Đi qua tâm bão
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay số lượng các TCTD đã giảm 17 đơn vị so với 4 năm trước (thông qua các hình thức sáp nhập, hợp nhất hoặc thanh lý (có 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang trong quá trình thanh lý). Có 8 cái tên biến mất trên thị trường gồm: MDBank, MHB, DaiABank, Ficombank, TinNghiaBank, SouthernBank, WesternBank, Habubank. Cả hệ thống chỉ còn 34 NHTM, thay vì 42 như trước.
Nhìn lại 4 năm tái cơ cấu, PGS- TS Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội nhận xét: “Sau cuộc “đại phẫu” vừa qua, tôi đánh giá số lượng NHTM đang tồn tại và phát triển ở mức vừa phải. Vấn đề quan trọng không phải thừa hay thiếu, ít hay nhiều mà là kiểm soát bộ máy hoạt động làm sao hiệu quả, an toàn”. Về chất lượng, ông Ngân phân tích: Các TCTD yếu kém về cơ bản đều phục hồi khá tốt theo phương án được duyệt, từng bước xử lý lỗ lũy kế, nợ xấu, tăng trưởng tốt và kinh doanh có lãi, mức độ an toàn, tình hình tài chính lành mạnh.
4 năm tái cơ cấu, không có ngân hàng phá sản, chỉ bị mua lại 0 đồng. |
TS Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, dù vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý nợ, nhưng hệ thống TCTD vẫn đảm bảo sinh lời. Ngoại trừ 3 TCTD thua lỗ, lợi nhuận sau thuế của cả ngành ngân hàng năm 2014 khoảng 34.000 tỷ đồng, tăng 5,3% so với 2013 và tăng 13,8% so với 2012. “Hệ thống TCTD vẫn duy trì và đảm bảo nghĩa vụ đóng góp đối với NSNN”, ông cho biết.
Ngân hàng phá sản, tại sao không?
Nếu như trước đây NHNN chỉ sở hữu cổ phần ở 5 ngân hàng Agribank, Vietcombank, BIDV, Vietinbank và MHB, đến nay con số ấy đã tăng lên gấp đôi (gồm sở hữu thêm 100% vốn của 3 ngân hàng mua lại 0 đồng là VNCB, OceanBank và GP.Bank).
Câu chuyện mua ngân hàng 0 đồng đến nay vẫn “nóng” về cơ sở pháp lý. Đây là biện pháp xử lý mạnh tay, khẳng định quyết tâm của Chính phủ và NHNN trong việc kiên quyết xử lý triệt để ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, không ít thắc mắc về việc nhiều cổ đông bỗng chốc mất vốn.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO cho rằng, quá trình xử lý 3 ngân hàng nói trên ảnh hưởng khá mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư nói chung, của các cổ đông ngân hàng nói riêng. “Rất cần thiết phải công bố thông tin một cách cụ thể, đầy đủ, kịp thời, minh bạch và giải thích rõ ràng, chính xác về cơ sở pháp lý, cũng như thực trạng của các ngân hàng bị mua với giá 0 đồng”, ông Đức nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng lưu ý, Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam đã đánh giá giải pháp NHNN mua lại chỉ nên là bước đi đầu tiên hướng đến khuôn khổ phù hợp về thanh lý và phá sản ngân hàng. Thông qua đó, nguyên tắc kỷ luật thị trường được tăng cường đối với cả cổ đông và người gửi tiền. “Để một ngân hàng phá sản sẽ là một bài học tốt cho cả giới ngân hàng lẫn người dân gửi tiền, một biện pháp hữu hiệu chống lại thói “ỷ thế làm liều” của cả hai bên.
Hơn nữa, để các TCTD yếu kém phá sản sẽ công bằng hơn, vì như vậy Nhà nước sẽ không phải can thiệp giải cứu dựa trên tiền thuế từ những người dân không được lợi gì từ những ngân hàng này”, bà Nga khuyến nghị.
Theo tìm hiểu, được biết, để cân đối hoạt động, NHNN đã phải trình xin Thủ tướng Chính phủ một cơ chế đặc biệt: cho ba ngân hàng 0 đồng một mức vốn điều lệ danh nghĩa. Theo kịch bản của NHNN, nếu có sự hỗ trợ của cơ chế chính sách, sự phối hợp của các ban ngành chức năng, triển khai phương án kinh doanh mới chặt chẽ, điều kiện thị trường không quá xấu đi, ba ngân hàng trên có thể hồi lại được mức vốn điều lệ thực trong vòng 5 năm. Còn hiện tại, vốn điều lệ là danh nghĩa, để tham chiếu cho các tỷ lệ an toàn, đặc biệt là về giới hạn tín dụng. Vì để những ngân hàng đó hoạt động và tìm cách khắc phục những tồn tại, họ phải được cho vay mới.
“Quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã đạt được thành công nhất định, phù hợp với “thể trạng”, tình hình kinh tế của nước ta. Trong bối cảnh không có “tiền tươi, thóc thật”, cách tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu đặt an toàn hệ thống ngân hàng lên hàng đầu là phương án tối ưu”.
PGS. TS Trần Hoàng Ngân