Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 tiêm kích thế hệ 5 nổi bật nhất thế giới

Các cường quốc lớn trên thế giới đang đua nhau phát triển tiêm kích thế hệ 5 nhằm chiếm ưu thế trong cuộc chiến trên không.

HAL AMCA là chương trình phát triển máy bay chiến đấu tầm trung tiên tiến của Ấn Độ
HAL AMCA là chương trình phát triển máy bay chiến đấu tầm trung tiên tiến của Ấn Độ. AMCA là một tiêm kích thế hệ 5 có 2 động cơ được điều khiển bởi 1 phi công. Tiêm kích này sẽ bổ sung cho các máy bay chiến đấu khác của Ấn Độ như HAL Tejas, Su-30MKI, Rafale và tiêm kích thế hệ 5 FGFA hợp tác sản xuất với Nga. Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cho biết, công tác phát triển không chính thức với AMCA đã được bắt đầu. Quá trình phát triển ban đầu sẽ hoàn thành vào năm 2018.  Ảnh: Aviationnews
Shengyang J-31
Shenyang J-31 còn gọi là Falcon Hawk hoặc J-21 Snowy Owl là một chương trình tiêm kích thế hệ 5 đang được phát triển bởi Shenyang Aircraft Corporation. J-31 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 31/10/2012. Sự xuất hiện của J-31 đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 2 sau Mỹ có 2 chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 5 được thực hiện song song. Ảnh: Wikipedia
FGFA
FGFA là một dự án hợp tác sản xuất giữa Nga và Ấn Độ. Tiêm kích thế hệ 5 này là một biến thể của PAK FA T-50 của Nga. Theo thông tin từ các nhà phát triển, FGFA sẽ có 43 cải tiến so với T-50 của Nga về khả năng tàng hình, hành trình siêu tốc, cảm biến tiên tiến, mạng thông tin và hệ thống điện tử hàng không. FGFA sẽ cung cấp cho Không quân Ấn Đô, Nga cũng như xuất khẩu cho các khách hàng thứ 3. FGFA sẽ được thử nghiệm trong năm 2014 và đưa vào hoạt động từ năm 2022. Ảnh: Wonderslist
TAI TFX / F-X
TAI TFX / F-X là chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 5 được thực hiện bởi Turkish Aerospace Industries(TAI) của Thổ Nhĩ Kỳ. Chương trình này vẫn đang trong giai đoạn phát triển khái niệm thiết kế. TAI dự kiến sẽ trình bày 3 mẫu thiết kế, gồm 2 mẫu sử dụng một động cơ và 1 mẫu sử dụng 2 động cơ. TAI cũng dự kiến sẽ hợp tác cùng với tập đoàn SAAB, Thụy Điển trong quá trình phát triển TFX/F-X. Ảnh: Altair
ATD-X
ATD-X là chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 5 của Nhật Bản do nhà thầu quốc phòng Mitsubishi Heavy Industries đảm nhận. ATD-X được sử dụng như một mẫu thử nghiệm công nghệ nhằm đánh giá khả năng của Nhật Bản đối với chương trình tiêm kích thế hệ 5.  Mẫu thử nghiệm này được ứng dụng rất nhiều công nghệ mới như động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3D, hệ thống điều khiển bay bằng cáp quang, cảm biến đa chức năng. Dự kiến ATD-X sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên trong năm 2014. Ảnh: Wikipedia
KFX
KF-X/IF-X là chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 5, là sự hợp tác giữa Hàn Quốc và Indonesia. Đây là chương trình phát triển máy bay chiến đấu thứ hai của Hàn Quốc sau máy bay huấn luyện T-50. Theo Cơ quan phát triển quốc phòng Hàn Quốc (ADD), KF-X sẽ có khả năng tàng hình cao hơn so với EF-2000 Typhoon và Rafale, nhưng vẫn ít hơn F-35 của Mỹ. Trong tháng 3/2014, Hàn Quốc đã tuyên bố rút khỏi dự án, nhưng Indonesia tuyên bố vẫn tiếp tục chương trình. Ảnh: Flighglobal
JSF F-35 là chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 5 lớn nhất thế giới
JSF F-35 là chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 5 lớn nhất thế giới. F-35 được thiết kế theo kiểu module tiên tiến cho phép nó thực hiện tất cả các nhiệm vụ. Tiêm kích này đang được phát triển với 3 biến thể F-35A dùng cho Không quân Mỹ, F-35B cất hạ cánh thẳng đứng dùng cho thủy quân lục chiến và F-35C dùng cho hải quân. JSF F-35 là một chương trình phát triển đa quốc gia với sự tài trợ kinh phí từ các nước đối tác gồm Anh, Italia, Australia, Canada, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Dự kiến tiêm kích này sẽ đi vào hoạt động từ năm 2017. Ảnh: Wikipedia
PAK FA T-50
PAK FA T-50 là chương trình phát triển tiêm kích  lớn nhất thời hậu Xô Viết. Mẫu tiêm kích này là một nỗ lực lớn của Nga trong việc cạnh tranh với Mỹ  trong cuộc đua chiếm ưu thế trên không. T-50 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 29/01/2010. 5 mẫu T-50 đã được chế tạo và đang tiến hành các thử nghiệm liên quan. T-50 được trang bị một loạt các công nghệ tiên tiến như công nghệ tàng hình plasma, động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3D, radar quét mạng pha điện tử chủ động AESA cùng hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. T-50 dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2016. Ảnh: Wikipedia
Chengdu J-20
Chengdu J-20 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 11/01/2011, tức là cùng lúc với chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates. J-20 là chương trình tiêm kích thế hệ 5 lớn nhất của Trung Quốc, một  nỗ lực lớn của Bắc Kinh trong cuộc đua chiếm ưu thế trên không với Nga, Mỹ. 4 mẫu thử nghiệm J-20 đã được hoàn thành và đang tiến hành các giai đoạn thử nghiệm khác nhau. Tiêm kích này dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong Không quân Trung Quốc từ năm 2019. Ảnh: Avioners
F-22 Raptor là tiêm kích thế hệ 5 duy nhất đang ở trạng thái sẳn sàng chiến đấu
F-22 Raptor là tiêm kích thế hệ 5 duy nhất đang ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tiêm kích này hội tụ những đỉnh cao trong công nghệ hàng không của Mỹ cũng như của thế giới. 187 chiếc F-22 đang hoạt động, giúp Mỹ trở thành quốc gia có phi đội tiêm kích thế hệ 5 lớn nhất thế giới. Dù rất hiện đại, F-22 lại trở nên thừa thãi  trong các hoạt động quân sự của Mỹ thời gian qua. Nó được thiết kế thiên về chiếm ưu thế trên không trong khi khả năng tấn công mặt đất rất hạn chế. Ảnh: Military-Today

Đức Hải

Bạn có thể quan tâm