Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

365 ngày bão tố và kỳ lạ của Tổng thống Duterte

Philippines vừa trải qua ngày kỷ niệm một năm ngày cầm quyền của Tổng thống Duterte. Ngày kỷ niệm lặng lẽ cho một năm ồn ào và "bão tố" của vị tổng thống khác thường.

Đó là khu ổ chuột phía nam Manila, buổi sáng đầu tiên của tháng 7. Giữa hội trường ngập nắng bên hông nhà thờ Baclaran, người lớn và trẻ nhỏ giơ lên những mảnh giấy ghi ước mơ của họ: "Được đi học", "Trở thành một đầu bếp", "Tìm một công việc lâu dài"...

Normita Baccay, một bà nội trợ 53 tuổi trong bộ đồ đen, đứng lên để nói về cậu con trai 23 tuổi của bà, Djastin Lopez. Giọng bà khàn khàn, rồi vỡ ra khi kể về cái ngày Djastin bị một viên cảnh sát bắn nhiều lần vào người.

Đó là cách phóng viên New York Times miêu tả một buổi sinh hoạt của các thành viên Rise Up for Life (tạm dịch: Đứng lên vì cuộc sống), một tổ chức của nhà thờ nhằm giúp đỡ các nạn nhân từ chính sách chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte. 

Trong thập niên 1970, sau khi nhà độc tài Ferdinand Marcos tuyên bố thiết quân luật tại Philippines, nhà thờ Baclaran là địa điểm cư ngụ của những người Philippines chạy trốn sự đàn áp của chính quyền.

Khi phóng viên Laurel Fantauzzo, bà Baccay và những người Philippines sống trong khu ổ chuột ở phía nam thủ đô ngồi lại tại nhà thờ vào buổi sáng đầu tháng 7 đó, Philippines vừa trải qua ngày kỷ niệm 1 năm ngày cầm quyền của Tổng thống Duterte. Một ngày kỷ niệm lặng lẽ cho một năm ồn ào và "bão tố", một vị tổng thống khác với những chuẩn mực thường thấy nhưng lại có nhiều điểm tương đồng với cả nhà độc tài Marcos lẫn Tổng thống Mỹ Donald Trump.

mot nam cua Duterte anh 1

Không phải ngẫu nhiên mà trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Duterte đã được so sánh với Donald Trump của nước Mỹ. Trong khi Donald Trump là một doanh nhân từ New York, người đến thủ đô Washington D.C. chính bằng những lời chỉ trích giới tinh hoa chính trị "thối nát" của Washington D.C. thì Duterte là tổng thống đầu tiên của Philippines xuất thân từ Mindanao, hòn đảo phía nam cách thủ đô Manila 3.000 km.

Họ đều là những ứng viên "phi truyền thống". Họ phá vỡ hình mẫu thường thấy của một chính trị gia. Và họ đắc cử bằng sự khác biệt đó.

Người ta hầu như không thể nhìn thấy tổng thống Philippines trong bộ âu phục. Thậm chí ở cuộc gặp gỡ cấp cao, ông cũng thường chỉ mặc áo Barong truyền thống của Philippines. Trong hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 9/2016, được xem là lần ra mắt của tân tổng thống Philippines trước các lãnh đạo khu vực, ông mặc một chiếc áo Barong với tay áo xắn lên trong ngày đầu tiên của sự kiện. Duterte chỉ mặc vest vào hôm sau.

Ngược lại, rất dễ tìm những phát ngôn gây sốc từ Tổng thống Duterte. Ông sẵn sàng lăng mạ Tổng thống Mỹ Barack Obama, dù khi đó Obama vẫn đang nắm quyền còn Mỹ là đồng minh lâu năm của Philippines. Ông tuyên bố sẽ giết sạch tội phạm và ném xác cho cá ăn, "rồi cá ở Vịnh Manila sẽ béo lên". Ông nói muốn "ăn gan" những tên khủng bố, "sẽ chỉ thêm muối và giấm"...

Một năm cầm quyền của Tổng thống Duterte là một năm các phụ tá và bộ trưởng thường xuyên phải "chạy theo" các phát ngôn của ông. 

Vào tháng 9/2016, sau khi tổng thống tuyên bố rằng ông "vui lòng" giết hết con nghiện ở Philippines và đề cập việc Hitler đã thảm sát 3 triệu người Do Thái, người phát ngôn của ông đã phải làm rõ rằng tổng thống đang so sánh "trái ngược" chứ không tương đồng.

Đến tháng 5, ông Duterte kể về cuộc gặp ở Bắc Kinh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đã thuật lại rằng ông Tập "cảnh báo chiến tranh" nếu Philippines khai thác dầu ở vùng biển tranh chấp. Bộ Ngoại giao của Philippines và Trung Quốc ngay lập tức giải thích rõ rằng cuộc gặp của 2 lãnh đạo diễn ra trong thân thiện và không có lời đe dọa nào.

mot nam cua Duterte anh 2

Người ta có thể nói về một năm của ông Duterte và không nói về cuộc chiến chống ma túy không? Hoặc có thể nói về tổng thống Philippines mà không đề cập đến nỗi căm ghét thường trực của ông đối với ma túy không, khi vị tổng thống luôn cho rằng ma túy là gốc rễ của mọi tệ nạn ở Philippines và con nghiện ma túy không xứng đáng làm người.

"Hitler đã thảm sát 3 triệu người Do Thái. Chúng tôi có 3 triệu con nghiện. Tôi vui lòng được giết tất cả họ. Nếu nước Đức từng có Hitler, Philippines sẽ có tôi", Tổng thống Duterte tuyên bố.

mot nam cua Duterte anh 3

Trong báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vào tháng 3, nhân chứng, bao gồm những người vợ, gia đình, láng giềng, thường kể về những nhóm sát thủ gồm 2, 3 hoặc 4 người. Họ không mặc đồng phục, nhưng thường là màu đen và che mặt, đội mũ bảo hiểm hoặc mũ bóng chày. Họ đi trên những chiếc môtô, đến đập cửa nhà nghi phạm ma túy rồi xông vào. Họ không nêu tên, cũng không mang theo lệnh bắt. Tiếng súng nổ vang lên.

Các nhân chứng cũng kể rằng họ thường thấy cảnh sát mặc đồng phục lảng vảng gần đó lúc những kẻ che mặt bắn người. Nếu không, họ sẽ xuất hiện ngay vài phút sau đó.

Hồ sơ cảnh sát xếp những trường hợp trên là những nghi phạm bị bắn chết khi chống cự, "xác chết được tìm thấy" hoặc "cái chết đang được điều tra".

Tính đến tháng 3, con số người chết đã hơn 7.000 người trong khi chưa có ai bị truy tố. Và tổng thống tuyên bố phớt lờ các quan ngại nhân quyền từ bên ngoài.

mot nam cua Duterte anh 4

Tổng thống Duterte cũng không ngại so sánh hoặc để bản thân bị so sánh với nhà độc tại Marcos, người nắm quyền ở Philippines suốt 20 năm trước khi phải lưu vong sang Mỹ. 

Một trong những lời hứa đầu tiên ông Duterte thực hiện sau khi lên nắm quyền là chấp thuận cho thi thể ông Marcos được an táng tại nghĩa trang anh hùng Philippines. Sau 27 năm giữ xác ướp, gia đình nhà độc tài đã đưa được ông vào nghĩa trang anh hùng, bất chấp các cuộc biểu tình và sự phản đối tại nhiều nơi ở Philippines.

Tổng thống Duterte cũng từng bày tỏ mong muốn được sử dụng lệnh thiết quân luật để vượt qua các hạn chế của quốc hội và đẩy mạnh chiến dịch chống ma túy. Các nhà quan sát lo ngại lệnh thiết quân luật sẽ làm gia tăng tình trạng bắt người không qua xét xử, đàn áp người chống đối và hạn chế các quyền tự do dân sự, như cách nhà độc tài đã làm ở Philippines vào thập niên 1970.

mot nam cua Duterte anh 5

Một năm cầm quyền của Tổng thống Duterte cũng là một năm ông thay đổi cục diện ngoại giao ở Đông Nam Á.

Khi cựu tổng thống Benigno Aquino III trao lại Philippines cho ông Duterte, đất nước này là đồng minh thân thiết nhất của Mỹ tại Đông Nam Á, thường xuyên công khai phản đối các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Khi Duterte lên nắm quyền, ông lật ngược tất cả, bắt đầu từ Obama.

Tân tổng thống phát ngôn không kiêng nể, nhiều lần lăng mạ Obama, tuyên bố "tách Philippines" khỏi Mỹ và xích lại gần Trung Quốc. Ngay trước cuộc gặp đầu tiên với Obama sau khi nhậm chức, Duterte buông lời gọi tổng thống Mỹ khi đó là "đồ chó đẻ". Phía Mỹ lập tức hủy cuộc gặp.

Các nhà bình luận liên hệ thái độ ác cảm của ông Duterte đối với nước Mỹ bắt nguồn từ việc ông từng bị Mỹ từ chối visa hoặc Washington thường xuyên quan ngại về các vụ giết người không qua xét xử ở thành phố Davao, nơi ông Duterte làm thị trưởng hơn 20 năm.

Càng tỏ ra chống Mỹ, ông Duterte càng đưa Philippines xích lại gần Trung Quốc. Dựa vào mối quan hệ ấm dần lên với Philippines, các quan chức Trung Quốc tại Manila đã tìm cách để tạo lập được những ảnh hưởng nhất định.

mot nam cua Duterte anh 6

Trả lời Zing.vn, tiến sĩ Malcolm Cook, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore, cho rằng trong năm vừa qua, chiến lược "xoay trục" của ông Duterte về phía Trung Quốc đã có kết quả khá tốt về mặt kinh tế.

