Lê Công Vinh
Chỉ tính riêng 3 vụ chuyển nhượng về Hà Nội T&T, CLB bóng đá Hà Nội và Bình Dương, Công Vinh đã đút túi khoảng 30 tỷ đồng phí lót tay chưa kể những khoản thu nhập kếch xù khác từ lương, thưởng. |
Bên cạnh đó, với thương hiệu của một ngôi sao hàng đầu của bóng đá Việt Nam, Công Vinh còn kiếm được hợp đồng quảng cáo cho nhiều thương hiệu nổi tiếng như Audi, Nike, Milo, dược phẩm Đông Á… Lối sống giữ gìn cùng cách chi tiêu khôn ngoan của Công Vinh khiến anh là cầu thủ thành đạt nhất trong giới cầu thủ Việt |
Nguyễn Việt Thắng
Tên tuổi của cựu tiền đạo đội tuyển Việt Nam gắn liền với cả 2 chu kỳ thành công của HAGL và ĐTLA, tương ứng là những khoản thu nhập kếch xù. Năm 2010, khi chuyển từ ĐTLA tới Ninh Bình, Thắng “bế” đút túi 9 tỷ đồng. Sau đó, khi chuyển từ Ninh Bình về Bình Dương, Việt Thắng bỏ túi thêm 8 tỷ. |
Điều kiện kinh tế khá giả nên Việt Thắng từng chi mấy trăm triệu tiền đền bù do vi phạm hợp đồng với Thanh Hóa để được tham gia đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho AFF Cup 2012. |
Vũ Như Thành
Cho đến giờ, thỉnh thoảng chuyện bầu Trường mang cả bao tải tiền vào Bình Dương mua lại hợp đồng của Như Thành để đưa trung vệ này về Ninh Bình vẫn được nhắc lại như một ví dụ của thời kỳ “hoàng kim” của giới cầu thủ Việt. |
Chuyển từ Thể Công về Bình Dương, Như Thành đút túi khoảng 5 tỷ đồng. Quãng thời gian thi đấu tại đất Thủ tổng cộng anh kiếm được thêm 5 tỷ đồng nữa. Như Thành từng sở hữu một căn nhà tại TP.HCM. Mấy năm về đá cho Ninh Bình, Thành “kếu” đút túi thêm gần chục tỷ nữa từ phí lót tay cùng những khoản tạm ứng của bầu Trường. Nhưng những thú vui bên ngoài sân cỏ đã khiến cựu trung vệ đội tuyển Việt Nam đánh mất tất cả. |
Huỳnh Quang Thanh
Quang Thanh nổi lên trong màu áo Ngân hàng Đông Á nhưng cuộc sống của anh chỉ thực sự thay đổi khi chuyển về chơi cho Bình Dương năm 2005. Trong 8 năm ở đất Thủ, Quang Thanh được xem như một tượng đài, là người đội trưởng hết sức mẫu mực. Tất nhiên, những đóng góp của Quang Thanh được các ông chủ của tập đoàn Becamex đền đáp xứng đáng bằng chế độ hậu hĩnh. |
Một hậu vệ như Chí Công cũng có phí lót tay 9 tỷ đồng/3 năm thì chắc chắn Quang Thanh phải nhận được nhiều hơn gấp đôi số đó trong 8 năm cống hiến ở Bình Dương qua 3 lần tái ký hợp đồng. Năm 2012, Sài Gòn Xuân Thành từng có ý định trả 12 tỷ/3 năm để đổi lấy sự phục vụ của cựu đội trưởng tuyển Việt Nam nhưng Quang Thanh đã lắc đầu từ chối. |
Lê Phước Tứ
Thành công vang dội tại AFF Cup 2008 đã biến Phước Tứ thành một trong những cầu thủ được săn đón nhiều nhất trên thị trường chuyển nhượng sau khi anh ra quân cuối năm 2010 và thoát khỏi mọi sự ràng buộc với Thể Công. |
Năm 2011, bầu Thụy đã chi hơn 10 tỷ đồng để đưa Phước Tứ về Sài Gòn Xuân Thành. Năm 2014, Phước Tứ đầu quân cho Ninh Bình mới mức phí lót tay khoảng 6 tỷ/3 năm. Sau vụ án bán độ tại AFC Cup, đội bóng cố đô Hoa Lư giải thể, trung vệ gốc Quảng Nam ngay lập tức được mời về Bình Dương với mức phí tương đương kèm chế độ lương, thưởng hậu hĩnh. |