Cú hạ cánh ngoạn mục xuống sông Hudson
Ngày 15/1/2009, chiếc máy bay Airbus A320-214 của hãng hàng không US Airways số hiệu 1549 gặp trục trặc trong hành trình bay từ thành phố New York tới Charlotte, North Carolina. Không lâu sau khi rời mặt đất, chiếc phi cơ va chạm với một đàn ngỗng di cư khiến các động cơ của nó hỏng hoàn toàn. Trước tình thế nguy cấp, phi công buộc phải hạ cánh chiếc máy bay xuống sông Hudson ở giữa trung tâm tài chính Manhattan, New York.
Chiếc Airbus A320-214 nổi trên sông Hudson. Ảnh: AP. |
Cú hạ cánh xuống sông Hudson trở nên ngoạn mục bởi tất cả 155 hành khách và phi hành đoàn không gặp phải bất kể chấn thương nặng nào trong quá trình hạ cánh. Chiếc máy bay gần như còn nguyên vẹn sau khi chạm nước. Bên trong các động cơ, lông ngỗng vẫn còn dính chặt. Các tàu, thuyền gần đó ngay lập tức tới ứng cứu và đưa các hành khách gặp nạn vào bờ.
Sau sự kiện “phép lạ trên sông Hudson”, toàn bộ phi hành đoàn chuyến bay số hiệu 1549 được trao tặng huân chương danh giá của ngành hàng không Mỹ. Trong buổi lễ vinh danh, người ta mô tả cú hạ cánh trên sông Hudson là “thành công lớn nhất trong lịch sử hàng không, với con số thương vong bằng 0”.
Pha lao xuống nước hi hữu ngoài khơi đảo Bali
Ngày 13/4/2013, phi công lái chiếc máy bay Boeing 737 của hãng hàng không Lion Air đã làm nên điều thần kỳ khi hạ cánh thành công chiếc máy bay xuống vùng nước nông ngoài khơi thiên đường nghỉ dưỡng Bali, Indonesia. Người phát ngôn hãng hàng không và đại diện chính phủ cho biết, toàn bộ 108 người trên chiếc máy bay đều bình an vô sự.
Chiếc Boeing 737 gãy đôi sau tai nạn. Ảnh: Reuters. |
Theo hãng hàng không Lion Air, phi công lái chiếc Boeing 737, cất cánh từ Bandung, Tây Java đã không thể hạ cánh xuống sân bay Ngurah Rai trên đảo Bali. Chiếc máy bay không thể tiếp cận đường băng và rơi xuống biển. Vụ tai nạn khiến phần thân chiếc máy bay nứt đôi.
Phi cơ lao xuống biển vì bọn khủng bố
Ngày 23/11/1996, chiếc Boeing 767-200ER của hãng hàng không quốc gia Ethiopia mang số hiệu 961 lọt vào tay những kẻ khủng bố khi đang bay từ Addis Ababa đến thủ đô Nairobi của Kenya. Những tên không tặc dọa chúng sẽ kích nổ chiếc máy bay nếu như ai đó cố tình can thiệp vào vụ việc. Nhóm này, chỉ gồm ba tên, khống chế máy bay nhằm phản đối chính sách tị nạn chính trị của chính phủ Ethiopia. Quả bom mà chúng dùng để đe dọa phi hành đoàn và hành khách thực chất chỉ là một chai rượu.
Chiếc máy bay Boeing 767-200ER sau cú hạ cánh đẫm máu. Ảnh: Wikipedia. |
Tuy nhiên, do bay lòng vòng quá lâu trên không trung nên máy bay cạn kiệt nhiên liệu, buộc phi công phải hạ cánh xuống vùng biển gần quần đảo Comoros trên biển Ấn Độ Dương. Cú hạ cánh trong tình trạng không thể bất lợi hơn cướp mạng sống của 125 người trong số 175 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc máy bay. Cả ba tên không tặc đều thiệt mạng sau cú hạ cánh. Những người may mắn sống sót cũng bị thương nặng.
Máy bay Nhật đáp nhầm xuống nước
Trong lịch sử hàng không, cú hạ cánh ngoạn mục xuống sông Huston không phải pha tiếp nước không có thương vong duy nhất. Ngày 22/11/1968, chiếc máy bay Douglas DC-8 thế hệ mới mang tên Shiga của hãng hàng không Japan Airlines cất cánh từ sân bay quốc tế Tokyo đến sân bay quốc tế San Fancisco của Mỹ.
Trục vớt chiếc Douglas DC-8 gặp nạn. Ảnh: sfgate.com. |
Do sương mù dày đặc và nhiều yếu tố khác, cơ trưởng Kohei Asoh đã xác định nhầm vị trí đường băng, khiến chiếc máy bay chở 96 hành khách và 11 thành viên phi hành đoàn hạ cánh xuống vùng nước nông cách vịnh San Francisco gần 5 km. Tuy nhiên, cú hạ cánh hoàn hảo tới mức không ai trong số 107 hành khách và phi hành đoàn bị thương.
Chiếc máy bay được nhấc khỏi mặt nước. Ảnh: Blog.sfgate.com. |
Hành khách được sơ tán lên các xuồng cứu sinh có trên máy bay trong khi những người còn lại được trực thăng tới giải cứu. Chiếc máy bay cũng không hư hại nghiêm trọng. Với chi phí sửa chữa khoảng 4 triệu USD, hãng hàng không Japan Airlines tiếp nhận lại phi cơ vào ngày 31/3/1969. Họ đồi tên nó thành Hidaka và tiếp tục sử dụng nó tới năm 1983.