Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 lý do khiến chứng khoán Mỹ lao dốc

Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc, châu Âu, giá dầu xuống đáy nhiều năm, cơ chế điều chỉnh giá... là nguyên nhân khiến sàn giao dịch của Mỹ mất điểm kỷ lục.

Rất hiếm khi thị trường chứng khoán Mỹ phải sử dụng đến điều 48, quy định cho phép các sàn giao dịch tạm thời đóng cửa trong một thời gian ngắn nếu chỉ số chứng khoán giảm quá sâu. Tuy nhiên, điều này suýt được sử dụng trong ngày 24/8, khi chỉ số Dow Jones bất ngờ mất tới 1.000 điểm chỉ sau vài phút mở cửa.

Chứng khoán đỏ lửa trong ngày thứ hai đen tối. Ảnh: Reuters.

Vậy, điều gì đã khiến thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới chao đảo đến thế? Dưới đây là những nguyên nhân mà trang Huffington Post tổng kết:

1. Chứng khoán Trung Quốc lao dốc

Chỉ số Shanghai Composite đã giảm 8,5% trong phiên ngày 24/8, đánh dấu thời kỳ tồi tệ nhất của chứng khoán Trung Quốc kể từ năm 2007. Nhằm xoa dịu thị trường, Chính phủ Trung Quốc thực hiện một loạt biện pháp bất thường, trong đó đáng chú ý là động thái phá giá đồng nhân dân tệ.

Cuối tuần trước, Chính phủ nước này cũng chấp nhận cho các quỹ hưu trí lần đầu tiên được đầu tư vào thị trường chứng khoán. Thế nhưng, tất cả dường như là chưa đủ với các nhà đầu tư, những người đã thực sự hoảng loạn khi thị trường chứng khoán lao dốc suốt hai tuần qua.

2. Chứng khoán châu Âu mất điểm sâu nhất kể từ năm 2008

Chỉ số European Stoxx 600 của 18 nước thuộc liên minh châu Âu mất 6% chỉ trong buổi sáng thứ hai. Trong đó, FTSE 100 của London giảm 5%, CAC 40 của Pháp rơi 7%, DAX của Đức giảm gần 5%. Tại Đức, nhóm cổ phiếu sụt giảm mạnh nhất là các công ty công nghệ, trong đó điển hình là Dialog Semicon, Nokia và Alcatel-Lucent.

3. Giá dầu xuống mức thấp nhất trong 6 năm

Thị trường chứng khoán Trung Đông rơi sâu khi giá dầu xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm, chạm ngưỡng 45 USD một thùng. Chứng khoán Ả-rập Xê-út, Dubai, Abu Dhabi và Qatar - tất cả các nền kinh tế lấy giá dầu làm động lực tăng trưởng - đều giảm sâu trong phiên đầu tuần.

Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, sự sụt giảm của giá dầu, về lý thuyết, trước sau cũng sẽ trung hòa được với biến động của thị trường chứng khoán. Tháng 10 năm ngoái, trang Huffington Post cũng phân tích rằng trong hoàn cảnh giá dầu sụt giảm "nền kinh tế sẽ đón nhận cả tác động tốt và tác động xấu. Giá giảm gây lo ngại về khả năng khủng hoảng kinh tế, nhưng cũng khiến các doanh nghiệp toàn cầu tiết kiệm được hàng nghìn tỷ USD".

4. Sự điều chỉnh của thị trường sau chuỗi tăng trưởng liên tục

Trong suốt 6 năm qua, thị trường chứng khoán toàn cầu nhìn chung vẫn giữ xu hướng tăng trưởng. Giá tăng cao bởi nhà đầu tư quay sang cổ phiếu sau khi "ngấm đòn" bong bóng bất động sản của Mỹ cũng như không hào hứng với trái phiếu do lợi nhuận thấp. Và những gì đi lên, sau khi đến đỉnh, thì chắc chắn sẽ phải đi xuống.

5. Chứng khoán Mỹ sụt giảm bởi nó cần phải như thế

Bỏ tất cả những phân tích sang một bên, nhà đầu tư có lẽ chẳng bao giờ tìm ra câu trả lời xác đáng cho việc vì sao chứng khoán Mỹ nói chung và thị trường toàn cầu lại lao dốc mạnh như vậy thời gian qua. 

Tất cả những dấu hiệu mà các nhà phân tích, chuyên gia dùng để giải thích về lần điều chỉnh này của thị trường chứng khoán thực tế đã xuất hiện từ rất lâu, thậm chí là cả năm trước, như khủng hoảng Hy Lạp, bong bóng chứng khoán Trung Quốc hay chính sách theo đuổi lãi suất cứng nhắc của FED. 

Nhưng vì sao bây giờ thị trường mới đi xuống? Câu hỏi này chỉ có thể trả lời ngắn gọn: Đó là cách thị trường hoạt động, và nó sẽ bồi đắp kinh nghiệm cho các nhà đầu tư.

Vỡ mộng vì kinh tế Trung Quốc, chứng khoán Mỹ lao dốc kỷ lục

Kỳ vọng quá nhiều vào động thái kích thích kinh tế của Trung Quốc, nhưng Shanghai Composite sáng 24/8 giảm thêm 8,5%, kéo theo chỉ số Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm.

Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm