Thị trường chứng khoán Mỹ có thêm một ngày thứ hai đen tối. Ngay sau tiếng chuông mở cửa ở New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm, đánh dấu một trong những lần lao dốc lớn nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ nhiều năm trở lại đây.
Trong những phút đầu tiên, chỉ số Standard & Poor 500 và chỉ số Dow Jones giảm hơn 5%, trong khi chỉ số Nasdaq giảm 8%. Sau đó, thị trường dần hồi phục, Dow Jones lấy lại khoảng 600 điểm, giảm khoảng 1,8%.
Mức giảm 1.000 điểm là kỷ lục của thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên mở cửa. Theo tờ New York Times, nguy cơ suy thoái kinh tế của Trung Quốc và những ảnh hưởng của nó tới các nền kinh tế mới nổi sau một loạt thông tin tiêu cực trên thị trường tài chính trong những ngày gần đây, đã bào mòn niềm tin của các nhà đầu tư.
Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, khoảng 91 tỷ bảng (tương đương 150 tỷ USD) đã bốc hơi khỏi nhóm cổ phiếu thuộc FTSE 100 - nhóm cổ phiếu của 100 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London - trước áp lực bán tháo toàn cầu, do lo ngại tác động từ thị trường tiền tệ và chứng khoán Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tạm ngưng giao dịch 15 phút nếu tình trạng mất điểm tiếp tục kéo dài. NYSE tuyên bố sẽ ngưng mọi hoạt động trong 15 phút, nếu chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) giảm 7% về mức 1.832,92 điểm
"Tính theo giờ New York, thời hạn cho việc đưa ra quyết định trên sẽ là 15h25 ngày 24/8", Sara Rich, người phát ngôn của NYSE cho biết.
S&P 500 đã mất 3,9% giá trị, xuống mức 1.894.93 vào 9h42 sáng 24/8, theo giờ New York (tính theo giờ Việt Nam là 20h42). Việc các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu được cho là nguyên nhân.
Chỉ số Dow Jones đã giảm hơn 1.000 điểm ngay sau tiếng chuông mở cửa ở New York. |
Giao dịch sẽ ngưng lại lần thứ 2 nếu nếu việc mất điểm tăng lên mức 13% trước 15h25 (theo giờ New York). Nếu con số giảm điểm của NYSE là 20% vào bất cứ thời điểm nào trong ngày hôm nay, sàn chứng khoán New York sẽ ngừng hoạt động ngay lập tức và chờ cho tới ngày hôm sau.
Trong cơn bão giảm điểm trên thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu của công ty lớn nhất thế giới là Apple có lúc đã sụt tới 13%, xuống dưới 92 USD, mất 80 tỷ USD giá trị thị trường. Nhưng giá cổ phiếu này đã phục hồi sau đó, hiện chỉ giảm 5,8%.
Jeremy Cook, Kinh tế trưởng tại World First, dự đoán, nguyên nhân của sự sụt giảm bất ngờ trên thị trường chứng khoán Mỹ, là nhà đầu tư đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào một động thái kích thích của Trung Quốc sau tuần giảm điểm bất thường trước đó. Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite sáng 24/8 lại giảm thêm 8,5%, và đánh mất toàn bộ điểm tích lũy từ đầu năm, khiến giới đầu tư ồ ạt bán tháo.
Ảnh: Getty Images. |
Ông Leung Chung, 62 tuổi, đã về hưu, đến giao dịch tại sàn chứng khoán với một cây tăm ngậm trong miệng, chua chát nhìn bảng điện tử của một sàn giao dịch địa phương: "Tôi chỉ mua một vài cổ phiếu vào lúc sáng sớm, nhưng đã mất giá rồi".
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cùng cho rằng, sự điều chỉnh để ổn định được thị trường chứng khoán đã quá trễ, bởi nó đã tăng trưởng liên tục quá nóng trong một thời gian dài. Và còn quá sớm để dự đoán sự sụt giảm lần này sẽ ảnh hưởng ra sao đến kinh tế toàn cầu.
Lee Hardman, một chuyên gia phân tích tiền tệ tại ngân hàng Tokyo-Mitsubishi, chi nhánh London, cho biết, sự tăng giá mạnh mẽ của JPY và EUR khiến Ngân hàng trung ương của Nhật và châu Âu phải chịu "một cơn đau đầu về chính sách". Bởi nó sẽ khiến những nỗ lực ngăn chặn giảm phát của các Chính phủ không còn nhiều ý nghĩa.
Đến 11h51 theo giờ Mỹ (22h51 giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones lấy lại được hơn 700 điểm đã mất, chỉ giảm 1,75%, đứng ở 16.171,36 điểm. Tuy vậy, đây vẫn là mức thấp nhất trong vòng một năm qua của chỉ số này.
CNBC cho biết, chứng khoán Đài Loan giảm xuống đáy trong gần 3 năm. Chỉ số TAIEX mất 4,8%, xuống còn 7.410,34 điểm - thấp nhất kể từ tháng 11/2012.