NATO không kích Liên bang Nam Tư
Một tòa nhà ở Liên bang Nam Tư cháy ngùn ngụt vì trúng tên lửa NATO. Ảnh: RT |
Ngày 24/3/1999, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành chiến dịch không kích Liên bang Nam Tư, sau khi giới chức Belgrade phản đối kế hoạch của Mỹ nhằm triển khai quân đội bên ngoài tỉnh Kosovo, nơi cảnh sát Nam Tư đang mở chiến dịch truy quét các tay súng đòi độc lập gốc Albani.
Chiến dịch không kích kéo dài 78 ngày với sự tham gia của 19 quốc gia thành viên NATO đã trút khối lượng bom lớn xuống các mục tiêu quân sự và dân sự ở Nam Tư. Thủ đô Belgrade cũng bị tấn công. Đợt oanh kích gây thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất của Nam Tư và làm hàng ngàn người thiệt mạng. Đây là cuộc không kích lớn nhất của NATO nhằm vào một quốc gia có chủ quyền dù chiến dịch quân sự này không được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong 11 tuần không kích Nam Tư, NATO đã trút xuống quốc gia này 79.000 tấn thuốc nổ. Nó phá hủy gần như hoàn toàn các cơ sở công nghiệp, quốc phòng của Nam Tư. Hậu quả của chiến dịch vẫn ảnh hưởng tới ngày nay khi lượng phóng xạ ở miền nam Serbia, khu vực hứng nhiều bom đạn NATO, cao hơn bình thường, kéo theo số lượng lớn người mắc ung thư.
Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố trên đất Afghanistan
Sau sự kiện 11/9/2001, Mỹ ráo riết truy lùng các phần tử khủng bố liên quan tới mạng lưới al-Qaeda. Trong tháng 10/2001, Mỹ phát động chiến dịch Tự do Bền vững nhằm vào lãnh thổ Afghanistan nhằm truy bắt trùm khủng bố Osama bin Laden, người bị cáo buộc đứng đằng sau tổ chức khủng bố tấn công Mỹ, tiêu diệt tổ chức khủng bố al-Qaeda và truy quét các phần tử Taliban bị cáo buộc hỗ trợ al-Qaeda.
Phản lực chiến đấu Mỹ ném bom xuống Afghanistan. Ảnh: Wikipedia |
Chiến dịch tấn công của Mỹ khiến chính quyền Taliban đang nắm quyền ở Afghanistan bị lật đổ, nhiều khu trại của al-Qaeda bị phá hủy, trùm khủng bố Osama bin Laden phải trốn chạy. Tuy nhiên, nó hoàn toàn không tiêu diệt được tổ chức khủng bố al-Qaeda mà còn khiến nhóm này phân tán rộng khắp khu vực dù suy yếu khá nhiều.
Ngày 2/5/2011, trùm khủng bố Osama bin Laden bị thành viên Đội 6, biệt kích hải quân Mỹ SEAL, tiêu diệt khi đang ẩn náu trên lãnh thổ Pakistan. Tuy nhiên, cái chết của trùm khủng bố không tác động nhiều tới hoạt động của các nhóm Hồi giáo cực đoan đang hoành hành trong khu vực Trung Đông. Các tổ chức khủng bố tiếp tục mở rộng hoạt động ở Afghanistan, Pakistan, Yemen, Syria, Iraq... Các tay súng cực đoan tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) được tách ra từ lực lượng al-Qaeda đang khiến Mỹ phải động binh một lần nữa.
Mỹ không kích Iraq tìm vũ khí hủy diệt
Tiếp tục vin vào cái cớ chống khủng bố, chính quyền Tổng thống George W. Bush quyết định tấn công Iraq dưới thời Tổng thống Saddam Hussein nhằm tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tuy nhiên, sau khi chế độ cầm quyền ở Iraq sụp đổ, thế giới phát hiện tình báo Mỹ cố tình dựng bằng chứng giả để tạo cớ tấn công Baghdad. Nhiều năm sau khi Tổng thống Saddam Hussein bị hành quyết, Mỹ và đồng minh vẫn chưa tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt trên đất Iraq.
Phản lực chiến đấu MiG-25 của quân đội Saddam Hussein được giấu dưới cát. Ảnh: Reuters |
Ngày 20/3/2003, Mỹ và đồng minh phát động chiến dịch Đất nước Iraq Tự do nhằm tấn công quân đội của Tổng thống Saddam Hussein. Tương quan lực lượng bất cân bằng khiến quân đội Saddam Hussein chịu nhiều tổn thất nặng nề trước khi Mỹ đưa quân đổ bộ Iraq. Chính quyền bị lật đổ, Tổng thống Saddam Hussein chạy trốn nhưng cuối cùng bị bắt trong hầm và lãnh án tử đầy tranh cãi.
Giống như Afghanistan, Mỹ tiếp tục sa lầy trong cuộc chiến ở Iraq. Dù Washington đạt mục đích lật đổ chế độ nhưng chính quyền do Mỹ dựng lên tiếp tục bị rung chuyển bởi các lực lượng chống đối. Xung đột, bất ổn và bạo lực khiến thủ đô Baghdad và nhiều thành phố khác của Iraq bị liệt vào danh sách những đô thị tồi tệ nhất hành tinh. Sự trỗi dậy của IS buộc Mỹ phải xuất quân để bảo vệ chính quyền do Washington dựng lên.
Mỹ và đồng minh lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Libya
Ngày 19/3/2011, liên minh quân sự do phương Tây dẫn đầu đã lập vùng cấm bay trên bầu trời Libya nhằm chống lại quân đội trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị cáo buộc sử dụng vũ lực với người biểu tình. Không quân Libya gần như không thể chống đỡ dàn vũ khí khủng mà các nước mang tới theo Nghị quyết số 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Mỹ và đồng minh thiết lập vùng cấm bay trên không phận Syria. Ảnh: Wikipedia |
Ưu thế trên không của liên quân đã giúp phe nổi dậy Libya dễ dàng đánh bật quân đội trung thành với nhà lãnh đạo Gaddafi. Các thành phố lần lượt lọt vào tay lực lượng nổi dậy bao gồm thủ đô Tripoli và Sirte, thành trì vững chãi nhất của nhà lãnh đạo 42 năm chèo lái đất nước. Ngày 20/10/2011, ông Gaddafi bị bắt sống và hành quyết tại quê nhà.
Chiến dịch quân sự của Mỹ và đồng minh đã lật đổ chính quyền cũ, tạo ra một chế độ mới ở Libya. Tuy nhiên, chia rẽ nội bộ sâu sắc khiến tình hình quốc gia Bắc Phi trở nên hỗn loạn. Không phe phái nào ở Libya đủ sức khuất phục những lực lượng còn lại, khiến chính trường quốc gia chiếm 2% tổng trữ lượng dầu mỏ xuất khẩu thế giới vẫn rối ren suốt những năm qua.
Mỹ không kích các tay súng tự xưng IS trên đất Syria
Rạng sáng ngày 23/9/2014, Mỹ phát động chiến dịch không kích mục tiêu IS trên lãnh thổ Syria, một quốc gia có chủ quyền. Giới chức Mỹ nhận định, IS là mối đe dọa trực tiếp với an ninh nước Mỹ sau khi lực lượng này hành quyết hai nhà báo người Mỹ và một công dân Anh nhằm đáp trả cuộc không kích của Washington ở Iraq.
Binh sĩ Mỹ chất tên lửa lên cánh máy bay chuẩn bị không kích IS ở Syria. Ảnh: Reuters |
Trên thực tế, IS là một trong những thế lực từng được gọi là lực lượng nổi dậy ở Syria. Sau chiến dịch không kích ở Libya, Mỹ từng nhiều lần tham vọng lập vùng cấm bay để hỗ trợ lực lượng nổi dậy chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, nỗ lực này bị Nga, một trong 5 quốc gia giữ quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bác bỏ.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif từng cáo buộc Mỹ và đồng minh phương Tây hậu thuẫn cho các lực lượng nổi dậy ở Syria, trong đó có Nhà nước Hồi giáo (IS). Tuy nhiên, việc bơm tiền, cung cấp vũ khí của Mỹ đã phản tác dụng khi các tay súng cực đoan này dùng chúng để chống lại người Mỹ và đồng minh của Washington trong khu vực.
Rõ ràng, việc Mỹ không kích lực lượng IS ở Syria vi phạm luật pháp quốc tế vì đây vẫn là một quốc gia có chủ quyền. Nhiều người lo ngại Mỹ sẽ tiến xa hơn việc tấn công các mục tiêu của IS trên đất Syria. Truyền thông Mỹ nêu hàng loạt lý do khiến Washington không can thiệp sâu vào Syria nhưng không ai có thể đảm bảo giới chức Mỹ không làm điều ngược lại.