crimea. Mỹ từng không thừa nhận việc các nước Baltic được sáp nhập vào Liên Xô trong suốt 50 năm, cho đến khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 và vấn đề đó tự biến mất.

Trong thời gian đó, Tổng thống Putin sẽ tiếp tục kéo Crimea lại gần hơn với nước Nga dù cho cộng đồng quốc tế vẫn không thừa nhận sự kiểm soát của Moscow trên bán đảo này.

TT Putin kỷ niệm 5 năm sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Crimea ngày 18/3 để kỷ niệm 5 năm ngày Moscow sáp nhập bán đảo nằm giáp Biển Đen trước đó thuộc Ukraine.

Ukraine trước cuộc ly giáo lớn nhất của đạo Cơ đốc trong hàng thế kỷ

Tranh giành ảnh hưởng tôn giáo khởi nguồn từ hàng thế kỷ trước giữa nhà thờ Nga và nhà thờ Ukraine trở nên căng thẳng trở lại giữa những mâu thuẫn địa chính trị của thế kỷ 21.



Lê Thanh

Bạn có thể quan tâm