Trước tình hình dịch bệnh viêm phổi mới diễn biến leo thang nghiêm trọng, chính phủ Anh tuyên bố rót thêm 46 triệu bảng Anh (60 triệu USD) để kiềm chế bùng phát và đẩy mạnh tiến độ tìm kiếm vaccine khống chế Covid-19.
4.600 USD cho ứng viên tham gia thử nghiệm
Theo Dailymail, một hãng nghiên cứu ở London tuyên bố sẽ trả khoảng 3.500 Bảng (4.600 USD) cho các tình nguyện viên tham gia thí nghiệm tìm vaccine khống chế virus chết người trên.
Để tham gia vào thí nghiệm, trung tâm phát triển Queen Mary Bio tại Whitechapel cần 24 ứng viên, tự nguyện nhiễm virus corona để hỗ trợ công tác đánh giá và phát triển vaccine chữa trị Covid-19.
Trung tâm nghiên cứu Queen Mary BioEnterprises trả tới 4.600 USD cho tình nguyện viên chấp nhận "chích" virus corona trong thí nghiệm tạo ra vaccine. Ảnh: Dailymail |
Theo quy trình, các tình nguyện viên sẽ được chích hai chủng virus yếu hơn, 0C43 và 229E, nhưng có tác dụng mang lại những triệu chứng bệnh tương tự như bệnh viêm phổi lạ. Số bệnh nhân này sẽ được cách ly trong vòng 2 tuần. Trong thời gian đó, các nhà khoa học của hãng nghiên cứu Hvivo sẽ quan sát theo dõi các ứng viên, đánh giá phản ứng với vaccine và không cho phép họ được liên lạc hay hoạt động thể lực trong thời gian này.
Thí nghiệm này là một trong những nỗ lực nghiên cứu trị giá tới 2 tỷ USD của các nhà khoa học trên toàn cầu đang chạy đua tìm ra vaccine kiềm chế Covid-19.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng nhân loại sẽ không kịp tìm vaccine đặc trị để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh. Trong khi đó, ước tính đã có hơn 110.000 người trên thế giới bị nhiễm Covid-19 trong khi số ca lây nhiễm và tử vong đang bùng nổ mạnh mẽ ở châu Âu.
Cơ quan quản lý dược và sản phẩm chăm sóc sức khỏe Anh sẽ ủng hộ các nghiên cứu trên của hãng Hvivo sau khi có thông báo về ca tử vong thứ 3 ở Anh. Tính đến ngày 9/3, Anh đã ghi nhận 280 bệnh nhân dương tính với Covid-19. Chính phủ Anh cam kết sẽ tài trợ thêm tới 46 triệu bảng trong cuộc chiến chống lại virus corona.
Trước tình hình dịch bệnh leo thang nghiêm trọng, Thủ tướng Anh Boris Johnson phải kêu gọi các bộ trưởng nước này tham dự cuộc họp khẩn cấp để tìm ra phương án phản ứng. Nước này đang cân nhắc có nên chuyển từ giai đoạn “chống dịch” sang giai đoạn “trì hoãn” trong bối cảnh nước này đang vật lộn với công tác kiểm soát dịch bệnh.
Kịch bản tồi tệ nếu không kịp tìm ra vaccine
Trong khi đó, các hãng dược trên thế giới cũng đang khẩn trương nghiên cứu tìm ra vaccine giúp kiềm chế dịch bệnh Covid-19 trên các nguồn hiểu biết thu thập được từ Đại học Oxford, Đại học Hoàng gia London, Đại học Queensland và Baylor…
Có khoảng 35 đơn chế tạo vaccine được thông qua bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhưng trong đó không có hãng Hvivo. Cathal Friel, chủ tịch điều hành của Open Orphan, công ty mẹ của Hvivo, cho hay hãng sẽ “tiên phong trong cuộc chiến chống lại sự bùng phát của dịch bệnh này”.
Anh cam kết rót thêm 46 triệu bảng Anh (60 triệu USD) cho trận chiến chống lại virus corona. Ảnh: Getty. |
Song song, các nhà nghiên cứu ở Seattle cũng bắt đầu tìm tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng cho các nghiên cứu của hãng Moderna Therapeutics, theo Theo Wall Street Journal. Các thử nghiệm dự kiến tiến hành vào cuối tháng 4, ước tính kéo dài trong 14 tháng. Các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm này sẽ được trả 1.100 USD mà không cần cách ly.
Hiện dịch bệnh do Covid-19 vẫn tiếp tục lan nhanh và số ca nhiễm đã xuất hiện ở hơn 100 quốc gia. Tuy nhiên, nghiên cứu và phát triển một phương pháp điều trị bệnh mới cần tới nhiều năm do trải qua nhiều giai đoạn cực kỳ phức tạp và tốn kém. Sau khi nghiên cứu ra sản phẩm, cần thực hiện tiếp quá trình nghiên cứu lâm sàng huy động tới hàng nghìn người tham gia để theo dõi độ an toàn, khả năng dung nạp và hiệu quả trên cơ thể người. Tiếp đó, ngay cả khi đã được chứng minh là có tác dụng thì vẫn cần tiếp quá trình tiêu tốn hàng tỷ USD để sản xuất trên diện rộng.
Bộ trưởng thứ nhất của Scotland, Nicola Sturgeon đã buộc phải tính đến “kịch bản xấu nhất” có thể xảy ra ở Anh, đó là dịch bệnh viêm phổi mới có thể gây ra cái chết cho hơn 100.000 người ở nước này.
Hôm 9/3, nước Anh vừa trải qua ngày đen tối nhất khi chứng kiến sự gia tăng mạnh nhất của số ca nhiễm mới, trong khi Bắc Ireland cũng đã xác nhận ca nhiễm virus đầu tiên. Người đứng đầu các cơ quan y tế nước này đang đối mặt với những câu hỏi nghiêm trọng khi để lọt các du khách mang theo mầm bệnh từ Italy. Các quan chức cho hay các du khách vẫn có thể vào Anh mà không gặp rào cản nào. Trong khi đó, các chuyến bay đến từ Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan và Malaysia vẫn đang được giám sát nghiêm ngặt.
Bộ Y tế Công của Anh từ ngày 4/3 đã tuyên bố áp dụng “giám sát tăng cường” trên cả các chuyến bay từ miền bắc Italy, nhưng họ lại bỏ qua nguy cơ trên các chuyến bay đến từ niềm nam nước này.