Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

300.000 liều vaccine đậu mùa khỉ nằm chờ ở Đan Mạch khi nước Mỹ cần

Chính quyền liên bang Mỹ áp dụng chiến lược chờ đợi trước đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ và chỉ kêu gọi thêm vaccine khi số ca bệnh tăng theo cấp số nhân.

Hôm 23/6, hàng trăm người đồng loạt tới một phòng khám do chính quyền New York điều hành để tiêm chủng. Sau gần một tháng kể từ khi dịch đậu mùa khỉ xuất hiện tại thành phố đông dân nhất nước Mỹ, người đồng tính và lưỡng tính có quan hệ tình dục - nhóm người được coi có nguy cơ cao - cuối cùng cũng có thể tiêm vaccine.

Dù vậy, phòng khám này chỉ có 1.000 liều vaccine. Chỉ sau hai giờ, phòng khám này đã phải từ chối người đến tiêm chủng, New York Times cho biết.

Cùng thời điểm đó, khoảng 300.000 liều vaccine do Mỹ sở hữu và có thể sử dụng ngay vẫn đang được lưu trữ tại Đan Mạch. Giới chức Mỹ đã chờ nhiều tuần trước khi quyết định đưa các lô vaccine này về Mỹ. Khi đó, virus đã lây lan tại New York và nhiều thành phố khác.

Dù vậy, họ cũng không vội vàng: Vaccine được đưa từng lượng nhỏ về Mỹ trong hơn một tuần. Nhiều liều vaccine chỉ đến vào tháng 7, hơn sáu tuần sau khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện.

New York Times nhận định sự chần chừ trong việc phân phối vaccine đã khiến cơ hội ngăn chặn - hay ít nhất là làm chậm - đợt bùng phát dịch qua đi.

Vaccine không trên đất Mỹ

Hôm 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Ít nhất 16.000 ca bệnh đã được ghi nhận trên thế giới, trong đó có khoảng 3.000 ca tại Mỹ. Chỉ riêng New York chiếm gần 1/3 số ca bệnh tại nước này.

Dù vậy, do công tác xét nghiệm còn hạn chế, con số này được cho là thấp hơn nhiều so với thực tế.

dau mua khi tai my anh 1

Người New York chờ tiêm vaccine đậu mùa khỉ tại một phòng khám. Ảnh: New York Times.

Phản ứng của Washington trước dịch đậu mùa khỉ - bao gồm hạn chế trong xét nghiệm - được cho là có nét tương đồng với cách nước này ứng phó với đại dịch Covid-19 trong giai đoạn đầu, bất chấp họ đã có một vũ khí mạnh mẽ để đối phó: Vaccine.

Khi ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên được phát hiện tại Mỹ hồi giữa tháng 5, khoảng 2.400 liều vaccine Jynneos - vốn có tác dụng với cả đậu mùa thường và đậu mùa khỉ - được lưu trữ trên đất Mỹ, trong kho dự trữ chiến lược của chính quyền liên bang.

Các quan chức cho biết những liều vaccine này chủ yếu được sử dụng để bảo vệ các nhà nghiên cứu và nhân viên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ.

Nước Mỹ cũng sở hữu hơn một triệu liều vaccine đã được đóng lọ và lượng vaccine đủ cho hàng triệu liều khác vẫn chưa được đóng vào lọ tại Đan Mạch, nơi nhà sản xuất Bavarian Nordic đặt trụ sở.

Hầu hết nguồn cung này chưa thể được sử dụng do Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chưa thanh tra và phê duyệt cơ sở đóng lọ vaccine mới ở ngoại ô Copenhagen.

Tuy nhiên, có 372.000 liều vaccine do Mỹ sở hữu đã sẵn sàng được sử dụng. Các lô vaccine đang được cất giữ tại trụ sở Bavarian Nordic này đã được đóng lọ từ trước, qua đó thỏa mãn tiêu chuẩn của FDA.

Thay vì nhanh chóng đưa vaccine về Mỹ, chính quyền liên bang lại giữ thái độ chờ đợi. Họ chỉ yêu cầu chuyển con số lẻ - 72.000 liều - trong những tuần đầu bùng phát dịch.

Một trong những lý do các quan chức liên bang Mỹ chần chừ là tính toán về khâu bảo quản. Theo tiến sĩ Gary Disbrow, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh Tiên tiến (BARDA) thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, các cơ sở lưu trữ tại quốc gia này có nhiệt độ cao hơn tại Đan Mạch.

“Do đó, nếu việc đối phó với đợt bùng phát dịch không đòi hỏi toàn bộ số vaccine, thời hạn bảo quản của chúng sẽ bị rút ngắn đáng kể”, ông Disbrow nói

Đề nghị muộn màng

Hai ngày sau khi ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được phát hiện tại bang Massachusetts hôm 18/5, BARDA yêu cầu Bavarian Nordic gửi 36.000 liều vaccine. Chúng đến Mỹ 5 ngày sau đó. Tới hôm 27/5, BARDA tiếp tục yêu cầu thêm 36.000 liều - chúng đến Mỹ trong vòng 2 tuần.

Tiến sĩ Disbrow giải thích một chuyến bay chỉ có thể vận chuyển một số liều vaccine nhất định. Bavarian Nordic cho biết họ phải đông lạnh các container trong 5 ngày trước khi đưa vaccine vào.

dau mua khi tai my anh 2

Một phòng thí nghiệm sản xuất vaccine đậu mùa khỉ tại Munich, Đức. Ảnh: New York Times.

Phải đến cuối tháng 6, Mỹ mới đề nghị chuyển nốt 300.000 liều còn lại, theo cả ông Disbrow lẫn Bavarian Nordic. Lô vaccine này chỉ đến Mỹ từ ngày 29/6.

Theo nhà vi sinh vật học kiêm nhà vận động vì quyền lợi của người dị tính Joseph Osmundson, tuy đậu mùa khỉ không phải là khủng bố sinh học bằng virus đậu mùa - kịch bản mà BARDA có nhiệm vụ chuẩn bị - “đây vẫn là tình huống khẩn cấp”.

“Không có lời biện hộ nào cho sự thiếu hoạt động đến mức này của giới chức”, ông nói.

Vào cuối tuần đầu tiên của tháng 7, New York đã ghi nhận hơn 200 ca bệnh, nhưng chỉ được phân phối 7.000 liều vaccine.

Ông James Krellenstein, nhà vận động vì quyền lợi của người đồng tính tại New York, là một trong những người đầu tiên được tiêm vaccine hôm 23/6. Dù vậy, nhiều người bạn của ông đã không tới kịp. Ông cảm thấy sốc khi biết rằng hầu hết vaccine vẫn đang ở Đan Mạch.

“Các lô vaccine này nhiều khả năng là đủ để ngăn đợt bùng phát đầu tiên nếu được đem tiêm chủng tại Mỹ”, ông tuyên bố. “Chính phủ Mỹ cố ý không coi sức khỏe của nam giới đồng tính là ưu tiên giữa một đợt bùng phát dịch ngoài tầm kiểm soát do một nguy cơ khủng bố sinh học đang không tồn tại”.

Sergio Rodriguez, một người chuyển giới 39 tuổi tại quận Manhattan, cho biết ông đã tìm cách được tiêm chủng nhưng không thành công. Khoảng một tuần sau khi quan hệ tình dục, ông bắt đầu bị đau bụng, sưng hạch bạch huyết và đau nhức cơ thể.

“Tôi đã cố gắng làm mọi thứ vì biết rằng tôi có nguy cơ cao”, ông Rodriguez nói. “Điều này thật khó chịu. (Chính phủ) không chuẩn bị để đáp ứng đủ nhu cầu”.

Nam diễn viên Mỹ kể lại quá trình mắc bệnh đậu mùa khỉ Matt Ford, 30 tuổi, là diễn viên người Mỹ, được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ. Anh cho biết hiện có 25 vết phát ban trên cơ thể và chúng đang lành lại.

WHO đã đúng với tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu mới nhất

Hỗ trợ những người có nguy cơ cao nhất với căn bệnh đậu mùa khỉ đáng lo ngại này là cách duy nhất để giảm thiểu tác động và ngăn chặn sự lây lan.

Người đàn ông Thụy Điển kể lại ác mộng mắc đậu mùa khỉ ở New York

Sebastian Köhn, một người dân New York đã miêu tả lại với Guardian trải nghiệm kinh hoàng khi mắc đậu mùa khỉ trong hơn 2 tuần ở Mỹ, cùng với sự chật vật khi tìm kiếm hỗ trợ y tế.

Việt Hà

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm