Các doanh nghiệp luôn sẵn sàng trả nhiều tiền để có được những nhân viên giỏi và sáng giá. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi một ứng viên tài năng không phù hợp văn hóa của công ty? Tại Grab, câu trả lời là không tuyển dụng, dù “quyết định này thực sự khó khăn”.
Những giá trị cốt lõi trong văn hóa làm việc tại Grab
Là một trong những “siêu kỳ lân” công nghệ đầu tiên và lớn nhất Đông Nam Á, Grab luôn nằm trong danh sách nơi làm việc mơ ước của nhiều bạn trẻ Việt. Sau 7 năm phát triển tại Việt Nam (2014-2021), Grab Việt Nam hiện có hơn 1.000 nhân viên. Con số ấn tượng này có được một phần nhờ văn hóa “The Grab Way” luôn thấm nhuần trong mỗi Grabber (cách gọi khác của nhân viên Grab).
Theo bà Đinh Thị Hoa Đào - Giám đốc Nhân sự Grab Việt Nam - “The Grab Way” được phát triển dựa trên nguyên tắc 4H: Heart - phục vụ bằng cả trái tim; Hunger - khao khát phục vụ, đổi mới, đặt đối tác và người dùng lên hàng đầu; Honour - học hỏi và nâng cao kỹ năng và Humility - đề cao sự khiêm nhường, tinh thần cải tiến. Những tiêu chí này tạo nên “DNA của Grabber”.
Giám đốc Nhân sự Grab Việt Nam khẳng định văn hóa công ty được xây dựng và phát triển theo nguyên tắc 4H. |
Trong đó, yếu tố quan trọng nhất dường như là Humility - đề cao sự khiêm nhường, đặt người dùng và đối tác lên hàng đầu. “Chúng tôi sẵn sàng nói không với những nhân viên tài năng nếu họ không đáp ứng được văn hóa (The Grab Way) này”, bà Hoa Đào khẳng định.
Cộng hưởng vào môi trường đề cao tinh thần và năng lực của nhân viên, Grab Việt Nam duy trì mục tiêu làm việc cân bằng - “work-life balance”: Văn phòng mở, thời gian làm việc linh hoạt, khuyến khích tự do sáng tạo… Nhân viên có thể chủ động yêu cầu tham gia dự án họ thấy thú vị, thảo luận trực tiếp với các cấp lãnh đạo khi thấy một kế hoạch chưa phù hợp, đóng góp vào việc hoàn thiện văn hóa công ty.
“Chúng tôi cố gắng tạo ra một không gian mở, một môi trường làm việc bình đẳng cho các Grabber cả về mặt chuyên môn và tâm lý. Bởi chúng tôi tin một Grabber hài lòng là một Grabber hạnh phúc. Đương nhiên, tiêu chí đầu tiên để một người trở thành nhân viên Grab là phù hợp với văn hóa công ty”, bà Hoa Đào nói thêm.
Nhân viên Grab được tạo điều kiện làm việc trong môi trường năng động. |
Chưa dừng lại ở đó, Grab cũng khuyến khích Grabber có thể thay đổi bộ phận, phòng ban khi cảm thấy bản thân cần được làm mới nguồn năng lượng cho công việc hoặc chính Grabber có thể đề xuất điều này. Theo bà Hoa Đào, nhân viên Grab còn có thể dành thời gian trau dồi kỹ năng mới mỗi ngày với hàng nghìn khóa học trực tuyến miễn phí thông qua GrabLearn.
Nhờ môi trường làm việc thoải mái và tích cực như thế này, các Grabber càng thêm tin tưởng và gắn bó lâu dài với công ty.
“Chúng tôi tin rằng mỗi Grabber xứng đáng có cơ hội để học hỏi, phát triển từ đó đem đến giá trị cho cộng đồng cũng như nơi họ làm việc. Đây là mục tiêu xuyên suốt của Grab và gần đây cũng được lồng ghép trong sứ mệnh ‘Grab Vì Cộng Đồng' (Grab For Good)”, Giám đốc Nhân sự Grab Việt Nam nhận định.
Nuôi dưỡng “nhà lãnh đạo kỳ lân”
Một trong ba mục tiêu quan trọng của chương trình “Grab Vì Cộng Đồng” là xây dựng nguồn nhân lực sẵn sàng cho tương lai, không chỉ của Grab mà còn của ngành công nghệ Việt Nam. Thông qua những sáng kiến phát triển tài năng công nghệ hợp tác với các tổ chức giáo dục, tổ chức phi lợi nhuận và các công ty công nghệ hàng đầu, Grab hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Grab Việt Nam khởi động “Grab Future Unicorn” - chương trình “Kỳ lân tập sự” mùa đầu tiên. Đây là cơ hội để những sinh viên mới tốt nghiệp và vừa đi làm trên khắp cả nước tham gia quá trình đào tạo kéo dài trong vòng 24 tháng. Cụ thể, các tài năng trẻ có thể trở thành một Grabber toàn thời gian, được tham gia nhiều buổi huấn luyện, đào tạo với ban giám đốc và đội ngũ nhân sự cấp cao của Grab Việt Nam.
Theo bà Đinh Thị Hoa Đào, Grab Future Unicorn là bước đầu tiên trong cam kết góp phần phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam. |
Các “kỳ lân tập sự” có cơ hội “đầu quân” vào 5 phòng ban gồm: Mobility (Vận chuyển và giao nhận hàng hóa), Food & Mart (Giao nhận thức ăn và hàng tạp hóa), Marketing (Tiếp thị), Strategy & Planning (Kế hoạch và chiến lược), Marketplace (Nghiên cứu tăng trưởng thị trường và người dùng). Đồng thời, các thành viên cũng được thử thách bản thân thông qua cơ hội đảm trách những dự án liên quốc gia, làm việc cùng đồng nghiệp khắp khu vực Đông Nam Á.
Những kỹ năng và kiến thức tích lũy trong chương trình có thể giúp các tài năng trẻ áp dụng vào nhiều ngành nghề khác nhau, mở ra cơ hội thành công trên con đường sự nghiệp sau này, mà không nhất thiết phải “đầu quân” cho Grab. Lý do đơn giản vì mục đích và sứ mệnh Grab hướng đến không đơn thuần là tuyển dụng nhân tài để phát triển công ty. Xa hơn, đơn vị này muốn thúc đẩy Đông Nam Á vươn lên, bằng việc nuôi dưỡng tài năng trẻ, trang bị cho thế hệ kế thừa đầy đủ kỹ năng công nghệ, sự nhạy bén, đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế số.