Nhiều chuyên gia giáo dục nhìn nhận sở hữu kỹ năng làm chủ bản thân càng sớm, người trẻ càng nhanh chóng đạt được những mục tiêu cá nhân.
Với những học sinh cuối cấp THPT đang phải đối mặt với sự căng thẳng, áp lực của kỳ thi tốt nghiệp và ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp, kỹ năng tự chủ mang đến sự hỗ trợ cần thiết hơn bao giờ hết.
Việc nhận thức được khả năng, thấu hiểu được nhu cầu cũng như thế mạnh và điểm yếu của bản thân sẽ giúp các sĩ tử rõ ràng trong việc lựa chọn ngành học phù hợp, đồng thời giúp các bạn hoạch định được mục tiêu cụ thể, nắm chắc “suất” vào đại học.
Zing News chia sẻ 4 cách giúp các sĩ tử có thể vận dụng rèn luyện kỹ năng tự chủ, kiểm soát thói quen cùng cảm xúc của bản thân, và đưa ra phản ứng thích hợp với từng tình huống.
Thấu hiểu bản thân
Một trong những kỹ năng để quản trị tốt bản thân là thấu hiểu chính mình, nhìn nhận rõ năng lực cũng như điểm yếu sẽ giúp mỗi người có thể khắc phục và cải thiện qua từng thời điểm.
Với các sĩ tử trong thời điểm “dầu sôi lửa bỏng”, việc nhìn nhận đúng khả năng và đam mê có thể giúp các bạn tìm được ngành học phù hợp, gắn bó lâu dài. Việc nắm bắt được các điểm mạnh của mình còn giúp thí sinh có thể tỉnh táo chọn lựa chuyên ngành đúng với năng lực, hạn chế tình trạng chạy theo xu hướng, bắt “trend” nhưng không thật sự đam mê.
Học sinh cuối cấp có thể tham gia các buổi tư vấn tuyển sinh để tìm hiểu ngành học mình thích. |
Nhìn nhận đúng về bản thân cũng mang đến động lực cải thiện điểm chưa tốt, trau dồi thêm về năng lực, giúp học sinh không chỉ khám phá được tiềm năng của bản thân, mà có thể trở nên tốt hơn mỗi ngày.
Mặt khác, khi hiểu được năng lực của mình, các bạn cũng dễ dàng trao đổi, thuyết phục cha mẹ về ngành học mong muốn theo đuổi, giảm bớt áp lực về kỳ vọng và gánh nặng đặt lên vai mình về kết quả thi cử, xét tuyển.
Cân bằng cảm xúc
Học sinh THPT nói chung và các sĩ tử sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp nói riêng đang gặp phải nhiều vấn đề, trong đó phổ biến nhất là áp lực từ kỳ vọng của gia đình, nhà trường về kết quả học tập, lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai.
Những kỳ vọng từ phía cha mẹ, nhà trường hay mong đợi xã hội, thậm chí cả những yêu cầu thí sinh tự đặt ra cho bản thân đều là những yếu tố khiến áp lực dồn lên vai các bạn nhiều hơn. Việc kiểm soát cảm xúc tại thời điểm này cũng trở nên nhạy cảm hơn, nhiều bạn trẻ gặp khó khăn khi đầu óc căng thẳng, stress.
Theo báo cáo tổng hợp được đăng trên tờ Washington Post, hơn 47% học sinh cuối cấp THPT gặp rắc rối và áp lực khi phải lựa chọn trường đại học hay ngành học cho tương lai. Báo cáo này cũng chỉ ra, học sinh cuối cấp thường xuyên gặp tình trạng quá tải cảm xúc, dễ buồn bã hơn so với học sinh ở các khối khác.
Chính vì thế, việc có thể cân bằng tâm trạng, tập luyện thói quen quản lý cảm xúc hay thay đổi góc nhìn để tự tin, thấu đáo hơn trong mọi quyết định là kỹ năng mà học sinh cuối cấp cần rèn luyện.
Các chuyên gia tâm lý nhận định việc có cảm xúc cân bằng sẽ giúp thí sinh dễ dàng tập trung, làm chủ các mục tiêu hơn, tạo được động lực và kỷ luật cho bản thân để theo đuổi kế hoạch, nhất là trong giai đoạn “nước rút” để chuẩn bị thi tốt nghiệp.
Quản lý thời gian
Sử dụng thời gian hiệu quả là kỹ năng quan trọng để tạo thành thói quen tốt và duy trì được kỷ luật cho bản thân. Sắp xếp công việc và hoàn thành chúng trong thời gian theo kế hoạch sẽ giúp các sĩ tử kết hợp được nghỉ ngơi và học tập để có kết quả tốt nhất.
