47% BCS của Việt Nam không đạt chất lượng?
Một báo cáo gần đây của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho hay, gần một nửa số bao cao su đang bán trên thị trường Việt Nam là hàng giả, có chất lượng kém, chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
Trang tin của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc nghi ngại: bao cao su bán tại các bệnh viện và phòng khám là do Bộ Y tế Việt Nam quản lý và được xác nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, theo báo cáo của UNFPA, khoảng 85% nguồn cung cấp bao cao su của Việt Nam là thuộc khu vực tư nhân, và 47% trong số đó không đạt tiêu chuẩn chất lượng, đa phần là nhập từ Trung Quốc.
Chất lượng bao cao su được đo bằng "Giới hạn Chất lượng chấp nhận được" (AQL), trong đó bao gồm tiêu chí chịu đựng nhiệt độ, thời gian sử dụng, và khả năng giữ chất lỏng hoặc áp suất không khí.
Bao cao su không đáp ứng tiêu chuẩn AQL sẽ có những lỗ siêu nhỏ, có thể để lọt dễ dàng nước hoặc không khí, dẫn đến nguy cơ lây lan các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho hay, gần một nửa số bao cao su hiện đang bán trên thị trường Việt Nam là hàng giả. |
Theo các dữ liệu gần đây nhất, số ca nhiễm HIV mới ở Việt Nam giảm mạnh trong khoảng từ năm 2007 đến năm 2009 và ổn định ở mức khoảng 14.000 trường hợp mỗi năm trong năm 2010 và 2011, và tỷ lệ sinh ở trẻ vị thành niên giảm từ 31 trên mỗi 1.000 thanh niên ở độ tuổi dưới 19 trong 2009 xuống 29 trong năm 2013, thấp hơn đáng kể so với nước láng giềng như Lào (65) và Thái Lan (41).
“Tuy nhiên, nếu trên thị trường Việt Nam đang tràn ngập bao cao su kém chất lượng, thì nguy cơ các bệnh lây truyền qua đường tình dục tăng cao sẽ rất dễ xảy ra”, UNFPA nghi ngại.
Không đạt chuẩn là sản phẩm trôi nổi
“Thông tin từ đại diện Quỹ dân số Liên hợp Quốc cho rằng, 47% bao cao su ở Việt Nam không đạt yêu cầu chất lượng là thiếu chính xác, không có cơ sở”, ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng Cục trưởng Cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình, Bộ Y tế khẳng định.
Nói về tác hại của việc sử dụng bao cao su trôi nổi kém chất lượng, bác sĩ nam khoa Nguyễn Bá Hưng, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vimec cho biết: bao cao su kém chất lượng có thể dẫn đến các bệnh nam khoa và viêm nhiễm và ảnh hưởng rất lớn tới công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình.
“Tôi đã gặp trường hợp bị rách bao cao su, lo sợ, nửa đêm gọi điện nhờ tư vấn. Đôi khi, còn có trường hợp vợ chồng quan hệ bằng bao cao su bị dị ứng. Trường hợp này chắc chắn bao cao su không đạt chuẩn. Bao cao su đạt chất lượng sẽ ngăn chặn lây lan của bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, giang mai...”, ông Hưng chia sẻ.
Theo ông Nhạc, đại diện Quỹ dân số Liên hợp Quốc nói bao cao su không đạt chất lượng là những sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Bao cao su của Bộ Y tế nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia đều đạt chất lượng. Sản phẩm cung cấp cho các bệnh viện và các trạm y tế cũng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế.
“Tất cả bao cao su nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia đã qua đấu thầu, kiểm tra khắt khe nên đại diện Quỹ dân số Liên hợp Quốc nói, gần nửa bao cao su ở Việt Nam không đạt chất lượng là không chính xác”, ông Nhạc nói.
Ngoài ra theo UNFPA, khoảng 85% nguồn cung cấp bao cao su của Việt Nam là thuộc khu vực tư nhân, và 47% trong số đó không đạt tiêu chuẩn chất lượng, đa phần là nhập từ Trung Quốc.
Ông Nhạc khẳng định, thông tin này cũng chưa có cơ sở và cho hay đến nay, Tổng Cục Dân số đã vận động người dân sử dụng bao cao su. Bao cao su được phát miễn phí ở trạm y tế, hoặc bán với giá rất rẻ, khoảng 500 đồng.
“Số bao cao su này chúng tôi nhập về đã được Nhà nước bao cấp nên đến tay người tiêu dùng giá vẫn rất rẻ và đạt chất lượng”, ông Nhạc nói.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình, bao cao su của Bộ Y tế tuy rẻ nhưng đạt chất lượng quốc tế. Ảnh: Vietnamnet |
Ông Nhạc cho biết, hiện nay Cục dân số đang phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc để tìm hiểu thị trường bao cao su trôi nổi, kém chất lượng tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu vẫn chưa được công bố. Dự kiến, trong thời gian tới, Tổng Cục dân số sẽ đưa ra các báo cáo cụ thể.
“Bao cao su thuộc quản lý của Bộ Công thương do các công ty nhập khẩu và phân phối. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ cùng Bộ Công thương sẽ đưa ra thông tin cụ thể về quản lý bao su”, vị này thông tin thêm.
Còn ông Đỗ Hữu Thủy, Trưởng phòng Truyền thông Cục phòng chống AIDS, Bộ Y tế khẳng định: bao cao su là vật phẩm y tế, Bộ Y tế sẽ đảm bảo chất lượng cho người dùng.
“Nhu cầu sử dụng bao cao su của người dân rất lớn. Do đó, việc đảm bảo số lượng, chất lượng cung ứng cho nhu cầu của người dân luôn được Bộ Y tế quan tâm. Bao cao su tại Việt Nam nếu nhập theo đường chính ngạch đều được kiểm soát chặt chẽ ”, Trưởng phòng Truyền thông Cục phòng chống AIDS trấn an.
Dán tem cho bao cao su vào Việt Nam
Trước đó, tại hội thảo về Chất lượng bao cao su tại Việt Nam, lãnh đạo Tổng cục Dân số cho rằng, để quản lý chất lượng bao cao su tốt hơn, cần phải dán tem tiêu chuẩn cho mặt hàng này nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ, hiện tại Việt Nam có khoảng 30 loại bao cao su khác nhau với các xuất xứ: Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Indonesia, và có loại không rõ xuất xứ.
Qua khảo sát cũng cho thấy, giá bán các loại bao cao su trên thị trường tự do dao động khoảng 1.500 - 30.000 đồng (trừ bao cao su do Tổng cục Dân số triển khai bán tiếp thị xã hội). Giá bán đắt hoặc rẻ của bao cao su trên thị trường tự do phụ thuộc vào xuất xứ và cấu tạo cũng như tác dụng của sản phẩm.
Bao cao su Nhật đắt nhất và rẻ nhất là loại có xuất xứ từ Trung Quốc. Bao cao su có hình thù con giống hoặc có gân, gai đắt hơn bao cao su cấu tạo bình thường. Như vậy, để đảm bảo quản lý chất lượng, Bộ Y tế cũng cần xây dựng thông tư công bố quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các loại sản phẩm, hàng hóa là phương tiện tránh thai nói chung và bao cao su nói riêng, nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Quy chuẩn quốc gia này áp dụng cho tất cả các hoạt động liên quan đến bao cao su.