Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy - Giảng viên cao cấp bộ môn Truyền nhiễm Đại học Y Hà Nội, Cố vấn khoa nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - Whitmore đang bị hiểu lầm là vi khuẩn "ăn thịt người". Điều đó khiến người dân hoang mang. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, người dân cần có hiểu biết đúng về căn bệnh này.
Whitmore không phải vi khuẩn ăn thịt người
Vi khuẩn gây bệnh Whitmore có tên khoa học là Burkholderia pseudomallei. Đây một loại vi khuẩn gram âm, yếu, tồn tại trong bùn, đất và chỉ lây nhiễm cho con người thông qua các vết xước, vết thương ngoài da. Vi khuẩn này chỉ có nguy cơ xâm nhập cao vào cơ thể có đề kháng kém như các bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính.
Bệnh nhân không được điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh sẽ gây ra hoại tử các tổ chức. Các tổ chức vi khuẩn hay tấn công là xương cánh mũi, xương hàm, các tổ chức cơ tay và chân.
"Trường hợp bị nặng mới gây hoại tử. Vi khuẩn Whitmore không có khả năng ăn các tế bào nên không thể gọi là vi khuẩn 'ăn thịt người' như nhiều người nhầm tưởng. Hiểu lầm này sẽ gây tâm lý hoang mang cho người dân", PGS Huy cho hay.
Không lây từ người sang người
Whitmore hoàn toàn không phải là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người khi tiếp xúc nói chuyện. Đó cũng không phải là virus ký sinh trên động vật, thực vật và con người. Đây chỉ là căn bệnh nhiễm trùng cơ hội, không dễ mắc, ít gặp ở người có sức khỏe bình thường.
Bệnh Whitmore có thể lây nhiễm qua đường không khí nhưng với xác xuất rất nhỏ. Trong môi trường ô nhiễm khói bụi nặng, vi khuẩn mới có thể xâm nhập vào cơ thể con người có đề kháng kém.
Bệnh không dễ dàng lây lan, do đó, người dân không phải quá lo lắng coi căn bệnh này là căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ.
Không gây ra dịch
Bệnh Whitmore không phải là hiếm, thường xuyên có mặt ở môi trường ô nhiễm nhưng không có khả năng gây ra dịch. Người mắc bệnh thường lẻ tẻ chứ không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch.
Nếu thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường bùn đất, nơi vi khuẩn whitmore cư trú, việc nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore là điều khó tránh khỏi.
Đặc biệt, những người có cơ địa yếu, sức đề kháng kém, nguy cơ nhiễm bệnh càng cao. Đối với những bệnh nhân này, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bởi sức đề kháng của họ đã suy giảm, khó có khả năng phản ứng tốt với vi khuẩn.
Những người có sức đề kháng cao, sức khỏe tốt, trong lao động không may để xảy ra xước chân tay, nếu được vệ sinh sạch sẽ, băng bó cẩn thận và khử trùng tuyệt đối, hoàn toàn có thể phòng tránh được việc nhiễm Whitmore. Người bệnh cần cách ly với môi trường bùn đất đến khi vết thương đã lành và khỏi hẳn.
Bệnh cần được chữa dứt điểm
Người bệnh whitmore nếu tuân thủ đúng pháp đồ của bác sĩ sẽ được điều trị khỏi, không để lại biến chứng. Sau khi người bệnh đã hoàn toàn ổn định về lâm sàng, cắt cơn sốt, sức khỏe phục hồi, phải tiếp tục uống thuốc dự phòng. Tuy nhiên, nhiều người bệnh khi thấy cơ thể khỏe lại, không thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ, không uống thuốc kháng sinh để diệt hết mầm mống vi khuẩn vẫn còn trong máu. Sai lầm này khiến bệnh dễ dàng tái phát.