Lập thời gian biểu cho các hoạt động trong ngày được xem là biện pháp quản lý thời gian hiệu quả dành cho các sĩ tử đang ôn luyện. Theo đó, việc lập kế hoạch trong ngày cũng cần sắp xếp thời gian hợp lý giữa việc học, ăn uống, ngủ nghỉ và giải trí.
Lập thời gian biểu và theo sát lịch trình là cách giúp các sĩ tử cân bằng được khối lượng bài vở cần học. |
Song song, không ít học sinh có thể lập ra thời gian biểu nhưng không thể kiên trì theo đuổi liên tục. Vì vậy, khi đề ra kế hoạch cho bản thân, các thí sinh cần cố gắng theo sát lịch trình, tuân theo những nguyên tắc nhất định để có được kết quả tốt nhất.
Sắp xếp sự ưu tiên
Nhấn mạnh về những áp lực đè nặng lên học sinh cuối cấp, báo cáo trên tờ Washington Post nhận định “chỉ tương lai thôi đã là điều đáng sợ và việc trở thành ‘người lớn’ là một trong những giai đoạn chuyển tiếp đầy thách thức nhất trong cuộc đời của thanh thiếu niên”.
Phải đưa ra quá nhiều lựa chọn quan trọng ảnh hưởng đến tương lai ngay tại cùng một thời điểm khiến nhiều thí sinh rơi vào trạng thái quá tải, “ngộp”.
Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng trong trường hợp này, học sinh nên có sự sắp xếp thứ tự ưu tiên của bản thân trong các lựa chọn. Giải pháp này giúp tránh được việc thí sinh phải chịu quá nhiều áp lực cùng lúc, dễ dẫn đến những lựa chọn sai lầm.
Ngoài việc xác định thế mạnh, cách ôn thi hiệu quả hay năng lực bản thân, việc xác định ngành học, trường học lẫn phương thức xét tuyển cũng cần thí sinh lựa chọn kỹ càng.
Trường hợp muốn giảm bớt kỳ vọng cũng như gánh nặng tâm lý cho bản thân, gia đình, tìm kiếm cơ hội cao khi bước chân vào đại học, các bạn có thể cân nhắc những phương thức xét tuyển không chịu quá nhiều áp lực như xét học bạ.
Xét tuyển học bạ mang đến cơ hội “sáng giá” để các sĩ tử nắm chắc tấm vé vào đại học. |
Phương thức này có thể là chìa khóa để các thí sinh chắc suất bước vào giảng đường đại học. Hiện, tuyển sinh bằng xét tuyển học bạ mang đến cho sĩ tử rất nhiều lựa chọn.
Thông thường, các trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ từ tháng 2 và thường kéo dài đến tháng 8. Song, nếu muốn nắm chắc ưu thế, thí sinh đã chọn được nghề nghiệp và ngành học lý tưởng có thể đăng ký ngay từ đợt đầu tiên.
Điển hình, trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) đã bắt đầu nhận hồ sơ theo phương thức xét học bạ từ ngày 16/2 và nhận đến 31/5. Năm 2023, UEF dành 70% chỉ tiêu xét học bạ, gồm xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn (30%) và xét học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (40%). Điểm trung bình xét tuyển cả 2 phương thức là 18 điểm cho tất cả ngành đào tạo.
Ưu tiên những phương thức xét tuyển phù hợp để tìm kiếm ngành học ưng ý và ngôi trường mơ ước sẽ là giải pháp để nhiều sĩ tử cởi bỏ bớt áp lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Mất đi rào cản tâm lý, các thí sinh có thể đạt được phong độ tốt nhất.
Zing News phối hợp trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) thực hiện tuyến nội dung “Tiến bước đại học 2023”, nhằm cung cấp cho các sĩ tử hành trang thi cử, tuyển sinh trước thềm xét tuyển đại học.
Năm 2023, UEF tiếp tục thu hút thí sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ THPT và trao nhiều suất học bổng tuyển sinh, tài năng cho tân sinh viên từ 25%, 50% đến 100% học phí. Bên cạnh đó, nhiều ngành học xu hướng được doanh nghiệp tài trợ học bổng 30-40% toàn khóa học.
Trường nổi bật với chương trình đào tạo song ngữ, học thực tế tại doanh nghiệp, trải nghiệm môi trường quốc tế dành cho sinh viên trúng tuyển qua mọi phương thức. Thí sinh đăng ký tìm hiểu thông tin về trường tại đây.