Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

4.500 người di cư thoát chết trong một ngày

Chỉ trong ngày 19/9, có lẽ hơn 4.000 người di cư đã chết nếu lực lượng quốc tế không phát hiện họ trên biển Địa Trung Hải.

vman
Những người di cư trên một xuồng cao su bất lực khi động cơ hỏng trên biển Địa Trung Hải hôm 20/9. Họ rời Thổ Nhĩ Kỳ và cố gắng tới đảo Kos của Hy Lạp. Ảnh: Reuters

Trong khi Đông Âu đang chia rẽ sâu sắc về vấn đề tiếp nhận hơn 100.000 người di cư trên đất liền, trong ngày 19/9, một chiến dịch hùng hậu của các tổ chức phi chính phủ (NGO) và nhân đạo quốc tế, lực lượng bảo vệ bờ biển Italy, hải quan Đức đã tiếp tục cứu thành công 4.500 người di cư - bao gồm nhiều phụ nữ và trẻ em trên biển Địa Trung Hải, ngoài khơi Libya.

“Những người đó bị nhồi nhét trên 20 thuyền chật hẹp và nguy hiểm. Họ đang có ý định di chuyển về phía các cảng biển miền Nam Italy”, một nhân viên nhân đạo phi chính phủ cho biết.

Theo các bác sĩ thuộc Tổ chức bác sĩ không biên giới, những người được giải cứu có nhiều quốc tịch khác nhau bao gồm Nigeria, Somalia, Libya, Syria và các quốc gia đông Phi. Lực lượng giải cứu phát hiện thi thể một phụ nữ thiệt mạng, nhưng không người nào chết trong quá trình giải cứu. Hôm 18/9, hơn 100 người cũng được cứu sống ở ngoài khơi vùng biển Libya. Tuy nhiên 7 người đã chết đuối, bao gồm một trẻ em.

Tại Hy Lạp, lực lượng bảo vệ bờ biển cũng vớt được thi thể của một bé gái ngoài khơi đảo Lebos, trong khi đó 13 người khác có thể đã mất tích. Cách đây vài ngày, 11 người cũng được  cứu khi đang cố vượt qua vùng biển giáp ranh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và đảo Lebos, Hy Lạp.

Tổ chức di cư quốc tế (IOM) cho biết, trong cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất lịch sử châu Âu từ đầu năm nay, hơn 430.000 người di cư vượt biển Địa Trung Hải, 309.000 người đã đến các đảo của Hy Lạp và 3/4 trong số đó là người Syria. Trong quá trình đi tìm cuộc sống mới, 2.800 người, đa số là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng.

“Nhiều thảm họa di cư trên biển sẽ xảy ra nếu các quốc gia châu Âu tiếp tục chậm trễ trong việc tìm một giải pháp tốt nhất. Việc các quốc gia tăng cường kiểm soát và đóng cửa biên giới trong mấy ngày gần đây càng khiến tình trạng thêm tồi tệ”, ông Leonard Doyle, phát ngôn viên của IOM, bình luận.

Hoàng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm