Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Grab và 'bài toán' địa phương hóa tại Việt Nam

Sau hơn 7 năm có mặt tại Việt Nam, Grab đã thật sự trở thành siêu ứng dụng được nhiều người Việt lựa chọn. Chiến lược địa phương hóa được xem là lời giải tối ưu ch

Sau hơn 7 năm có mặt tại Việt Nam, Grab đã thật sự trở thành siêu ứng dụng được nhiều người Việt lựa chọn. Chiến lược địa phương hóa được xem là lời giải tối ưu cho thành công của ông lớn công nghệ này.

Còn nhớ thời điểm tháng 2/2014 khi GrabTaxi lần đầu có mặt tại Việt Nam, thị trường không thiếu các hãng taxi với mạng lưới xe và tài xế đông đảo. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ vào quản lý, vận hành để phục vụ người dùng ngày càng tốt hơn dường như vẫn còn là một khái niệm khá mơ hồ, xa lạ.

Vốn có lợi thế kết nối với các tài xế xe 4 bánh, điển hình là thành công vang dội tại quê nhà Singapore, nhưng khi tiến vào Việt Nam, Grab nhận thấy thói quen di chuyển và hệ thống giao thông tại Việt Nam có quá nhiều khác biệt so với Singapore, nếu không muốn nói là độc nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, xe hai bánh có lợi thế hơn hẳn khi tài xế xe ôm dễ dàng đưa đón người dùng đến từng ngõ, hẻm và tiết kiệm thời gian di chuyển vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nhất là giờ cao điểm tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM. Chưa kể, đây còn là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân, hầu như ai cũng quen thuộc với việc đi lại bằng xe máy.

"Chúng tôi bàn luận và lập tức điều chỉnh sản phẩm, chiến lược để phù hợp với xe ôm công nghệ. GrabBike ra đời tại Việt Nam trong thời gian chưa đầy một tháng và được xem là ‘cú đánh cược’ của Grab tại Việt Nam", bà Nguyễn Thái Hải Vân - Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam cho biết.

Tháng 10/2014, dịch vụ GrabBike chính thức được giới thiệu tại Việt Nam. Từ đây, người dùng trong nước dần quen khái niệm “xe ôm công nghệ", dễ dàng đặt “xe ôm" chỉ với vài cú chạm trên màn hình điện thoại, còn các bác tài hai bánh cũng trở nên chuyên nghiệp, hiện đại hơn.

Thành công của GrabBike đã tạo cú hích để Grab nhanh chóng mở rộng dịch vụ dựa trên lợi thế công nghệ và đội ngũ đối tác tài xế rộng lớn. Hàng loạt dịch vụ hai bánh khác như giao nhận hàng hóa GrabExpress, giao nhận thức ăn GrabFood, và gần đây nhất là mua sắm hàng bách hóa thông qua đi chợ hộ/đi siêu thị hộ GrabMart... cho thấy Grab giờ đây đã thật sự trở thành siêu ứng dụng đa dịch vụ hàng đầu Việt Nam.

“Mỗi khi cần ngồi nhà đi chợ hay đặt đồ ăn, tôi đều ưu tiên sử dụng Grab bởi thời gian nhận cuốc của tài xế rất nhanh, bất kể ở khu vực trung tâm thành phố hay ngoại thành, thời gian giao hàng nhanh, lựa chọn cũng rất đa dạng, phong phú. Chắc hẳn Grab đã đầu tư mạnh vào công nghệ và xây dựng được một hệ thống gồm rất nhiều tài xế xe máy và phân bố rộng khắp”, Thảo Anh (27 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) chia sẻ.

Grab dia phuong hoa,  Grab 7 nam anh 1

Đặc biệt, không giống các hãng giao nhận khác chuyên xử lý đơn hàng liên tỉnh dựa trên loại ôtô, xe tải, Grab phục vụ thị trường ngách với yêu cầu chuyển hàng hoặc thức ăn trong khu vực nội thành. Đây là mảng dịch vụ vốn có nhu cầu lớn tại Việt Nam mà chưa đơn vị nào khai thác. Bằng chứng là GrabExpress đã nhanh chóng mở rộng và được nhiều đối tác, người dùng ưa chuộng.

“Siêu địa phương hóa" (hyper localized) là cụm từ mà lãnh đạo Grab thường nhắc đến mỗi khi nhìn lại chặng đường đã qua và chia sẻ về tầm nhìn phía trước. Quá trình này không chỉ diễn ra tại thị trường Việt Nam, mà còn diễn ra trên toàn Đông Nam Á. Tại bất cứ nơi nào Grab hoạt động, doanh nghiệp này đã tiên phong đưa cả xe buýt, tuk tuk, xe điện, xe đạp, và nhiều loại hình di chuyển khác lên nền tảng, tùy theo nhu cầu và thói quen tiêu dùng của người dân từng quốc gia, khu vực.

Trong khi đó, với Hoài Thanh (nhân viên văn phòng tại Hà Nội), thanh toán không tiền mặt lại là lý do chính khiến cô trung thành với các dịch vụ của Grab. Mỗi khi ra đường, Thanh chỉ có khoảng vài trăm nghìn tiền mặt “phòng hờ”, còn lại chi tiêu chủ yếu được thực hiện qua thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ.

“Việc thanh toán cho các cuốc xe di chuyển hàng ngày, đặt đồ ăn trưa ở công ty hay nhờ Grab đi chợ hộ đều trở nên dễ dàng nhờ ví điện tử Moca. Tôi không cần lo lắng về khoản tiền lẻ thường hụt mất khi trả bằng tiền mặt. Qua đó, tôi cũng kiểm soát chi tiêu tốt hơn”, Hoài Thanh nhấn mạnh.

Grab dia phuong hoa,  Grab 7 nam anh 2

Thực tế, từ khi có mặt tại Việt Nam, Grab đã không ngừng thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, vừa để phục vụ đa dạng nhu cầu cuộc sống của người dùng, vừa để phù hợp với chủ trương và định hướng số hóa của Chính phủ. Tôn trọng các quy định và chiến lược của Chính phủ các nước cũng là cách Grab giải “bài toán” bản địa hóa.

Đi từ việc thấu hiểu người dùng Việt, Grab hợp tác Moca để mở rộng dịch vụ thanh toán một cách nhanh chóng và hiệu quả tại Việt Nam. Hãng cũng đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông để phương thức thanh toán không tiền mặt ngày càng được tin dùng và trở nên phổ biến. Đồng thời, hàng loạt chương trình ưu đãi giá trị lớn cũng thường xuyên được triển khai trên nền tảng Grab và Moca, nhằm gia tăng lợi ích cho người dùng.

Sự kết hợp năng lực công nghệ của Grab và Moca tại Việt Nam đã góp phần giúp thanh toán di động phát triển nhanh chóng. Các đơn vị chấp nhận thanh toán qua Moca được hưởng lợi nhờ vào số lượng lớn người dùng của Grab khắp Việt Nam. Người dùng ứng dụng Grab cũng có thể sử dụng đầy đủ các dịch vụ thanh toán do Moca phát triển.

Giờ đây, chỉ với một ứng dụng Grab, người dùng có thể thanh toán các hóa đơn thiết yếu, nạp thẻ điện thoại, mua gói sử dụng lâu dài hay đặt khách sạn, điểm du lịch mà không cần đến tiền mặt. Thậm chí, tại nhiều nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng mua sắm, website thương hiệu…, việc quét mã QR trên Grab để thanh toán cũng trở nên phổ biến.

Dưới tác động của dịch Covid-19, chiến lược đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt càng được Grab gấp rút triển khai, góp phần vào công cuộc tăng tốc số hóa của Chính phủ, cũng như hạn chế khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Theo thống kê của hãng, tính đến hiện tại, 45% giao dịch trên ứng dụng Grab đã được thanh toán không tiền mặt.

Gần nhất, “ông lớn” công nghệ Đông Nam Á gây bất ngờ khi công bố kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số cho các tiểu thương chợ truyền thống.

