Chị Nguyễn Ngọc Hà (Đại La, Đống Đa), người làm ra chiếc bánh này cho biết khi chưa bóc lá, bánh trông bình thường như bao loại khác, nhưng khi bóc ra thì bên trong bánh có 5 màu. 5 màu này gồm trắng, đỏ, tím, xanh, vàng tượng trưng cho ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ được cho là mang lại sự may mắn, bình an vào dịp năm mới. Tại cửa hàng chị Hà, một cặp bánh chưng ngũ sắc có giá 300.000 đồng, mức giá gần tương đương với các loại bánh chưng, bánh tét thông thường.
Mỗi cặp bánh chưng ngũ sắc như thế này có giá 300.000 đồng. Ảnh: NVCC. |
Do độc lạ, màu sắc bắt mắt lại có ý nghĩa nên chị Hà cho hay khá nhiều người tìm đến tận nhà để đặt mua. Tuy nhiên, vì chỉ 2-3 người trong số 10 nhân viên tiệm bánh có thể gói được loại bánh 5 màu này nên chị chỉ dám giới hạn các đơn hàng. Hiện tại, chị và các nhân viên phải gấp rút hoàn thiện gần 400 chiếc bánh theo đơn đặt hàng của khách.
“Làm một chiếc bánh chưng ngũ sắc mất rất nhiều thời gian và yêu cầu kỹ thuật cầu kỳ. Gói một chiếc bánh dạng này mất hơn 30 phút, trong khi với loại thông thường chỉ vài phút. Gạo nếp phải được ngâm trong nước tạo màu tự nhiên từ 2 đến 3 tiếng rồi đồ đỗ chín, chuẩn bị nguyên liệu”, chị Hà chia sẻ.
Cũng theo chị Hà, màu sắc của bánh được chị làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên. Gạo màu xanh sử dụng từ nước của lá riềng xay, màu vàng từ nghệ tươi, màu đỏ của gấc, màu tím từ nếp cẩm hoặc màu nước lá cẩm. Tuy nhiên, để bánh có màu đẹp, người làm phải khéo léo trong quá trình pha nước màu, ngâm gạo.
Nguyên liệu chuẩn bị trước khi gói bánh chưng ngũ sắc. Ảnh: NVCC. |
Người thợ làm bánh cũng phải khéo léo, đổ gạo vào khuôn sao cho các màu không bị lẫn. Khi gói, chỉ cần người thợ lỏng tay một chút là các màu sẽ trộn vào nhau, bánh không đạt chất lượng. Chị Hà chia sẻ, mặc dù đã mất gần 2 tháng để thử nghiệm, nhưng hiện tại, tỷ lệ thành công cho ra mẻ bánh màu đẹp mắt chị làm chỉ 85-90%.
“Cuộc sống hiện đại dẫn đến nhiều điều thay đổi nhưng bánh chưng là món truyền thống không thể thiếu trên mẫm cỗ ngày Tết ở Việt Nam. Các loại bánh thông thường dần nhàm chán nên tôi thay đổi màu sắc cho chiếc bánh chưng trở nên mới mẻ mà vẫn giữ được nét truyền thống. Đó cũng là lý do tôi đã mất nhiều mất nhiều thời gian và công sức để thử nghiệm làm”, chị Hà tâm sự.
Bà Oanh (Cầu Giấy, Hà Nội) đặt chị Hà làm 3 chiếc bánh chưng ngũ sắc, hẹn lấy vào ngày 28 Tết tâm sự, Tết năm trước bà cũng bày bánh chưng ngũ sắc để thờ cúng. Nhưng để có đĩa bánh đó, bà phải cắt 5 miếng ở 5 chiếc bánh màu khác nhau để ghép lại, tốn kém đến gần 1 triệu đồng. Năm nay, trên thị trường có loại bánh ngũ sắc kết hợp 5 màu, 5 vị trong một, bà Oanh chia sẻ có thể tiết kiệm được gần 500.000 đồng.
“Bánh chưng vốn không phải sở trường của tôi nhưng sau lần ăn thử bánh chưng 5 màu thì tôi lại thấy thích. Ngoài màu sắc hấp dẫn thì mùi vị rất thơm. 5 màu là 5 vị khác nhau, được hòa quyện từ vị lá gừng, nếp cẩm, gấc…dễ ăn, không bị ngấy”, bà Oanh nói.
Được bạn giới thiệu loại bánh chưng 5 màu đẹp mắt, gần đây anh Lâm (Đống Đa, Hà Nội) cũng đặt 50 chiếc về ăn Tết và làm quà biếu. Anh chia sẻ, mức giá 300.000 đồng/cặp của bánh ngũ sắc cao hơn bánh thông thường nhưng vì độc, lạ mà lại có ý nghĩa nên anh vẫn mua.
Từ 2 năm trước, trên thị thường đã có loại bánh chưng có nhiều màu, chữ. Tuy nhiên, loại bánh này thường chỉ có một màu (xanh, đỏ, tím hoặc vàng...). Bánh ngũ sắc cũng đã có, nhưng chủ yếu là bánh tét. Một số nghệ nhân ở Bến Tre và TP.HCM cũng từng sáng tạo ra chiếc bánh tét ngũ sắc và nhân có chữ, giá bán trên thị trường từ 500.000 đến 600.000 đồng/cặp.