Cái tên được nhắc tới đầu tiên trong danh sách là CH-47 Chinook, máy bay trực thăng vận tải hạng nặng đa nặng hai động cơ, hai cánh quạt, do Boeing Integrated Defense Systems thiết kế và chế tạo từ năm 1962. Công năng thiết kế của máy bay này là chuyển quân, chuyển vũ khí hạng nặng và hỗ trợ hậu cần cho chiến trường. Khả năng vận tải của CH-47 Chinook phụ thuộc vào các phiên bản khác nhau, cũng như các yếu tố nhiên liệu, phương pháp treo và điều kiện áp suất. Máy bay được thiết kế với một đường nối tải lớn ở thân sau, cùng ba móc chở hàng. Với trọng tải 22.680 kg, chiều dài 15,5 m, sải cánh 18,3 m, và vận tốc tối đa lên tới 315 km/h, CH-47 Chinook hiện là trực thăng quân sự nhanh nhất thế giới. Cái tên Chinook được đặt theo tên một bộ tộc thổ dân da đỏ ở Bắc Mỹ. Chinook có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ chuyển quân, cẩu pháo, cho tới vận chuyển các thiết bị và hàng hóa hỗ trợ hoạt động chiến đấu và cứu trợ nhân đạo. |
MQ-8 Fire Scout là trực thăng không người lái do tập đoàn sản xuất vũ khí Northrop Grumman phát triển, dựa trên nguyên mẫu của trực thăng có người lái Schweizer333 (năm 1999 đổi tên thành Sikorsky S-333). "Chim lửa" Fire Scout nặng 270 kg, dài 7 m, cao 3 m, sải cánh dài 8,4 m, đạt tốc độ 200 km/giờ và có thể bay 4 tiếng liên tục để thực hiện các nhiệm vụ trong bán kính 300 km. Được trang bị máy quét quang học, máy quét tia hồng ngoại, máy laser dùng để đo cự li, "Chim lửa" có thể đáp ứng khẩn cấp các yêu cầu tác chiến về giám sát, trinh sát và thu thập thông tin tình báo Theo một số nguồn tin, hệ thống radar do thám mới của MQ-8B Fire Scout có thể theo dõi 200 mục tiêu cùng lúc ở phạm vi lên tới 28 km. |
Sikorsky UH-60 Black Hawk, trực thăng đa dụng 4 cánh quạt và hai động cơ hạng trung, do Sikorsky Aircraft chế tạo từ năm 1972. Với trọng tải 1,5 tấn hàng hóa hoặc 11 binh sĩ với đầy đủ trang bị, "Diều hâu đen" có thể thực hiện nhiều kiểu nhiệm vụ, từ vận tải chiến thuật với lính, thiết bị chiến tranh điện tử, cho tới giải cứu đường không. Một phiên bản của Black Hawk với tên gọi VH-60N được dùng để chuyên chở các quan chức chính phủ. Nhiều chuyên gia nhận định, mặc dù được sản xuất từ cách đây 40 năm, nhưng "Diều hâu đen" vẫn sẽ là trực thăng của thế kỷ 21, nhờ các tính năng ưu việt, chi phí thấp và bảo trì đơn giản. |
CH-53 Super Stallion là cái tên nổi tiếng nhất trong gia đình trực thăng vận tải hạng nặng Sikorsky S-65. "Ngựa giống" là mẫu trực thăng lớn nhất, nặng nhất mà quân đội Mỹ từng nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng từ năm 1974. CH-53 Super Stallion chủ yếu được Thủy quân Lục chiến Mỹ sử dụng trong các chiến dịch đổ bộ, vận chuyển và di dời các thiết bị vũ trang hạng nặng, phục vụ nhiệm vụ chiến đấu. Ngoài ra, dòng trực thăng siêu trọng này còn được giao nhiệm vụ chuyên chở các máy bay phản lực hoặc trực thăng chiến đấu hư hỏng tới các tàu sân bay hạng nặng của Hải quân Mỹ. |
AH-64 Apache là trực thăng chiến đấu số một thế giới, do hãng Boeing sản xuất. AH-64 được trang bị hai chỗ ngồi, hai động cơ tua bin, một pháo M230 cùng tên lửa và rocket ở cánh phụ. AH-64 có chiều dài 17,73 m, sải cánh 5,227 m, vận tốc tối đa lên tới 297 km/giờ. Nó sở hữu những thiết bị điện tử hàng không tối tân như Hệ thống Thu nhận Mục tiêu, Hệ thống Nhìn đêm của Phi công (TADS/PNVS), Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS). Vũ khí chính của Apache là Hellfire, một loại tên lửa có nguyên tắc hoạt động như máy bay thu nhỏ, với những hệ thống máy tính dẫn đường, hệ thống lái và hệ thống đẩy. Các hệ thống này hoàn toàn tách biệt với Apache và đủ sức đốt cháy rất nhiều xe tăng của đối phương. |