Giữa lúc các sạp hàng trở nên ế ẩm trước sự cạnh tranh của những mô hình bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử… và sức ép của Covid-19, Grab đưa các tiểu thương chợ truyền thống lên GrabMart. Vậy là người tiêu dùng có thể thoải mái ở nhà mua thức ăn tươi sống từ chợ với thời gian giao hàng chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, trong khi các tiểu thương cũng cải thiện đáng kể tình hình buôn bán.

Với sạp hải sản Oanh trong chợ Bến Thành của chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, thu nhập từ khách mua lẻ tăng lên tầm 50%.

Grab dia phuong hoa,  Grab 7 nam anh 3

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả với những tiểu thương này, theo chị Nguyễn Thụy Bảo Trân - chủ hàng bánh mứt Ngọc Châu tại chợ Bến Thành - là cơ hội tiếp cận công nghệ thời 4.0.

“Cảm giác có một sạp hàng online khác lắm. Xưa giờ buôn bán truyền thống quen tay, giờ cứ lúc nào mở điện thoại kiểm tra đơn, giao hàng cho tài xế là tôi lại thấy vui trong bụng. Chưa bao giờ tôi nghĩ buôn bán tay chân chuyển sang bán hàng công nghệ lại dễ thế này”, chị Trân chia sẻ.

Dù ra mắt chưa lâu, đến nay, hàng trăm tiểu thương tại các chợ truyền thống ở Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM đã được GrabMart số hóa, hỗ trợ bán hàng theo xu hướng 4.0.

“Ý tưởng số hóa chợ truyền thống nhằm hỗ trợ các tiểu thương bán hàng là cách kết nối, dung hòa giá trị văn hóa truyền thống và yêu cầu của xã hội hiện đại. Còn mang chợ truyền thống đến gần hơn với thế hệ trẻ - thành tố chính trong nền kinh tế số, là cách Grab tạo nên trào lưu đi chợ truyền thống thời 4.0 cho người dùng”, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, chia sẻ.

Cuối tháng 8/2020, Grab công bố kế hoạch tiếp tục đầu tư 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong 5 năm. Khoản đầu tư này được sử dụng để triển khai các dịch vụ mới tại Việt Nam, mở rộng mạng lưới vận tải; giao nhận đồ ăn - thanh toán; tập trung mở rộng lĩnh vực tài chính và logistics.

Quan trọng hơn, Grab đặt ra các mục tiêu lớn cho chương trình “Grab for Good” và kỳ vọng hoàn thành vào năm 2025. Chương trình có 2 sáng kiến chủ chốt: Nâng cao kỹ năng và phổ biến kiến ​​thức công nghệ cho người dân địa phương; tạo cơ hội để người khiếm thính tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số thông qua hệ sinh thái Grab.

Đây là chiến lược xây dựng một nền tảng toàn diện và là một phần trong cam kết của Grab nhằm mang lại tác động tích cực, bền vững ở mọi quốc gia mà đơn vị này hoạt động. Trong thời gian tới, với chiến lược địa phương hóa bài bản đã chứng minh rõ thành công những năm qua, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục là thị trường quan trọng của hãng công nghệ này.

“7 năm qua, Grab đã góp phần thay đổi thói quen của người Việt, từ việc đi lại, ăn uống đến thanh toán. Nhưng tôi tin rằng Grab có thể làm được nhiều hơn thế. Mục tiêu của chúng tôi là làm thế nào để mọi người dân, kể cả những người có mức thu nhập thấp sống ở vùng sâu, vùng xa, đều có thể tiếp cận công nghệ và trở thành một thành tố trong nền kinh tế số. Nhưng rõ ràng, đây không chỉ là bài toán tịnh tiến - thêm người, thêm tiền, thêm thời gian - là có thể làm được. Ðây chính là sứ mệnh Grab vì cộng đồng mà chúng tôi sẽ tập trung thực hiện trong những năm sắp tới”, bà Nguyễn Thái Hải Vân khẳng định.

Tú Linh - Giang Chi Anh

Đồ họa: An Du

Bình luận

Bạn có thể quan tâm