Khoảnh khắc máy bay Nga bốc cháy do trúng tên lửa. Ảnh: Getty |
Điều gì đã xảy ra?
Chiến đấu cơ F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Các bên đưa ra những tuyên bố khác nhau về vụ việc. Phía Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố phi cơ Nga xâm phạm không phận Ankara. Hai chiếc F-16 xuất kích và bắn rơi Su-24 của Nga bằng tên lửa không đối không, CNN đưa tin.
Trong khi đó, phía Nga khẳng định chiếc máy bay bị bắn vẫn hoạt động trong không phận Syria. Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố video cho thấy chiếc Su-24 bị bắn rơi khi hoạt động trên không phận Syria. Trước đó, giới chức Nga thông báo máy bay bị trúng tên lửa ở khu vực cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 1 km và rơi cách đó 4 km bên trong lãnh thổ Syria.
Trong video ghi hình máy bay rơi, người ta nhìn thấy hai phi công nhảy dù khỏi phi cơ đang cháy. Khu vực họ rơi xuống do lực lượng nổi dậy gốc Thổ kiểm soát. Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga cho biết, một trong hai phi công bị sát hại bởi những loạt đạn bắn lên từ mặt đất. Người còn lại vẫn mất tích.
CNN dẫn lời Abu Ibrahim al-Sheghri, một chỉ huy của lực lượng nổi dậy kiểm soát khu vực, cho biết, các tay súng tìm thấy thi thể của một trong hai phi công. Video lực lượng này gửi cho Reuters cho thấy một phi công Nga bị thương, nằm bất động trên mặt đất. Chúng cũng tuyên bố sát hại cả hai phi công khi họ nhảy dù xuống khu vực.
Ngay sau vụ Su-24 bị bắn rơi, quân đội Nga đã cử trực thăng đa nhiệm Mi-8 tới hiện trường để tìm kiếm, cứu nạn các phi công. Tuy nhiên, một trong hai chiếc hư hại bởi vũ khí của nhóm phiến quân, buộc nó phải hạ cánh trước khi bị phá hủy bởi tên lửa chống tăng. Phía Nga thông báo một lính thủy đánh bộ thiệt mạng trong chiến dịch này. Moscow cũng đã huy động tàu chiến tới vùng biển ngoài khơi Latakia sau vụ việc.
Phản ứng của Moscow
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết vụ bắn rơi chiếc Su-24 là “hành động đâm sau lưng Nga của những kẻ hỗ trợ khủng bố”. Ông chủ Điện Kremlin cho rằng vụ việc “gây tác động nghiêm trọng tới mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ”.
Vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga là lần đầu tiên một quốc gia NATO thực hiện hành động tương tự kể từ những năm 1950. Đây cũng là chiến đấu cơ Nga đầu tiên bị bắn rơi trong chiến dịch không kích lực lượng khủng bố ở Syria. Ngay sau vụ việc, NATO đã họp khẩn tại Brussels, Bỉ nhằm đưa ra phản ứng thích hợp.
Khoảnh khắc máy bay lao xuống. Ảnh: Getty |
Những hậu quả
Đầu tiên, vụ bắn rơi Su-24 gây tác động nghiêm trọng tới mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, hai quốc gia có lợi ích to lớn trong vấn đề kinh tế. Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu gần như toàn bộ năng lượng từ phía Nga, bao gồm 60% nhu cầu khí tự nhiên của đất nước. Trong khi đó, du khách Nga thường chọn Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến yêu thích.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có vai trò địa chính trị hết sức to lớn trong cuộc chiến chống lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng như giải quyết bất ổn chính trị ở Syria. Nga ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chống lưng cho lực lượng nổi dậy lật đổ chính quyền Syria.
Hơn nữa, vụ việc bắn rơi chiếc Su-24 có thể khiến mối quan hệ Nga – NATO thêm xa cách. Sau phiên họp khẩn ở Brussels, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các bên kiềm chế để hạ nhiệt tình hình. Các lãnh đạo khác của phương Tây cũng nhấn mạnh sự vô can trong vụ việc đồng thời kêu gọi Ankara và Moscow đàm phán để tránh căng thẳng leo thang.
Viễn cảnh có thể nhìn thấy trước?
Việc máy bay Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ từng xảy ra từ thời điểm Moscow phát động chiến dịch không kích ở Syria. Moscow từng nhận trách nhiệm về vụ xâm phạm không phận Ankara khi tránh tên lửa phòng không trong chiến dịch không kích ở Syria. Tháng trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo những vụ xâm phạm không phận “vượt quá sức chịu đựng”.
Sau vụ khủng bố đẫm máu ở Paris, người ta hy vọng phương Tây và Nga sẽ phối hợp trong cuộc chiến IS. Tổng thống Pháp Francois Hollande gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo phương Tây nhằm kêu gọi tăng cường chống lại lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan.
Trong cuộc họp báo chung, cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Pháp đều kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng. Tuy nhiên, tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng có phần chỉ trích các hoạt động của Nga. “Nếu Moscow tập trung vào việc không kích IS, những sự cố tương tự sẽ hạn chế xảy ra”, ông Obama ám chỉ Nga không kích lực lượng đối lập ở Syria.
Những diễn biến tiếp theo
Hiện tại, số phận của các phi công là trọng tâm thu hút sự chú ý. Ngoài ra, các bên sẽ đưa ra bằng chứng cho lý luận của mình. Nga vừa công bố bản đồ dữ liệu chuyến bay, cho thấy chiếc Su-24 bị bắn rơi hoàn toàn chưa xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Ankara cũng đưa ra một phân tích khác cho thấy chiếc Su-24 xâm phạm không phận trong 17 giây ở khu vực sâu 1,5 km so với biên giới Syria.
Trong tuyên bố đầu tiên, Tổng thống Putin chỉ trích rất mạnh mẽ Thổ Nhĩ Kỳ. Dù các chuyên gia đều nhận định vụ việc không thể thổi bùng một cuộc xung đột giữa Moscow và NATO nhưng nó cũng gây những tác động nhất định. Tuy nhiên, thế giới cần chờ những quyết định của ông Putin để biết được mức độ nghiêm trọng của nó.