Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mua NH 0 đồng là biện pháp sáng tạo và đủ căn cứ pháp lý

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đứng ra mua 3 ngân hàng yếu kém bị kiểm soát đặc biệt là hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật và thông lệ quốc tế.

Đó là quan điểm thống nhất của nhiều Đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc hội thảo do Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội tổ chức mới đây.

Bà Lê Thị Nga – Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: “Trước đây nghe qua, tôi cũng thấy cũng băn khoăn. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ thì tôi thấy an tâm về căn cứ pháp lý cũng như trình tự thực hiện. Sự có mặt của NHNN đồng nghĩa Nhà nước đảm bảo cho tiền gửi của dân chúng. Đây là giải pháp phù hợp và khả thi nhất tại thời điểm này”.

Cụ thể hơn, Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật Basico giải thích, về mặt pháp lý, 3 ngân hàng TMCP trên đều rơi vào ít nhất một trong các trường hợp áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt theo quy định tại khoản 3, Điều 146 về “Áp dụng kiểm soát đặc biệt”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

Đó là: Có nguy cơ mất khả năng chi trả; nợ không có khả năng thu hồi có nguy cơ dẫn đến mất khả năng thanh toán; khi số lũy kế lớn hơn 50% giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán; hai năm liên tục bị xếp loại yếu kém; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong thời hạn một năm liên tục… 

Sau khi áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt, NHNN đã quyết định mua lại 3 NHTMCP nói trên với giá 0 đồng, dựa trên cơ sở pháp lý là: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, Luật Các TCTD năm 2010, Luật Doanh nghiệp năm 2005 và 2014, Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng phê duyệt Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011-2015 và Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể thấy, các quyết định của NHNN đều dựa trên căn cứ pháp luật nhằm giải quyết tình thế là cần thiết, có ý nghĩa sống còn, tránh nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đồng thời có tác dụng hữu hiệu trong việc chặn đứng tình trạng bất tuân thủ các yêu cầu, điều kiện bảo đảm an toàn đối với hoạt động ngân hàng.

Đồng quan điểm về các căn cứ pháp lý, TS Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng: “Trong các biện pháp tái cơ cấu, giải pháp mua lại TCTD yếu kém với giá 0 đồng là phù hợp và đầy sáng tạo”. 

Ông Nghĩa lý giải thêm: “ Những ngân hàng yếu kém rất chây ỳ trong tái cấu trúc. Để chấm dứt được tình trạng chây ì, mặc cả, chúng ta phải nhanh chóng xử lý, cho nên NHTƯ phải nhảy vào thì mới có thể chấn chỉnh toàn bộ hoạt động, minh bạch nợ nần và tài sản đảm bảo, tái cấu trúc, thì mới có người mua”. 

Với câu hỏi có nhất thiết NHNN phải đứng ra mua không và tại sao NHNN phải gánh nợ, ông Nghĩa khẳng định: “Thực ra NHNN không phải gánh trách nhiệm nợ. NHNN sẽ chấn chỉnh lại, làm minh bạch, bộc lộ toàn bộ điểm yếu của các Ngân hàng TMCP đã mua, sau đó NHNN sẽ chuyển nhượng cho ngân hàng khác hoặc cổ đông khác. Từ đó kết thúc trò chây ỳ, bất chấp thị trường bên ngoài”. 

Ý kiến này cũng được TS Trần Du Lịch chia sẻ: “Tôi tin rằng NHNN mua ngân hàng này là mua cơ chế bằng quyền của mình và uy tín của mình để nó phục hồi và tự phát triển chứ NHNN không phải mất tiền để trả nợ thay cho nó”.

Dẫn chứng từ trường hợp Ngân hàng Bearing của Anh trước đây cũng lâm vào tình trạng tương tự và NHTW Anh đứng ra mua với giá 1 đồng, TS. Trần Du Lịch phân tích: “Vấn đề đặt ra là tại sao không ai mua mà NHTW mua. 

Xin thưa rằng, trong điều kiện Việt Nam, đối với những ngân hàng âm vốn này thì không có ai đủ uy tín có thể mua mà người ta đem tiền gửi hết cả trừ NHTW. Mà điều kiện quyết định để các ngân hàng này phục hồi được hay không là dân còn gửi tiền hay không. 

Chứ còn người ta không gửi tiền thì coi như chết. Điều kiện sống còn của NHTM là dân có gửi tiền hay không. Thành ra trong điều kiện này không một tổ chức kinh tế nào có khả năng mua 0 đồng mà không phải là NHTW, vì chỉ có NHTW mới có quyền bơm thanh khoản để tạo hơi cho anh để phục hồi, đây là cái mà chúng ta thấy tại sao NHNN phải làm”. 

Tuy đồng ý về mặt pháp lý, song các chuyên gia cũng cho rằng biện pháp này chỉ mang tính chất tình thế, ngắn hạn trong bối cảnh Chính phủ chủ trương không để phá sản ngân hàng nhằm đảm bảo ổn định vĩ mô. 

Về lâu dài, khi điều kiện cho phép, nếu ngân hàng rơi vào tình trạng đặc biệt yếu kém cần thiết phải cho phá sản một cách công khai, minh bạch nhằm tạo sự răn đe, “làm gương” cho các ngân hàng khác, qua đó giữ nghiêm tính kỷ cương, kỷ luật của thị trường.

'Mất hết vốn thì mua bằng 0, sao đánh đồng với quốc hữu hoá'

Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia lên tiếng trước một số ý kiến xem Ngân hàng Nhà nước mua VNCB, OceanBank, GP.Bank với giá 0 đồng cũng giống như "quốc hữu hóa".

 

Minh Phương

Bạn có thể quan tâm