Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 chiến đấu cơ uy lực nhất RIMPAC 2014

Mỹ và Canada mang tới cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới (RIMPAC 2014) năm loại phi cơ chiến đấu, bao gồm cả máy bay tàng hình F-22 Raptor.

F-22 Raptor

Lockheed Martin F-22 Raptor (Chim ăn thịt) là tiêm kích thế hệ thứ năm của Mỹ có khả năng tàng hình. Nó ra đời nhằm chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất, chiến tranh điện tử và trinh sát. Tính tới thời điểm hiện tại, F-22 là máy bay chiến đấu hiện đại nhất thế giới và Mỹ là quốc gia duy nhất sở hữu chúng.

Máy bay tàng hình F-22 thả pháo sáng. Ảnh: Wiki

F-22 có chiều dài 18,9 m, sải cánh rộng 13,6 m, có khả năng cất cánh với tải trọng tối đa đạt 25.000 kg. Hai động cơ phản lực đẩy giúp phi cơ di chuyển với vận tốc 2.400 km/h. Hệ thống giá treo vũ khí trong thân cho phép F-22 mang tên lửa đối không, đối đất, bom. Bốn giá treo dưới cánh giúp “Chim ăn thịt” mang thêm thùng nhiên liệu phụ hoặc vũ khí. Mỗi chiếc F-22 Raptor có giá khoảng 412 triệu USD.

F-15E Strike Eagle

“Đại bàng tấn công" F-15E là máy bay tiêm kích tấn công, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm của Mỹ. Chúng ra đời nhằm thực thi nhiệm vụ oanh tạc các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương, hỗ trợ các lực lượng mặt đất. F-15E từng chứng minh hiệu quả ưu việt trong các chiến dịch quân sự ở Iraq, Afghanistan và Libya.

“Đại bàng tấn công" F-15E của Mỹ. Ảnh: Wiki

F-15E có chiều dài 19,43 m, sải cánh 13,05 m, tải trọng cất cánh tối đa 36.700 kg. Vận tốc của “Đại bàng tấn công” đạt 2.650 km/h với phạm vi hoạt động lên tới 3.900 km nếu sử dụng thùng nhiên liệu phụ. Các giá treo vũ khí dưới thân cho phép F-15E mang tên lửa đối không, đối đất và các loại bom, bao gồm bom hạt nhân B61 và B83 của Mỹ. Mỗi chiếc F-15E trị giá khoảng 31,1 triệu USD theo tỷ giá năm 1998.

F-16 Fighting Falcon

F-16 Fighting Falcon là máy bay chiến đấu đa nhiệm phổ dụng nhất thế giới do tập đoàn General Dynamics (nay là Lockheed Martin) của Mỹ nghiên cứu và phát triển. Tính tới thời điểm hiện tại, hơn 4.500 chiếc F-16 đã ra đời. Chúng phục vụ không quân của 25 quốc gia.


Phản lực chiến đấu F-16. Ảnh: Wiki

Những chiếc F-16 có chiều dài 15,06 m, sải cánh rộng 9,96 m, tải trọng cất cánh tối đa đạt 19.200 kg. Kích thước nhỏ nên chỉ với một động cơ đẩy duy nhất, F-16 vẫn có thể di chuyển với vận tốc 2.100 km/h. 11 giá treo vũ khí trên cánh và bụng cho phép F-16 mang các loại tên lửa đối không, đối đất và đối hạm cùng nhiều loại bom, bao gồm cả bom hạt nhân B61.

F/A-18 Hornet/Super Hornet các phiên bản

F/A-18 Hornet là máy bay tiêm kích đa nhiệm kiêm phi cơ tấn công đặc dụng trên tàu sân bay Mỹ. Chúng có thể di chuyển với vận tốc 1.900 km/h với trần bay tối đa 15.000 m. Nó có thể mang nhiều loại bom và tên lửa, gồm cả tên lửa đối không, đối đất và nhiều loại bom. Giá mỗi chiếc Hornet dao động trong khoảng 29 - 57 triệu USD tùy từng phiên bản theo tỷ giá năm 2006.

Máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet. Ảnh: Wiki

F/A-18 Super Hornet là phiên bản cải tiến của F/A-18 Hornet, giúp nó hoạt động ưu việt hơn. Biến thể mới thay thế toàn bộ vai trò của phản lực chiến đấu F-14 Tomcat, hoạt động nhiều năm trong biên chế các tàu sân bay. Những chiếc Super Hornet trị giá 60,9 triệu USD theo tỷ giá năm 2013.

CF-18 Hornet

Ngoài Mỹ, Canada là quốc gia duy nhất mang máy bay phản lực chiến đấu tham gia RIMPAC 2014. Những phi cơ CF-18 Hornet mà Canada đưa tới Hawaii là phiên bản xuất khẩu của máy bay F/A-18 Hornet mà quân đội Mỹ đang sử dụng. CF-18 tham chiến tại Kosovo năm 1990, Vùng Vịnh năm 1991 và Libya vào năm 2011.

CF-18 Hornet là phiên bản máy bay chiến đấu dành riêng cho Canada. Ảnh: Wiki

Tập đoàn McDonnell Douglas (sau này là Boeing) đặt mua 138 chiếc CF-18 với giá khoảng 35 triệu USD/chiếc (theo tỷ giá năm 1977). Khả năng tác chiến cơ bản của những chiếc CF-18 Canada tương đồng với máy bay F/A-18 Hornet của Mỹ.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm