Không quân Mỹ
Không quân Mỹ là lực lượng có sức mạnh số 1 thế giới kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay. Ảnh: Dailytech |
Theo tạp chí The National Interest, sức mạnh số 1 thế giới của Không quân Mỹ (USAF) là điều không phải bàn cãi. Lực lượng này có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động tác chiến trên không và ngoài không gian. Thành phần của USAF bao gồm các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tàu con thoi bí ẩn X-37B cũng như các loại máy bay chiến đấu và hỗ trợ khác.
USAF có 5.600 máy bay trong biên chế, gồm tiêm kích tàng hình F-22 Raptor, tiêm kích tấn công kết hợp JSF F-35, tiêm kích thế hệ 4 và 4+ (F-15, F-16), máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit, B1 và B-52, phi cơ vận tải quân sự C-5, C-17 và C-130, máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-2C, E-3, máy bay tiếp dầu và các phương tiện bay không người lái khác. USAF có các căn cứ trên khắp nước Mỹ cùng một số căn cứ khắp toàn cầu.
Quân số của USAF khoảng 312.000 người, ít hơn so với Không quân Trung Quốc. USAF là lực lượng đầu tiên trên thế giới đưa tiêm kích tàng hình vào hoạt động sẵn sàng chiến đấu. Họ đã lên kế hoạch mua sắm đến 1.763 chiếc tiêm kích tàng hình F-35. Kế hoạch mua sắm 100 máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới trong chương trình LRSB.
Bên cạnh đó, USAF đang tập trung phát triển mạnh các máy bay tấn công không người lái tầm xa có khả năng tàng hình. Ngoài ra, trong tay họ còn một quân bài chiến lược khác là 450 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa LGM-30 Minuteman.
Không quân hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ
Với quy mô lực lượng và khả năng tác chiến không quân hải quân Mỹ xứng đáng ở vị trí mạnh thứ 2 thế giới. Ảnh:Iprd |
Hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ xứng đáng là lực lượng không quân mạnh thứ 2 thế giới bởi quy mô lực lượng và khả năng tác chiến của họ. Hai lực lượng này có tới 3.700 máy bay các loại, trong đó có 1.159 máy bay chiến đấu, 133 máy bay tấn công mặt đất, 171 máy bay tuần tra, 247 máy bay vận tải và hơn 1.230 chiếc trực thăng.
Hàng không hải quân Mỹ chịu trách nhiệm bảo vệ cho các hoạt động của Hải quân Mỹ trong các nhiệm vụ xuyên đại dương. Hầu hết các máy bay của hải quân và thủy quân lục chiến đang hoạt động từ các con tàu trên biển. Các phi công làm nhiệm vụ cất-hạ cánh từ các tàu trên biển là một nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm. Nhiệm vụ này đòi hỏi quá trình đào tạo rất nghiêm ngặt và phi công phải có nhiều kinh nghiệm.
Sức mạnh của không quân hải quân Mỹ dựa trên 11 tàu sân bay năng lượng hạt nhân. Mỗi tàu sân bay mang theo ít nhất 60 máy bay, chia thành 3 phi đội chiến đấu ném bom gồm các tiêm kích trên hạm F/A-18 Hornet và F/A-18E/F Super Hornet. Phi đội cảnh báo sớm gồm các máy bay E-2C Hawkeye và phi đội tác chiến điện tử gồm các máy bay EA-18G Growler cùng một phi đội trực thăng.
Ngoài ra, thành phần của họ còn có các máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-3C Orion, P-8 Poseidon. Các máy bay của thủy quân lục chiến triển khai trên các tàu đổ bộ tấn công. Thời gian tới họ sẽ đưa vào sử dụng biến thể F-35B có khả năng cất-hạ cánh thẳng đứng.
Không quân Nga
Không quân Nga đang tiến hành chương trình tái trang bị quy mô lớn để duy trì vị trí thứ 3 thế giới. Ảnh:Wordlesstech |
Không quân Nga có khoảng 1.500 máy bay chiến đấu và 400 trực thăng quân sự. Phần lớn các máy bay này đã lạc hậu, quá trình hiện đại hóa chưa thực hiện một cách hệ thống. Nòng cốt của Không quân Nga là các tiêm kích MiG-29, Su-27 và MiG-31, cường kích Su-24, Su-25 gần đây là Su-34 phần lớn trong số chúng được sản xuất trước khi kết thúc chiến tranh lạnh.
Bên cạnh đó, phi đội ném bom chiến lược của Nga bao gồm các máy bay Tu-22, Tu-95 và Tu-160. Trong quá trình hiện đại hóa, Không quân Nga đã đưa vào sử dụng tiêm kích hiện đại Su-35 với nhiều tính năng ưu việt. Sắp tới Nga sẽ đưa vào sử dụng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 PAK FA T-50 và máy bay ném bom chiến lược tàng hình PAK DA.
Không quân Trung Quốc
Không quân Trung Quốc là lực lượng có tốc độ phát triển rất nhanh trong thời gian qua, nhưng phần lớn các trang thiết bị của họ là các máy bay thế hệ cũ. Ảnh: Defence-update |
Không quân Trung Quốc (PLAAF) là lực lượng có tốc độ phát triển chóng mặt trong thời gian gần đây. Họ có khoảng 1.321 máy bay tiêm kích và cường kích, 134 máy bay ném bom hạng nặng và tiếp dầu trên không, 20 máy bay do thám. Trong kho vũ khí của PLAAF còn có khoảng 700 trực thăng chủ yếu là vận tải.
Quy mô PLAAF tương đối lớn nhưng đa phần trang thiết bị máy bay của họ thuộc thế hệ cũ. Các tiêm kích hiện đại nhất của họ là Su-30MKK của Nga, J-11 do họ sao chép từ Su-27 và tiêm kích J-10, cường kích JH-7 sản xuất trong nước.
PLAAF đang tích cực hiện đại hóa lực lượng với 2 chương trình phát triển tiêm kích tàng hình J-20 và J-31. Phát triển tiêm kích trên hạm J-15 hoạt động trên tàu sân bay Liêu Ninh. Có tin đồn cho rằng, PLAAF đang phát triển một máy bay ném bom chiến lược mới.
Không quân Nhật Bản
Không quân Nhật Bản tuy có quy mô khiêm tốn nhưng chất lượng máy bay và đào tạo của họ rất tốt. |
Lực lượng Phòng vệ đường không Nhật Bản (JASDF) có quy mô khá khiêm tốn so với các lực lượng nói trên. Họ có trong biên chế hơn 300 máy bay chiến đấu, chất lượng các máy bay của JASDF rất cao. Nòng cốt của họ là các tiêm kích F-15J và F-2 (một biến thể sản xuất tại Nhật Bản của F-16).
JASDF đã lên kế hoạch mua 42 tiêm kích tàng hình F-35. Bên cạnh đó, họ đang triển khai chương trình phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ 5 ATD-X. Họ có phi đội chỉ huy và cảnh báo sớm trên không khá hùng hậu với 4 chiếc E-767 và 13 chiếc E-2C Hawkeye.
Các phi công của JASDF có chất lượng đào tạo rất tốt, họ thường xuyên tham gia tập trận không chiến Red Flag với Không quân Mỹ. Máy bay hiện đại, chất lượng đào tạo tốt là lý do đưa họ trở thành 1 trong 5 lực lượng không quân mạnh nhất thế giới.