Chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số và phần lớn thời gian dành để online. Việc sắm sửa lễ Giáng sinh cũng không phải là ngoại lệ.
Nhưng kể cả có kinh nghiệm dày dặn khi mua sắm trực tuyến, chúng ta vẫn nên cảnh giác với những chiêu trò gian lận nhằm “móc túi” đầy rẫy trên mạng. Những kẻ lừa đảo online ngày càng sử dụng nhiều phương thức tinh vi hơn để lấy tiền của người dùng.
Giáng sinh là dịp mà những kẻ lừa đảo trên mạng hoạt động mạnh. Ảnh: Getty Images. |
Ở Anh, những kẻ đó đã lừa hơn 15 nghìn người với số tiền lên đến hơn 11 triệu bảng trong dịp Giáng sinh năm ngoái, theo báo cáo từ tổ chức Action Fraud.
Vì vậy, dưới đây là những điều nên lưu ý trước khi thực hiện bất kỳ thanh toán nào.
Đảm bảo an ninh tối đa
Action Fraud khuyên người mua hàng nên cài đặt các bản cập nhật cho ứng dụng và dùng các phần mềm chính hãng mới nhất.
Tội phạm công nghệ thường đánh vào điểm yếu ở phần mềm vi tính để tấn công thiết bị điện tử của người dùng và từ đó ăn cắp dữ liệu, thông tin, đơn cử như chi tiết của những hóa đơn thanh toán trực tuyến.
Người dùng nên sử dụng những phần mềm bản quyền và luôn cập nhật chúng. Ảnh: Getty Images. |
Bên cạnh đó, thanh toán qua thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ sẽ an toàn hơn khi thanh toán bằng tiền mặt, chuyển khoản hay ngân phiếu.
Nghĩ kỹ trước khi mua đồ điện tử hay áo quần hàng hiệu
Action Fraud cho biết điện thoại di động là mặt hàng phổ biến nhất mà những kẻ lừa đảo trên mạng đánh vào thị trường trực tuyến. Các nạn nhân được cho là bị cuốn hút bởi những “deal” hấp dẫn với những mẫu smartphone nổi tiếng nhất. IPhone chiếm 74% lượng giao dịch lừa đảo online.
Máy chơi game, áo quần hàng hiệu, hay máy vi tính cũng xuất hiện nhiều trong báo cáo này. MacBook của Apple và UGG Boots là 2 sản phẩm mà những kẻ lừa đảo đã lấy tiền khách hàng nhưng không bao giờ giao chúng.
Tự hỏi liệu các giá ưu đãi đó có vô lý không
Theo đánh giá từ trang bảo mật NordVPN, các tội phạm công nghệ dùng hai kỹ thuật chính để lừa khách hàng trong mùa lễ hội: những mức giá thấp nhất và lừa đảo qua email.
Nếu giá ưu đãi thấp đến độ vô lý, sản phẩm đó có thể không có thật. Nhiều trang web tồn tại chỉ để lấy cắp dữ liệu người dùng.
Khi thực hiện thanh toán trực tuyến hoặc nhập bất kỳ thông tin cá nhân nào, trước hết nên kiểm tra xem đường dẫn URL bắt đầu bằng “https” hay “http”. Chữ “s” có nghĩa kết nối đó an toàn hơn.
Thủ đoạn của tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi. Ảnh: iStock. |
Người mua tốt nhất nên truy cập vào các trang bán hàng uy tín hoặc bản thân đã từng mua trước đó. Đối với một địa chỉ mua sắm mới, người tiêu dùng phải đặt ra những câu hỏi sau: Công ty có tương tác trên các phương tiện truyền thông xã hội không? Có bất kỳ đánh giá nào của khách hàng không? Có bất kỳ khiếu nại về việc gửi thư rác (spam) không?
Một bước quan trọng nữa là kiểm tra email, số điện thoại hoặc địa chỉ công ty. Nếu không tồn tại bất cứ dữ liệu nào trong những yếu tố trên, đó có thể là công ty giả mạo.
Cẩn thận với các lời “chào hàng” trên mạng xã hội
Martin Lewis từ trang tài chính Money Saving Expert cảnh báo, nhiều giao dịch “ảo” xuất hiện trên các ứng dụng mạng xã hội. WhatsApp đã ghi nhận được những trường hợp như vậy.
Thay vì vội vã tin vào những “món hời” trên mạng, hãy vào trực tiếp trang bán hàng chính hãng để đối chiếu thông tin sản phẩm. Đặc biệt lưu ý, những kẻ lừa đảo cũng có thể tạo ra những trang bán hàng giả mạo gần giống như trang gốc mà người dùng không hề hay biết.