Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao núi lửa phun trào lại gây ra sóng thần ở Indonesia?

Một phần sườn núi lửa đã trượt xuống biển trong quá trình phun trào được cho là nguyên nhân dẫn đến sóng thần tàn phá eo biển Sunda, Indonesia.

Anak Krakatoa là một đảo núi lửa nổi tiếng ở Indonesia. Nó được hình thành sau các vụ phun trào khoảng 100 năm trở lại đây. Tuy vậy, những vụ phun trào mạnh của nó được các chuyên gia địa phương mô tả là tương đối thấp và không thường xuyên.

Krakatoa cũng chỉ là một phần nhỏ trong mảng kiến tạo nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương. Krakatoa trở thành cái tên đi vào lịch sử nhân loại với vụ nổ khủng khiếp vào ngày 27/8/1883, cướp đi sinh mạng của 36.417 người. Vụ nổ này đã hình thành Anak Krakatoa, nó được gọi là “đứa con” của đảo chính Krakatoa.

Thảm họa được dự báo trước

Người ta biết rằng núi lửa phun trào có thể gây ra sóng thần. Cơ chế tương tự như sự dịch chuyển của một khối lượng nước lớn. Hình ảnh vệ tinh trước và sau thảm họa cho thấy sườn núi lửa hướng tây nam có thể đã trượt xuống biển. Hàng triệu tấn đất đá đột ngột rơi xuống biển, đẩy nước ra mọi hướng tạo nên những cơn sóng lớn.

Tham hoa song than o Indonesia anh 1
Mô phỏng nguyên nhân dẫn đến sóng thần ở Indonesia hôm 22/12. Đồ họa: BBC.

Giáo sư Andy Hooper từ Đại học Leeds, Vương quốc Anh, là một chuyên gia nghiên cứu về núi lửa từ quỹ đạo, tỏ ra nghi ngờ giả thuyết này khi ông xem xét các bức ảnh do vệ tinh Sentinel-1 của châu Âu chụp. “Miệng núi lửa có sự gia tăng kích thước và có những điểm tối mới ở phía tây cho thấy vết dốc đứng, có thể là do sự sụp đổ, hoặc thay đổi ở bờ biển”, giáo sư Hooper nói.

Tuy vậy, giả thuyết này sẽ chưa thể được khẳng định cho đến khi các nhà khoa học tiến hành cuộc khảo sát tại thực địa. Các nhà khoa học đã có những lo ngại về Anak Krakatoa trong một thời gian dài. Núi lửa này liên tục phát triển trên đảo chính Krakatoa từ sau vụ nổ kinh hoàng vào năm 1883.

Một nhóm các nhà khoa học đã dựng mô hình 3D về những gì có thể xảy ra trong trường hợp sườn núi phía tây nam bị sụp đổ, khu vực này được đánh giá không ổn định. Những đợt sóng cao hàng chục mét sẽ tấn công đảo Sertung, Panjang và Rakata gần đó trong vòng chưa đầy một phút, nhóm nghiên cứu nhận thấy.

Khi những sóng thần lan ra khắp eo biển Sunda, chúng sẽ yếu dần, tuy vậy khi đổ bộ lên bờ những đợt sóng vẫn cao từ 1-3 mét. Kịch bản dự kiến của nhóm đã diễn ra một cách chính xác như những gì mà họ mô tả. Đồng hồ đo thủy triều ở eo biển Sunda ghi nhận nước dâng cao khoảng 30 phút sau khi hoạt động phun trào bắt đầu lúc 21h (giờ địa phương), ngày 22/12.

Thảm họa này dù đã được cảnh báo trước nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra cách, cũng như các phương tiện cần thiết để xác định thời điểm nó xảy ra. Khu vực này chắc chắn sẽ trở thành chủ đề được xem xét kỹ lưỡng trong những tuần tới.

Những trận sóng thần do lở đất có thể có cường độ rất lớn. Trong hồ sơ địa chất thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp như thế. Trong năm 2017, một đợt sóng cao 100 m đã được tạo ra khi sườn núi lớn rơi xuống vịnh hẹp ở phía tây Greenland.

Các nhà khoa học cũng nghi ngờ trường hợp sóng thần xảy ra ở đảo Sulawesi ở Indonesia trong tháng 9, có thể là do sự dịch chuyển của lớp trầm tích, hoặc sự trượt sườn núi ở vịnh Palu.

Quá ít thời gian để cảnh báo

Nếu có một trận động đất trước thời điểm phun trào, người dân địa phương với kinh nghiệm của mình có thể tiến hành các biện pháp phòng tránh và di tản kịp thời. Mặc dù đã có những địa chấn nhỏ nhưng nó không đủ để khiến mọi người chú ý.

Tham hoa song than o Indonesia anh 2
Sóng thần quét sạch mọi thứ khi tràn vào bờ. Ảnh: AFP.

Ngay cả khi có cảnh báo trước, người dân cũng phải tự dựa vào chính mình để sơ tán hay phòng tránh vì khoảng cách từ nơi xuất phát sóng thần đến vị trí của họ là quá ngắn.

“Ngay cả khi có phao cảnh báo sóng thần được đặt ở Anak Krakatoa, nó cũng quá gần để người dân kịp sơ tán, sóng thần di chuyển với tốc độ rất nhanh”, Giáo sư Dave Roversy từ Đại học Mở, Anh, nhận xét.

Các nhà khoa học cho rằng cần nghiên cứu nhiều hơn về những thảm họa tiềm tàng đối với người dân ở khu vực vịnh Sunda. Đơn cử là thảm họa sóng thần vào năm 2004, bắt nguồn từ rãnh Sunda, nơi một mảng kiến tạo trượt xuống bên dưới một mảng kiến tạo khác.

Họ đề nghị tập trung nghiên cứu và lắp đặt thêm các cảm biến cảnh báo thiên tai tại các khu vực nguy hiểm ở Sumatra và Java. Nó là một phần của vành đai lửa Thái Bình Dương có hình móng ngựa, bắt đầu từ rãnh Kermadec ở ngoài khơi Australia đi qua Indonesia, Nhật Bản và kết thúc ở Chile.

Theo ghi nhận của các nhà khoa học, 71% các vụ động đất và sóng thần lớn xảy ra trên vành đai lửa Thái Bình Dương.

Giây phút sóng thần Indonesia cuốn trôi ban nhạc đang biểu diễn Nhiều người đang có mặt trên bãi biển ở phía tây đảo Java để dự tiệc cuối năm của một công ty thì bất ngờ cơn sóng thần ập tới, cuốn phăng sân khấu và các khán giả.

Thảm họa dồn dập năm 2018, Indonesia chìm trong tang thương

Động đất, sóng thần, thảm họa chìm phà, máy bay rơi liên tiếp xảy ra trong năm 2018 đã khiến hàng nghìn người Indonesia thiệt mạng, cả đất nước chìm trong tang tóc.

222 người chết, tàu lớn mắc cạn sau sóng thần núi lửa ở Indonesia

Cơn sóng thần bất ngờ ập đến một số nơi ở eo biển Sunda trong khi người dân không nhận được cảnh báo, khiến cho những khu vực này chịu thiệt hại nghiêm trọng.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm