Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 chuỗi cà phê lớn nhất thế giới

Với hàng chục nghìn cửa hàng trên thế giới, Starbucks phục vụ hơn 40 triệu khách hàng mỗi tuần và bán ra 4 tỷ cốc cà phê mỗi năm.

Cà phê là thức uống phổ biến nhất trên thế giới. Ước tính có tới 2,25 tỷ cốc cà phê được tiêu thụ trên toàn thế giới. Brazil là một trong những quốc gia sản xuất hạt cà phê lớn nhất với hơn 5 triệu dân số hoạt động trong ngành công nghiệp liên quan.

Dưới đây là 5 chuỗi cà phê lớn nhất thế giới với hàng nghìn cửa hàng trên khắp thế giới.

5. McCafe – 1.300 cửa hàng

Thuộc sở hữu của McDonald’s, McCafe có lợi thế lớn trong việc mở rộng số lượng cửa hàng trên thế giới. Hiện nay McCafe có 1.300 cửa hàng đang hoạt động, thường là kết hợp cùng chuỗi ăn nhanh của McDonald.

McCafe đến Mỹ vào năm 2001, khi đó, chuỗi cà phê này đã có hơn 300 cửa hàng. Thức uống đặc trưng của McCafe là latte, espresso, và cappuccino. Hiện hãng này đang tiếp tục mở rộng thương hiệu , đặc biệt là tại Đông Âu.

4. Costa Coffee – 1.700 cửa hàng

Được thành lập bởi Sergio và Bruno Costa vào đầu những năm 1970, Costa Coffee phát triển trở thành chuỗi cà phê lớn nhất tại Anh. Costa Coffee hiện nay có hơn 1.700 cửa hàng tại 35 quốc gia trên thế giới. Hơn một nửa số cửa hàng này được đặt tại Anh. Hai anh em nhà Costa quản lý chuỗi cà phê này được 25 năm trước khi bán nó cho Whitbread.

Costa Coffee tận dụng các mối quan hệ hợp tác để mở rộng chuỗi với những cửa hàng nhỏ tại hiệu sách, khách sạn, rạp chiếu phim và nhà hàng pizza. Costa Coffee chỉ thuê 3 chuyên gia pha chế người Ý làm việc tại Anh. Gennaro Pelliccia, một trong 3 chuyên gia trên, chịu trách nhiệm thử cà phê. Lưỡi của ông được mua bảo hiểm trị giá 10 triệu bảng Anh.

3. Tim Hortons – 4.300 cửa hàng

Tim Hortons là hãng thực phẩm lớn nhất tại Canada. Được thành lập vào năm 1964 với cái tên “Tim Horton Donuts” bởi Tim Horton. Công ty có 3 cửa hàng trước khi được người hợp tác Ron Joyce mua lại từ gia đình Horton. Khi đó, Horton qua đời trong một tai nạn xe hơi và Joyce vẫn giữ nguyên tên gọi Tim Hortons và mở rộng công ty. Vào năm 1991, chuỗi Tim Hortons khai trương cửa hàng thứ 500.

Hiện nay, Tim Hortons có hơn 4.300 cửa hàng tại khắp Bắc Mỹ và một số nước ở Trung Đông. Hơn 80% số cửa hàng của chuỗi đặt tại Canada. Hiện công ty đang tiếp tục mở rộng. Năm 2012, doanh số của Tim Hortons đạt kỷ lục 3,12 tỷ USD, tuyển dụng gần 100.000 nhân viên. Ngoài phục vụ cà phê và bánh donuts, Tim Hortons cũng tăng doanh số nhờ việc đưa vào các thực đơn nóng và có lợi cho sức khỏe. Việc mua nhượng quyền cửa hàng của Tim Hortons phải trải qua nhiều bước đăng ký và huấn luyện nghiêm ngặt. Các ứng viên nhượng quyền được lựa chọn rất kỹ càng.

2. Dunkin Donuts – 10.000 cửa hàng

Trong nhiều năm, Dunkin Donuts từng được coi là chuỗi cà phê lớn nhất thế giới. Sau 37 năm phát triển, hiện Dunkin Donuts có hơn 10.000 cửa hàng trên thế giới. Dù lấy tên của loại bánh nổi tiếng Dunkin Donuts nhưng cà phê chiếm hơn một nửa doanh số của cửa hàng.

Trong những năm cuối thập niên 90, Dunkin Donuts từng gặp khó khăn lớn tại Canada và Nhật Bản. Ở Canada, đối thủ Tim Hortons đã vượt mặt Dunkin Donuts với thực đơn có lợi cho sức khỏe và cửa hàng thân thiện hơn. Hơn 200 cửa hàng của Dunkin Donuts tại Canada đã phải đóng cửa do chính sách khuyến mại và marketing kém. Các cửa hàng của chuỗi tại Nhật Bản cũng gặp số phận tương tự. Vào năm 1998, tại Nhật không có cửa hàng nào của Dunkin Donuts. Tuy nhiên, nhờ chính sách marketing chú trọng vào sản phẩm cà phê, Dunkin Donuts đã vực dậy và vươn lên trở thành chuỗi cà phê lớn thứ 2 thế giới.

1. Starbucks – 20.000 cửa hàng

Starbucks hiện có hơn 20.000 cửa hàng tại 61 quốc gia trên thế giới với 150.000 nhân viên. Nhân viên của hãng tại Mỹ có mức lương trung bình 8,8 USD một giờ và được đóng bảo hiểm cùng một số quyền chọn mua cổ phiếu. Hơn 65% cửa hàng của Starbucks được đặt tại Mỹ.

Được thành lập vào năm 1971, ban đầu Starbucks là hãng bán lẻ cà phê hạt. Đến năm 1987, những người sở hữu Starbucks đã bán lại chuỗi cà phê cho cựu nhân viên tên là Howard Schultz. Ông này đã làm lại thương hiệu cafe Il Giornale của mình thành Starbucks và bắt đầu chiến dịch mở rộng chuỗi. Tới năm 1989, trên khắp nước Mỹ và Tây Canada có 46 cửa hàng Starbucks được mở.

Khi Starbucks chào cổ phiếu ra công chúng lần đầu, doanh số của công ty đạt xấp xỉ 73 triệu USD. Chỉ trong vài năm, cổ phiếu của công ty đã tăng 70%. Chiến lược phát triển chính được Starbucks sử dụng là mua lại. Chỉ trong một thời gian ngắn, Starbucks đã mua lại Best Coffee của Seattle, Coffee People, và Torrefazione Italia. Công ty cũng mua lại Tazo, Teavana, và Ethos để bổ sung dòng sản phẩm của mình.

Hiện Starbucks phục vụ hơn 40 triệu khách hàng mỗi tuần và bán ra 4 tỷ cốc cà phê mỗi năm. Starbucks không có chính sách nhượng quyền thương hiệu và cũng không có ý định làm điều này trong tương lai.

http://www.therichest.com/business/companies-business/the-five-largest-coffee-shop-chains-on-earth/5

Hoài Thu

The Richest

Bạn có thể quan tâm