Thế Huy, Nguyên Ngọc, Đức Thịnh và Nam Phong từ Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội đang phát triển Meboo thành một phần mềm độc lập. “Mong muốn của nhóm là thay đổi tư duy trong nền y tế, khám chữa bệnh, thúc đẩy việc sử dụng công nghệ trong ngành này", Thế Huy, trưởng dự án cho biết. Tên Meboo, viết tắt của Medicine Book - sổ y bạ điện tử.
Nguyễn Thế Huy - trưởng nhóm phát triển ứng dụng Meboo. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Meboo hiện có mặt trên cả iOS và Android, đây là ứng dụng quản lý chăm sóc sức khỏe, với các chức năng chính như: Sổ tiêm chủng, cho phép tự động tạo ra sổ tiêm dựa trên ngày sinh của người dùng, nhắc lịch tiêm; với những người cần uống thuốc định kỳ, ứng dụng có chức năng Sổ điều trị.
Ngoài ra, điểm mới của sản phẩm này là cho phép tìm kiếm các địa điểm y tế xung quanh, cho phép người dùng đăng thông tin về dịch vụ y tế.
Thế Huy cho biết, ý tưởng này một phần bắt nguồn từ việc thầy Trương Anh Hoàng, Giảng viên hướng dẫn của nhóm đang có con nhỏ, thường gặp khó khăn khi lưu lịch tiêm hay uống thuốc cho con.
Nhóm xây dựng phần mềm từ 6/2015, mục sổ tiêm được hoàn thành rất nhanh chóng chỉ trong vòng 2 tháng và đưa lên kho ứng dụng Play Store của Android sau đó. Trước Meboo, thị trường đã có vài phần mềm tương tự như Medisafe, eDoctor, tuy nhiên, nhóm nhận thấy nhiều khó khăn trong quá trình sử dụng như thiếu tiếng Việt, hạn chế chức năng. Do đó, Meboo ra đời nhằm cải tiến và cung cấp thêm nhiều chức năng như đặt dịch vụ hay địa điểm y tế.
MeBoo có nhiều ứng dụng để người dùng tự theo dõi lịch tiêm chủng hay điều trị, cùng với các địa chỉ y tế gần đó. |
Để có tốc độ nhanh, nhóm đã phải làm việc cật lực. Huy cho biết, lợi thế của họ là xuất phát từ dân kỹ thuật và có độ chuyên môn hóa cao. Theo đó, anh phụ trách phát triển ứng dụng nền web và lưu trữ dữ liệu lên máy chủ; Thịnh, Ngọc chịu trách nhiệm phát triển nền tảng Android trong khi Phong làm trên iOS.
Nhóm các nhà phát triển trẻ cũng phải vượt qua nhiều thử thách kỹ thuật như bố trí lưu dữ liệu, kỹ thuật đồng bộ dữ liệu giữa các máy và tài khoản. Những lúc này, ngoài sự hướng dẫn của giảng viên, họ phải tự tìm tòi các nguồn tài liệu khác nhau, hoặc tìm đến các anh chị khóa trên, những người nhiều kinh nghiệm hơn trong ngành.
Không chỉ gặp áp lực về kỹ thuật, nhóm cũng phải chịu nhiều áp lực về thời gian và kinh phí. Các thành viên đều là sinh viên năm cuối, phải làm khóa luận kết hợp với công việc làm thêm. Trong quá trình làm việc, họ phải thu xếp thời gian. Huy cho biết, thức đêm và cả cuối tuần là chuyện bình thường.
"Nhiều lần nhóm nản chí và muốn dừng lại, nhưng cuối cùng mọi người lại động viên nhau cùng tiếp tục", Huy chia sẻ. Để hạn chế căng thẳng, mọi người ra quy định tìm lỗi trong quá trình làm việc, và ai phạm lỗi nhiều sẽ phải chịu những hình phạt rất… sinh viên như mời ăn cả nhóm. “Tất cả đều là sinh viên làm việc với nhau nên cũng thoải mái”, Huy cho biết.
Vừa là bạn học, vừa là cộng sự, nhóm phát triển Meboo phải vượt qua nhiều khó khăn để có duy trì ứng dụng. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Ý tưởng tốt, có những thành công bước đầu nhưng Huy cho biết, nhóm vẫn còn nhiều vấn đề phía trước để mang ứng dụng đến số đông người dùng. Rào cản lớn nhất của họ là niềm tin khách hàng vào dịch vụ y tế: “Người Việt vẫn thích gặp trực tiếp bác sỹ để được tư vấn, vì thế Meboo quyết định chỉ làm cầu nối cho người sử dụng và người cung cấp dịch vụ y tế. Rất may, người dùng đang có phản hồi khá tích cực với ứng dụng”.
Phương hướng tiếp theo cũng đã được hoạch định khá rõ ràng, "Meboo mong muốn liên kết với các đơn vị y tế, phòng khám để đem dịch vụ của họ lên cơ sở dữ liệu, thay vì phải tự tập hợp từ nhiều nguồn như hiện nay". Đồng thời, thông tin y tế cá nhân vốn khá nhạy cảm, nhưng hiện tại nhóm vẫn đang dùng các chuẩn bảo mật thông dụng, Huy cho biết, trong tương lai, nhóm sẽ bổ sung một số chuẩn bảo mật mới, tăng cường mã hóa giao tiếp giữa ứng dụng với người sử dụng.
Với họ, kinh phí sẽ là vấn đề trong tương lai, hiện chi phí cần cho ứng dụng không lớn do Meboo chưa nhiều người dùng. Tuy vậy, để có được số tiền duy trì này, các bạn vẫn phải đi làm thêm và bỏ tiền túi để "nuôi app". Huy cũng cho biết "nhóm chưa nghĩ đến vấn đề gọi vốn, mà chờ đến khi sản phẩm phát triển cao, đem lại nhiều giá trị xã hội hơn". Bằng cách này, họ có thể đảm bảo Meboo được đánh giá cao nhất trong mắt các nhà đầu tư. Ngoài ra, nhóm cũng hy vọng mở rộng nhân sự, tăng cường kỹ năng marketing, quảng bá sản phẩm hơn nữa.
Hỏi về tương lai của sản phẩm, Huy cũng khá phân vân khi mọi người sắp ra trường và đứng trước nhiều lựa chọn, nhưng 9x này tỏ rõ quyết tâm: “Nhóm mình hy vọng sẽ phát triển ứng dụng lâu nhất có thể, vì đã theo nó suốt một chặng đường khá dài”.