Bác sĩ tự cắt ruột thừa
Năm 1921, giới y học thế giới kinh ngạc vì bác sĩ người Mỹ Evan O’Neill Kane tự cắt ruột thừa cùng một chiếc gương khi ông 60 tuổi. Ba bác sĩ khác có mặt trong phòng phẫu thuật để đề phòng bất trắc. Phẫu thuật cắt ruột thừa là ca khó hồi những năm 1920 vì lúc đó vết mổ lớn hơn nhiều so với hiện nay. Kane được đưa về nhà ngày 16/2/1921, một ngày sau khi ông tự mổ. Năm 1932, bác sĩ tài ba người Mỹ lại tự mổ vì thoát vị bẹn sau một tai nạn khi cưỡi ngựa. Ông rất bình tĩnh trước khi cầm dao. Các đồng nghiệp kể lại rằng, ông mỉm cười trong khi đang phẫu thuật. Evan O'Neill Kane (6/4/1861 – 1/4/1932) sinh ra trong một gia đình đam mê y học ở Pennsylvania, Mỹ. Truyền thống gia đình đã thổi nguồn cảm hứng đam mê y học cho Kane. Ông trở thành bác sĩ phẫu thuật và là một trong số những người thành lập bệnh viện Kane Summit. Ông thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới sau ca phẫu thuật năm 1921. Ảnh: Medical Daily. |
Cắt bỏ một bên não
Bé Jessie Hall mắc hội chứng Rasmussen (viêm não) khiến não của bé bị phá hủy, gây ra chứng động kinh và giảm khả năng di chuyển. Vì vậy, gia đình Hall từ Aledo, Texas, Mỹ đã đưa bé đến bệnh vện trẻ em John Hopkins ở bang Maryland để chữa trị. Các bác sĩ đã chẩn đoán và quyết định cắt não phải của bé. Bác sĩ Ben Carson là người tiến hành mổ vào ngày 11/6/2008 trong 7 giờ đồng hồ. Sau ca phẫu thuật, tầm nhìn của bé Hall bị hạn chế và chân trái, tay trái yếu. Bé không thể di chuyển nếu không được trợ giúp. Tuy nhiên, chỉ trong 2 tuần sau, bé gái 6 tuổi có dấu hiệu phục hồi tích cực. Ngày 25/8 cùng năm, Hall tự đi bộ tới trường ở Aledo. Bố mẹ em vui sướng vì con gái khỏe mạnh. Ben Carson, sinh ngày 18/9/1951, là bác sĩ giải phẫu thần kinh nổi tiếng ở Mỹ, người từng tiến hành nhiều ca phẫu thuật nổi tiếng, bao gồm ca của bé Hall. Năm 2008, Tổng thống Mỹ W.Bush đã tặng ông Huân chương tự do tổng thống vì những đóng góp của ông trong ngành y học. Ảnh: Listtoptens. |
Tách đầu dính liền của 2 bé gái Bangladesh
Hai chị em Trishna và Krishna sinh ra đã dính liền đầu. Ngày 16/11/2009, các bác sĩ, đứng đầu là Leo Donnan, tại bệnh viện ở Australia tách đầu cho 2 bé. Sau hơn 27 giờ, bác sĩ Leo tuyên bố ca phẫu thuật thành công. Hai bé Trishna và Krishna chào đời tại Bangladesh ngày 22/12/2006. Bố mẹ 2 bé từ chối chăm sóc con và bỏ rơi chúng. Hai cô bé được đưa tới trại trẻ mồ côi Dhaka. Tháng 11/2007, người ta chuyển cặp song sinh tới Australia. Trước ca phẫu thuật, các bác sĩ cho hay, khả năng thành công chỉ chiếm 25%. Tuy nhiên, ca tách đã thành công ngoài mong đợi. Tháng 11/2010, một năm sau ca mổ, bé Trishna hồi phục kỳ diệu. Bé tự đi, hát, nhảy múa. Ảnh: EPA. |
Tách chi cho bé “4 chân, 4 tay” ở Ấn Độ
Bé Lakshmi Tatama chào đời năm 2005 với 8 chi tại quận Araria, Ấn Độ. Các chuyên gia y tế cho rằng thực chất bé Lakshmi bao gồm một người anh em song sinh với phần đầu và ngực phát triển chưa hoàn thiện. Ngày 6/11/2007, 30 bác sĩ tại bệnh viện Sparsh ở Bangalore, Karnataka phẫu thuật cho bé. Sau 27 giờ, ca mổ thành công tốt đẹp. Một tuần sau, các bác sĩ tại bệnh vện Sparsh tổ chức cuộc họp báo. Bé Lakshimi xuất hiện trong vòng tay của bố. Chân bé vẫn băng bó. Tiếp đó, các bác sĩ đã tiến hành những ca phẫu thuật tiếp theo để bé Lakshmi có thể đi lại bình thường. Ba tháng sau ca phẫu thuật đầu tiên, bé gái Ấn Độ sinh năm 2005 đã chống nạng đi lại được. Những ngày tháng sau đó, bé tới trường như bao bạn bè khác. Ảnh: Wiki. |
Tách khối u 7 kg ở mặt cô bé người Haiti
Marlie Casseus mắc chứng rối loạn xương khiến kết cấu xương của cô bị thay bằng các tế bào liên kết. Chứng bệnh khiến khối u nặng 7 kg xuất hiện trên mặt khi Marlie mới 14 tuổi. U khiến cô khó thở, khó ăn uống và nghe, đồng thời làm thị lực suy giảm. Không chỉ đau đớn về thể xác, cô bé người Haiti còn chịu sự xa lánh của bạn bè và hàng xóm vì khuôn mặt không giống ai. Marlie may mắn được một tổ chức phi lợi nhuận ở Haiti đưa tới Mỹ phẫu thuật. Giữa tháng 12/2005, các bác sĩ tại bệnh viện nhi Holtz thuộc Đại học Miami, bang Florida đã tách khối u cho cô bé. Sau 17 giờ, ca mổ thành công. Các bác sĩ cho rằng, cô bé người Haiti cần tiếp tục phẫu thuật trong thời gian sau nhưng khẳng định rằng khối u sẽ không mọc lại. Ảnh: International Kids Fund. |