373 người chết vì sóng thần, Indonesia chạy đua cứu nạn
Thứ hai, 24/12/2018 22:58 (GMT+7)
22:58 24/12/2018
Hoạt động tìm kiếm cứu nạn sau trận sóng thần ở eo biển Sunda được đẩy nhanh, trong lúc giới khoa học nỗ lực lý giải nguyên nhân dẫn đến thảm họa ngay trước thềm Giáng sinh.
Số người tử vong trong thảm họa sóng thần đêm 22/12 tiếp tục tăng. Tính đến tối 24/12, ít nhất 373 người được xác nhận đã thiệt mạng, hơn 1.400 người bị thương tại các khu vực ven biển trên hai đảo Java và Sumatra, quanh eo biển Sunda, theo AP. Ảnh: AP
Nhiều khách sạn cùng hàng trăm ngôi nhà đã bị phá hủy hoặc hư hại nặng nề trong thảm họa lần này. Tại nhiều khu vực, công tác dọn dẹp hiện trường sau thảm họa vẫn chưa hoàn thành do nhân lực còn được tập trung để tìm kiếm người bị nạn. Nhiều bãi biển vẫn vương vãi mảnh vỡ từ các công trình và nhà cửa. Ảnh: AP.
Hơn 128 người vẫn đang trong diện mất tích. Giới chức Indonesia cảnh báo số người tử vong sẽ còn tăng trong những ngày tới. Hàng trăm quân nhân và tình nguyện viên được điều động đến các bờ biển bị tàn phá bởi sóng thần để tìm kiếm nạn nhân. Ảnh: AP.
Hội Y học Indonesia đã gửi thêm bác sĩ, thuốc men và trang thiết bị đến Banten, vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì sóng thần. Phần lớn nạn nhân là khách du lịch trong nước, đến các bãi biển du lịch tại vùng cho kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới 2019. Ảnh: AP.
Đây là đợt sóng thần có số người tử vong cao thứ hai tại Indonesia trong năm 2018. Thảm họa kép động đất - sóng thần vào tháng 9 tại đảo Sulawesi khiến ít nhất 832 người thiệt mạng, đa số nạn nhân sống tại thành phố Palu. Với vị trí địa lý đặc biệt, nằm trên "vành đai lửa" của Thái Bình Dương, Indonesia từng hứng chịu nhiều thiên tai như động đất, núi lửa và sóng thần trong lịch sử. Ảnh: AP.
Giới chức Indonesia cho rằng hiện tượng thủy triều dâng bất thường vì trăng tròn cộng với lở đất dưới biển do núi lửa Anak Krakatoa phun trào đã gây ra đợt sóng thần ở eo biển Sunda. Anak Krakatoa là một núi lửa nhỏ hình thành cách đây gần một thế kỷ, sau đợt phun trào kinh hoàng của núi lửa "mẹ" Krakatoa vào năm 1883. Ảnh: AP.
Theoo AFP, cơ quan chức năng Indonesia ban đầu không phát cảnh báo sóng thần khi nhận thông tin về vụ việc đêm 22/12. Thay vào đó, họ chỉ khẳng định đó là hiện tượng triều cường và đề nghị người dân không hoảng loạn. Đại diện cơ quan phòng chống thiên tai đã thừa nhận thông báo bị nhầm lẫn vì cơ quan địa chất không phát hiện động đất dẫn đến việc xác định sớm nguy cơ sóng thần gặp nhiều khó khăn. Ảnh: AP.
Tổng thống Joko Widodo ngày 24/12 đã đến thăm các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Trả lời họp báo, ông cho biết đã chỉ đạo Bộ Xã hội Indonesia chi tiền hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân tử vong vì sóng thần trong thời gian sớm nhất. Ảnh: AFP.
Nhà lãnh đạo đồng thời đánh giá cao những nỗ lực thời gian qua của quân đội, cảnh sát và chính quyền địa phương trong công tác di tản và tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Widodo cũng tuyên bố sẽ khắc phục tình trạng thiếu các phương tiện cảnh báo kịp thời về sóng thần. Ông hứa hẹn sẽ cho sửa chửa hoặc thay mới toàn bộ thiết bị cảnh báo sóng thần hiện nay. Ảnh: Reuters.
Ông Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn Ủy ban Phòng chống Thiên tai Indonesia (BNPB), thừa nhận hệ thống phao cảnh báo sóng thần của nước này đã không còn hoạt động từ năm 2012 do nạn phá hoại và thiếu ngân sách bảo trì. Ảnh: AP.
Các chuyên gia cảnh báo một trận sóng thần khác có thể sẽ tấn công Indonesia, sau trận sóng thần được cho là do núi lửa phun trào ở Sunda khiến ít nhất 281 người thiệt mạng.
Quan chức Indonesia cho biết hệ thống phao cảm biến sóng thần của nước này đã không hoạt động kể từ năm 2012 và không phát đi cảnh báo thảm họa khi sóng thần xảy ra hôm 22/12.