"Ông ấy tập trung vào việc tìm kiếm hỗ trợ tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng. Xích lại gần Trung Quốc đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẵn lòng giúp đỡ tài chính cho Manila. Nhật Bản cũng đã tăng cường cam kết tài chính đối với Philippines. Đây là một tình thế đôi bên cùng có lợi", ông nói.

Dù vậy, cũng bằng chính sách nghiêng về Trung Quốc, ông Duterte đã biến Philippines từ quốc gia "tiên phong trong việc thách thức các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông thành bên tranh chấp thuận ý Bắc Kinh nhất".

"Trung Quốc là bên hưởng lợi nhất sau chính sách 'xoay trục' của ông Duterte. Sự hung hăng của Bắc Kinh và cú 'rút lui' của Philippines sẽ khiến các bên tranh chấp và các nước Đông Nam Á khác chịu áp lực, khó có thể phản đối về mặt ngoại giao đối với các hoạt động phi pháp (của Trung Quốc) trên Biển Đông", ông Cook cho biết.

Hashtag tuần qua: Dân Philippines 'sống mòn' chờ chính phủ diệt Maute Sau 6 tuần, quân đội Philippines vẫn chưa thể tiêu diệt phiến quân khủng bố Maute, trong khi người dân Marawi đang dần kiệt quệ giữa bom đạn chiến trường.

mot nam cua Duterte anh 7

Trong cuộc khảo sát cuối tháng 6, 66% người Philippines được hỏi vẫn nói họ hài lòng với sự điều hành của tổng thống trong thời gian qua.

Bất chấp những hình ảnh chết chóc tràn ngập trên truyền thông quốc tế cùng những cuộc gây hấn ngoại giao với Mỹ và phương Tây, tỷ lệ ủng hộ ông Duterte ở Philippines vẫn đạt mức đáng ghen tỵ đối với nhiều chính trị gia nước ngoài.

mot nam cua Duterte anh 8

Người dân Philippines, nhiều năm sống cùng tình trạng tội phạm và ma túy tràn lan, vẫn nhìn Duterte và thành phố Davao nơi ông làm thị trưởng, là một hình mẫu. Sau 21 năm làm thị trưởng, Duterte đưa Davao trở thành một ốc đảo bình yên giữa miền nam Philippines đầy hỗn loạn, vùng "đất lành" cho các nhà đầu tư tìm về.

Nền kinh tế Philippines vẫn đang tăng trưởng tốt. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới, Philippines là nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ 10 trên thế giới. Dự báo tăng trưởng năm 2017 của nước này dự kiến đạt 6,5 - 7,5%.

Tờ Inquirer dẫn một báo cáo của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics (trụ sở ở London, Anh) nhận định rằng rốt cuộc thì Duterte "không phải là thảm họa cho nền kinh tế như nhiều người từng lo sợ". Quyết định đúng đắn nhất của tổng thống là không can dự vào việc vận hành hàng ngày của nền kinh tế. Ông giao phó việc này lại "vị Bộ trưởng Tài chính được kính trọng, ông Carlos Dominguez III, người đã thúc đẩy một vài cải cách có ích".

Thế nhưng, một tháng trước ngày kỷ niệm 1 năm nhậm chức của ông Duterte, bất ngờ xảy đến. Lực lượng nổi dậy thân IS chiếm thành phố phía nam Marawi. Vị tổng thống vẫn đang mải mê với chiến dịch chống ma túy phải dồn sự chú ý cho chiến trường phía nam. Ông Duterte, người thường tỏ ra ác cảm với nước Mỹ, phải nhìn quân đội Philippines yêu cầu sự giúp đỡ của người Mỹ để đối phó với lực lượng nổi dậy.

Chuyên gia của ISEAS dự đoán cục diện quan hệ Mỹ - Philippines sẽ sớm thay đổi sau khi mối đe dọa khủng bố trở nên rõ ràng hơn ở Philippines, dù Tổng thống Duterte sẽ không sẵn sàng thừa nhận.

"Vụ chiếm đóng thành phố Marawi mang đến cho Philippines và Mỹ một lý do mạnh mẽ để gần gũi lại như thời chính quyền Macapagal, Arroyo và Aquino. Quân đội Philippines cần và muốn hợp tác gần hơn, sâu hơn với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Không ai có thể giúp Philippines như nước Mỹ".

"Ông Duterte sẽ không thừa nhận công khai, nhưng ông ấy không có nhiều lựa chọn ngoài việc ủng hộ mối quan hệ này", ông Cook cho biết.

mot nam cua Duterte anh 9

Con ac mong IS de doa Dong Nam A hinh anh

Cơn ác mộng IS đe dọa Đông Nam Á

0

Một thành phố của Philippines bị chiếm. Lá cờ đen IS được cắm lên giữa phố. Chân rết IS tại Đông Nam Á không còn là vài cuộc tấn công nhỏ lẻ mà bám rễ chặt vào sự bất ổn nơi đây.

Phương Thảo

Đồ họa: Nhân Lê - Ảnh: AFP

Bạn có thể quan tâm