Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

4G ở VN: Chuyện con gà quả trứng và vết xe đổ 3G

Việc các hãng công nghệ liên tục thúc đẩy phát triển 4G không có gì mới mẻ. Giờ là lúc cần đẩy mạnh phát triển việc kinh doanh thu hồi vốn và tăng trưởng lợi nhuận.

Trong lần trả lời phỏng vấn ICTnews “Qualcomm: Việt Nam triển khai 4G, nhưng vẫn cần đầu tư 3G”, ông Thiều Phương Nam – Giám đốc Qualcomm tại Đông Dương có nhận định rằng thời điểm này (cuối 2015 đầu 2016) là chín muồi để triển khai 4G tại Việt Nam. Vị này cũng nêu ra các lý do như: Công nghệ 4G trên thế giới đã chín muồi, giá thiết bị đầu cuối cũng đã rẻ đi nhiều, sớm triển khai 4G sẽ là cú hích tăng lượng người sử dụng internet di động tốc độ cao, thúc đẩy tăng trưởng đối với nền kinh tế… để bảo vệ cho quan điểm của mình.

Những ý kiến trên của vị đại diện Qualcomm tại Đông Dương là xác đáng, song, đối với các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động Việt Nam, đó mới chỉ là những điều kiện cần, còn câu chuyện khi đi vào chi tiết với những điều kiện đủ sẽ không hề đơn giản như vậy.

Liệu 4G-LTE đã thực sự cần thiết?

Vết xe đổ 3G

Chúng ta hãy cùng nhìn lại sự sôi động của thị trường dịch vụ viễn thông di động Việt Nam thời điểm những năm cuối của thập niên trước, khi 3G là một đợt sóng mạnh mẽ quét qua tất cả các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động. 

Việc Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức “thi tuyển” và “cấp bằng” khai thác dịch vụ băng rộng di động sử dụng công nghệ WCDMA (Mạng di động thế hệ thứ 3, gọi tắt là 3G) đã khiến cho việc chạy đua cạnh tranh để sở hữu giấy phép khai thác giữa các nhà mạng di động thời điểm đó vô cùng sôi động và quyết liệt đến những phút cuối cùng. 

Rất nhiều bài toán kinh doanh đa dịch vụ trên nền tảng 3G đã được các nhà mạng di động lúc đó xây dựng rất công phu và tỉ mỉ nhằm mục đích chứng minh với cơ quan chủ quản về tương lai tươi sáng khi dịch vụ 3G được cấp phép và đưa vào khai thác.

Tuy nhiên, sau 6 năm kể từ ngày dịch vụ 3G được nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam đưa vào khai thác, việc đánh giá về sự thành công của dịch vụ này cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều và rất khó có thể đưa ra được kết luận cuối cùng. 

Các nhà cung cấp dịch vụ thường nói nhiều đến tổng vốn đầu tư, quy mô mạng lưới, vùng phủ sóng và giá cước sử dụng dịch vụ 3G. Công bằng mà nói, Việt Nam thuộc vào hàng số ít các quốc gia trên thế giới có mức giá cước sử dụng dịch vụ 3G rẻ và nhiều lựa chọn, theo như khảo sát của IDG năm 2014.  

Chỉ từ một vài USD cho đến cao nhất là 10 USD/tháng, các “thượng đế” của thị trường dịch vụ viễn thông di động Việt Nam đã có thể sử dụng mạng 3G một cách dễ dàng. Không những vậy, các nhà mạng di động liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để “giành giật” thuê bao trong một môi trường vốn đã bão hoà từ lâu (tỷ lệ thâm nhập của thuê bao đi động đã vượt quá 100% dân số) khiến cho giá dịch vụ 3G càng ngày càng rẻ như mớ rau ngoài chợ.

Tất nhiên là khi mức giá càng ngày càng rẻ và có nhiều lựa chọn thì người tiêu dùng càng được hưởng lợi nhiều hơn. Nếu tư duy một cách logic, kết quả khảo sát về mức độ hài lòng của người tiêu dùng đối với dịch vụ 3G của các nhà mạng Việt Nam do một tổ chức quốc tế chuyên ngành khá uy tín thực hiện cách đây ít lâu lẽ ra phải là rất tích cực. 

Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng có tham gia vào cuộc khảo sát đó đều phàn nàn về chất lượng dịch vụ 3G tại Việt Nam là rất kém. Tốc độ truy cập không cao như quảng cáo, cách tính tiền, trừ cước dịch vụ còn có nhiều điểm bất hợp lý và không minh bạch. 

Phản bác lại kết quả trên, hầu hết các nhà mạng đều cho rằng những năm vừa qua họ đã đầu tư rất nhiều tiền bạc và công sức để xây dựng mới các trạm phát sóng, tăng cường mật độ phủ sóng cũng như cường độ phủ sóng để nâng cao chất lượng 3G cũng như liên tục giảm giá cước và đưa ra các chương trình khuyến mãi,thì không có lý gì khách hàng lại phàn nàn về chất lượng dịch vụ của nhà mạng như vậy.

Vậy thì giữa các nhà mạng và người tiêu dùng ai đúng, ai sai? Không có câu trả lời chính xác, vì các nhà cung cấp dịch vụ đã rất nỗ lực trong công tác đầu tư xây dựng hạ tầng mạng lưới thời gian qua với tổng số tiền đầu tư cho mạng 3G đã lên đến hàng chục tỷ USD, trong khi đó người sử dụng dịch vụ 3G vẫn thường xuyên gặp phải các vấn đề liên quan đến dịch vụ này, trong đó nhiều nhất là chất lượng và tốc độ truy cập. 

Câu trả lời có lẽ nằm ở sự vận động quá nhanh của thị trường dịch vụ và nội dung trên di động, trong đó các nhà cung cấp đa dịch vụ xuyên biên giới đang làm chủ cuộc chơi. Những “gã khổng lồ” trong thị trường này như Facebook, Google, Apple, Amazon cũng như các nhà cung cấp dịch vụ OTT như Viber, Line, Whatsapp, Skype đã trỗi dậy mạnh mẽ theo dòng thời gian phát triển của 3G và giờ đây trở thành người dẫn dắt cuộc chơi về dịch vụ và nội dung. 

Liên tục các dịch vụ mới ra đời, các nội dung phong phú đa dạng và thuận tiện cho người sử dụng được cập nhật hàng giờ trên các kho ứng dụng toàn cầu đã khiến cho nhu cầu của người sử dụng càng ngày càng tăng lên đối với dữ liệu di động về cả chất và lượng.  

Đây là một sự vận động khách quan của thị trường và không gì có thể ngăn cản được, chỉ có điều không may cho các nhà cung cấp dịch vụ 3G là sự vận động này diễn ra quá nhanh và mạnh, vượt quá tính toán của họ nên dẫn đến việc đầu tư nâng cấp mở rộng mạng lưới không theo được với tốc độ phát triển của thị trường dịch vụ và nội dung di động.

Một điểm quan trọng nữa chúng ta lại phải nhắc đến, đó là bài toán kinh doanh dịch vụ 3G thời gian đầu khi các nhà mạng tham gia “đấu thầu giấy phép” 3G so với thực tế triển khai vẫn là một khoảng cách xa. 

Các dịch vụ và nội dung do chính nhà mạng cung cấp trên thực tế vẫn rất nghèo nàn về cả số lượng cũng như nội dung so với cam kết ban đầu, điều này dẫn đến hai xu hướng: người tiêu dùng tìm đến các nhà cung cấp đa dịch vụ xuyên biên giới và dịch vụ 3G trở thành một  loại hàng hoá – dịch vụ thông thường. 

Theo lý thuyết kinh tế học vĩ mô, một khi một thứ hàng hoá trở thành hàng hoá thông thường thì tất yếu dẫn đến cạnh tranh về giá, và phần thiệt bao giờ cũng thuộc về các nhà cung cấp. Không những thế, việc cạnh tranh về giá còn làm ảnh hưởng đến chất lượng của dịch vụ, khiến cho người tiêu dùng “nổi giận” và uy tín của nhà cung cấp bị ảnh hưởng nặng nề. 

Đặc biệt là đối với thị trường Việt Nam, tỉ lệ thâm nhập của các thiết bị thông minh (smartphones, tablets) là khá cao và tăng nhanh, tuy nhiên, kiến thức của người tiêu dùng về công nghệ là không tương xứng nên có rất nhiều trường hợp tranh cãi căng thẳng đã xảy ra giữa nhà cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng về chất lượng dịch vụ.

Việt Nam đã sẵn sàng để nâng cấp lên mạng 4G LTE Qualcomm cùng các nhà mạng, hãng thiết bị và các cơ quan chính phủ tại Việt Nam đã chuẩn bị mọi tiền đề để triển khai mạng 4G LTE.

Triển khai 4G-LTE: Con gà có trước hay quả trứng có trước?

Rõ ràng là những thách thức mà các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động Việt Nam đã gặp phải trong quá trình triển khai 3G sẽ là những bài học lớn và bổ ích trong việc triển khai 4G-LTE. 

Trong những thách thức đó, sự phong phú, đa dạng và gần gũi với cuộc sống hàng ngày của các dịch vụ và nội dung trên di động của chính các nhà cung cấp dịch vụ trong nước sẽ là yếu tố then chốt quyết định sự thành công trong việc triển khai dịch vụ 4G.  

Bài toán đặt ra ở đây là vậy cần đầu tư xây dựng hạ tầng 4G-nhanh và mạnh ngay lập tức để chiếm lĩnh thị phần, hay là đầu tư phát triển các dịch vụ và nội dung đỉnh cao trên nền 3G-trước để thu hút người sử dụng? Câu hỏi này cũng giống hệt như chuyện con gà đẻ ra quả trứng hay quả trứng nở ra con gà, không có câu trả lời chính xác.

Câu trả lời chính xác nhất sẽ nằm ở chiến lược phát triển về mặt trung và dài hạn của mỗi nhà cung cấp, về tư duy chiến lược của lãnh đạo các doanh nghiệp đó do mục tiêu và tầm nhìn của mỗi doanh nghiệp là rất khác nhau. 

Ở một thị trường cạnh tranh mang tính mở và quyết liệt như một thị trường di động Việt Nam, việc thành công (một cách tương đối) nằm ở sự khôn ngoan trong cách nhìn nhận thị trường, phán đoán sự vận động của thị trường,đề ra các chiến lược phát triển trung-dài hạn cũng như các chiến thuật trong ngắn hạn. 

Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ cần tìm hiểu một cách kỹ lưỡng về các thị trường đi trước Việt Nam trong việc triển khai 4G như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vốn có nhiều nét tương đồng với thị trường Việt Nam để phần nào hình dung được viễn cảnh trong tương lai gần khi giới thiệu dịch vụ 4G ra thị trường. Thêm một điểm cần lưu ý đối với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động Việt Nam là khi triển khai dịch vụ 4G thì các yếu tố như tập khách hàng, vị trí địa lý để triển khai là rất quan trọng.

Thời gian gần đây, các nhà sản xuất cung cấp giải pháp, thiết bị và hạ tầng 4G cũng như các tổ chức sở hữu bản quyền về mặt công nghệ (ví dụ như Qualcomm) liên tục đưa ra các số liệu báo cáo thúc đẩy việc phát triển 4G. Điều này là không có gì mới mẻ khi các hãng thiết bị đã đầu tư nhiều tỷ USD cho công tác R&D, giờ là lúc cần đẩy mạnh phát triển việc kinh doanh thu hồi vốn và tăng trưởng lợi nhuận, hoặc như Qualcomm luôn muốn thúc đẩy việc xây dựng mạng lưới để phát triển việc sản xuất các thiết bị 4G thông minh mà qua đó họ thu được tiền bản quyền. 

Các nhà cung cấp dịch vụ cần sáng suốt trong việc tối ưu hoa đầu tư (theo tập khách hàng, theo vị trí địa lý) để nâng cao hiệu quả kinh tế, cũng như duy trì được chất lượng dịch vụ tốt cho người tiêu dùng. Đây là một điểm rất quan trọng và cần được các nhà cung cấp dịch vụ cân nhắc kỹ lưỡng. Câu chuyện về “nhà cung cấp ống rỗng” cũng như “hàng hoá thông thường” khi triển khai 3G sẽ vẫn có thể lặp lại nếu như dịch vụ 4G không được đầu tư một cách sáng suốt và thông minh.

http://ictnews.vn/vien-thong/trien-khai-4g-lte-tai-viet-nam-chuyen-con-ga-qua-trung-va-vet-xe-do-3g-130323.ict

Theo Đỗ Doãn Quý/ICTNews

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm