Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CEO 9X tuổi Thân làm chủ công ty triệu đô ở Sài Gòn

Sinh năm "con khỉ" và chỉ mới 24 tuổi, Nguyễn Hoàng Trung đã có trong tay ứng dụng di động được nhiều người quan tâm.

Quần tây, áo thun và chiếc balo giản dị trên vai, Nguyễn Hoàng Trung, sáng lập kiêm CEO của Lozi trông giống sinh viên thay vì ông chủ của một công ty công nghệ. Từng du học CNTT tại Hàn Quốc rồi nghỉ ngang, làm bồi bàn kiếm tiền, sau đó triển ứng dụng tìm kiếm đồ ăn, Nguyễn Hoàng Trung là một trong những người trẻ hiếm hoi khởi nghiệp công nghệ thành công và nhận được khoản đầu tư lên triệu đô từ quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures và tập đoàn DesignOne Japan.

Nguyễn Hoàng Trung cũng vừa lọt vào danh sách 30 gương mặt nổi bật dưới 30 tuổi (30 Under 30) của Forbes Việt Nam năm 2015 nhờ vào những cú bứt tốc ấn tượng. Chia sẻ với Zing.vn, Trung nói nhiều hơn về dự định của mình trong 2016 thay vì kể lại chặng đường khởi nghiệp đầy khó khăn đã qua.   

Nguyễn Hoàng Trung, sáng lập Lozi. 

- Lozi là dịch vụ chia sẻ thông tin dịch vụ đồ ăn, chủ yếu dưới dạng ảnh. Ý tưởng khuyến khích người dùng đăng tải hình, thông tin món ăn của bạn đến từ đâu?

Mình nhận ra rằng người ta có xu hướng chia sẻ ảnh trên Facebook, và cứ 3 post thì lại có một bức ảnh. Đây cũng chính là lý do Facebook mua lại Instagram bởi có sẵn một cộng đồng có tính thẩm mỹ cao, mức sống cao hơn một chút so với Facebook và yêu thích việc kể chuyện bằng ảnh. Do đó, người dùng Instagram cũng sẽ rất thích hợp để chia sẻ trải nghiệm ăn uống của mình.  

Để người dùng Instagram hứng thú chia sẻ hơn về những món họ đã từng ăn và ảnh đẹp về nó, đội ngũ phát triển phải làm được ba điều: Thứ nhất là nhanh. Nhanh trong việc giúp cho người dùng có thể chia sẻ bất kỳ một tấm ảnh nào tại bất kỳ đâu. Thứ hai là dễ sử dụng, thật ra việc chia sẻ trên Lozi mất chưa tới 15 giây, điều này có nghĩa là khi bạn đăng một tấm ảnh hầu hết các bạn không cần làm thêm điều gì ngoài cung cấp tên món ăn và địa điểm từng ăn, chỉ có vậy mà thôi. Thứ ba là tính cộng đồng, đó là khi người dùng chia sẻ một thông tin bất kỳ trên sản phẩm, đều có ít nhất một vài người cảm thấy bức ảnh của bạn có ích và sẽ thích, cũng như chia sẻ lại bức ảnh đó. 

- Thách thức lớn nhất về công nghệ khi phát triển sản phẩm? 

- Công nghệ chỉ là công cụ trong tay để giải quyết các vấn đề của người dùng. Về mặt kỹ thuật không khó, khó ở chỗ làm sao nhận ra được những nhu cầu của người dùng và giúp họ có những trải nghiệm nhanh chóng, dễ dàng hơn.

- Rất nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam "đứt gánh" giữa đường. Công ty của bạn từng "chết hụt" lần nào và làm gì để vượt qua?

- Mình nghĩ rằng bất kỳ một công ty công nghệ nào cũng có khoảng thời gian suýt chết vì nhiều vấn đề khác nhau mà người sáng lập đều phải đối mặt. Bên mình cũng vì những vấn đề liên quan đến tài chính, nhân sự,.. mà có nhiều lần suýt chết.

Nguyễn Hoàng Trung và những cộng sự.  

Chẳng hạn như cuối năm 2014, khi công ty hết tiền để trả lương cho nhân viên. Đi vay một cục tiền lớn thì không ai cho vay cả, nên mình đã phải vay mỗi nơi mỗi ít để vượt qua cơn khủng hoảng. Trước khi nhận vốn triệu USD, cũng có lúc mình và các cộng sự phải uống đến ba tháp bia với đối tác để nhận được khoảng 2.000 USD tiền tài trợ. Đấy là một trong những kỷ niệm không thể nào quên.  

Về con người, làm khởi nghiệp thì phải chấp nhận là người đến rồi người sẽ đi là chuyện bình thường. Trong những thời điểm căng thẳng nhất, khi công ty gặp khó khăn, mọi chuyện thay đổi, mọi người thấy bất định về tương lai thì những người mình tưởng là gắn bó nhất sẽ tự ra đi hoặc là mình sẽ phải cho ra đi.

Mình từng phải buộc một thành viên đồng sáng lập ra đi để tìm người khác phù hợp hơn, nếu không cả con thuyền sẽ chìm.

- Sở hữu trong tay ứng dụng có nhiều người quan tâm và gọi được vốn triệu USD, bạn có cho đây là một thành công?

- Hiện còn quá sớm để coi đó là thành công. Tôi nghĩ rằng thành công không phải là gọi được vốn, mà thành công là khi bạn thực sự giải quyết được vấn đề nào đấy của cuộc sống. Và mọi người xung quanh đều dùng ứng dụng của bạn để giải quyết vấn đề đó.

Cụ thể hơn, bài toán mà mình đang giải đó chính là làm sao để trước khi đi mua một món hàng nào đó, điều đầu tiên người dùng làm là tìm trên ứng dụng. Khác với đối thủ, thay vì đưa ra phương án "ăn gì quanh đây", chúng tôi giải được bài toán "Ăn, mua món đó ở đâu", cùng với đó là những hình ảnh cụ thể và thông tin rõ ràng.

Tụi mình có tham vọng, khát vọng muốn trở thành ứng dụng không chỉ giúp người dùng tìm đồ ăn, mà còn bao phủ suốt cuộc sống bình thường của một người dùng bình thường trong vòng 24h/ một ngày với các mặt hàng, dịch vụ khác nhau như thời trang, phụ kiện, đồ điện tử,… hay thậm chí là hoa tươi để tặng bạn gái. Cuối 2015, mình đã mở thêm "Góc con gái", sau Tết có thể là "Góc con trai" và dần dần đến những mặt hàng, dịch vụ khác nữa.

- Từ nào để mô tả chính xác nhất về bạn?

- Mình nghĩ từ miêu tả chính xác nhất về tôi là nổi loạn. Sự nổi loạn mang lại nhiều và mất cũng nhiều. Ở Việt Nam, khi mà hầu hết tôn trọng sự đồng nhất, thì nổi loạn sẽ giúp ta được được chú ý nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng vì sự nổi loạn này mà mình bị không ít người ghét. (cười). 

- Tết của một ông chủ trẻ sẽ như thế nào?

- Tôi dù sao cũng chỉ là người mới khởi nghiệp. Khi mà các bạn khởi nghiệp các bạn sẽ hiểu thế nào là sự ám ảnh với công ty của mình, ám ảnh với ứng dụng của mình, ám ảnh với sản phẩm của mình, ám ảnh với tất cả những gì thuộc về công ty,..  Khi bị như vậy, các bạn sẽ không có thời gian để suy nghĩ làm gì, chuẩn bị gì,.. Do đó, Tết chỉ đơn thuần là ngày Trung về quê và dành cho gia đình.

Nguyễn Hoàng Trung sinh năm 1992 tại Quảng Ngãi. Năm 15 tuổi, 9X này học tại trường chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp THPT, Trung nhận được học bổng toàn phần và đi du học tại Học viện KAIST (Hàn Quốc). Kết thúc năm học thứ 2, Trung quyết định bỏ ngang, tiếp tục ở lại Hàn Quốc học tiếng Hàn, làm bồi bàn và đi du lịch. Anh cho rằng, môi trường học này dù rất tốt nhưng không phù hợp với định hướng, tính cách của bản thân. 

Về Việt Nam, Trung vẫn tiếp tục rong chơi và nhu cầu "ăn gì, ở đâu" cộng với mong muốn giải quyết vấn đề này đã thôi thúc gã trai trẻ lập nghiệp. Với ý tưởng xây dựng một ứng dụng công nghệ chia sẻ về ẩm thực và địa điểm ăn uống, Trung bắt tay vào thực hiện dự án Lozi (Lozi = Lo gì) từ 7/2012 cùng với ba người bạn, hai trong số đó cũng từng bỏ học để theo đuổi đam mê. Được tạo nên từ những người trẻ nổi loạn, sản phẩm trải qua hơn 3 năm chật vật phát triển, gọi vốn và thu hút người dùng. Đến nay, sản phẩm này đã thu hút được 500.000 người dùng tại Việt Nam, Singapore, Nhật Bản. Ngoài thức ăn và mặt hàng thời trang, ứng dụng đang hướng đến mặt hàng phụ kiện sau này là các dịch vụ cơ bản trong cuộc sống hằng ngày của người dùng.  



Duy Tín

Video: Nhật Nguyên - Duy Tín

Bạn có thể quan tâm