Kỷ lục thưởng Tết ở Hà Nội chỉ bằng 1/7 TP HCM
Theo thông tin từ Vụ Lao động tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), kỷ lục thưởng Tết năm nay thuộc về doanh nghiệp tại TP HCM với mức thưởng Tết Dương lịch là 583 triệu đồng và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Bình Dương với mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Mùi là 482 triệu đồng.
Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội, kỷ lục thưởng Tết tại thủ đô thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với mức 85.600.000 đồng, bằng 1/7 mức thưởng cao nhất tại TP HCM và 1/5 mức thưởng cao nhất tại Bình Dương.
Có sự chênh lệch lớn trong số liệu về thưởng Tết năm 2015. Ảnh minh họa. |
So với năm 2014, thưởng Tết âm lịch cao nhất năm nay thấp hơn mức 709 triệu đồng của năm ngoái 227 triệu đồng, Dương lịch thấp hơn 119 triệu đồng. Tuy nhiên, thống kê khảo sát từ hơn 13.000 doanh nghiệp trên cả nước lại cho thấy, mức thưởng bình quân năm nay tăng 15% so với năm ngoái. Cụ thể, thưởng Tết bình quân năm nay đạt 5 triệu đồng/người, tương đương 1 tháng lương của người lao động.
Nhận định bước đầu về tình hình thưởng tết, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, dựa trên số liệu của các tỉnh thành thì hầu hết các địa phương và doanh nghiệp báo cáo đều có thưởng tết. Trong 4 khối doanh nghiệp được tổng hợp, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có mức thưởng Tết cao nhất, xếp thứ hai là khối doanh nghiệp nhà nước, cuối cùng là khối doanh nghiệp tư nhân.
Mức thưởng thấp nhất 30.000 đồng
Cũng theo thông tin từ Vụ Tiền lương kết quả thống kê năm nay chỉ dựa trên khảo sát tại hơn 13.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 3% trong tổng số hơn 400.000 doanh nghiệp. 20% doanh nghiệp chưa gửi báo cáo kết quả thưởng Tết về Bộ.
Bên cạnh những kỷ lục thưởng Tết cao nhất được ghi nhận tại các địa phương, báo cáo cũng cho thấy thưởng Tết thấp nhất năm nay chỉ ở mức 30.000 đồng, thuộc về một doanh nghiệp tư nhân phía nam. Số liệu trên cho thấy thực tế đang có sự gia tăng đáng kể về khoảng cách giữa các doanh nghiệp trong mức thưởng Tết năm nay.
Trăn trở với mức thưởng cho người lao động chỉ bằng giá một bát phở, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, Bộ đã yêu cầu các địa phương đôn đốc các doanh nghiệp xem xét trích các khoản tiết kiệm, các khoản phúc lợi trong doanh nghiệp để có thể thưởng Tết cho người lao động vì đây được coi là món quà truyền thống lâu nay của người Việt.
Ngành giáo dục thưởng Tết khủng, điện lực, ngân hàng vẫn kín bưng
Dù không "rộn ràng" báo cáo như các doanh nghiệp, song theo thông tin từ báo Dân Việt, mức thưởng Tết cho cán bộ, giảng viên các đại học (ĐH) năm nay khá cao. Giữ kỷ lục thưởng Tết cao nhất trong khối các trường tới thời điểm này là ĐH Công nghệ TP HCM, thuộc khối trường ĐH Tư thục, với tổng thưởng Tết dành cho cá nhân lên tới hơn 100 triệu đồng.
ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) cũng không kém cạnh với mức thưởng dành cho một CBGV 60 triệu đồng. Ông Lâm Thành Hiển - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mức thưởng tết dành cho tập thể CBGV toàn trường dao động từ 6 đến 60 triệu đồng tùy theo vị trí công tác và thành tích thi đua trong năm. Cao nhất là 1,3 tháng lương và thấp nhất là 0,5 tháng lương. Chúng tôi xác định mức thưởng sẽ xứng đáng với công sức cống hiến của các thầy cô".
Ở khối ĐH công lập, mức thưởng Tết dự kiến 8-20 triệu đồng.
Về tình hình thưởng Tết ở các ngành điện lực, xăng dầu, chứng khoán, ngân hàng..., hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể. Trả lời phỏng vấn của VTC News trong buổi họp báo vừa qua tại Bộ Công Thương, khi được hỏi về mức thưởng Tết năm 2015 của EVN, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nói rằng chưa thể công bố chính xác.Lý do ông đưa ra là chế độ lương, thưởng của Tập đoàn phải dựa vào báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh rồi mới được hoạch toán. Vì vậy vẫn phải chờ xem lỗ lời thế nào rồi trên cơ sở đó mới có thể đề xuất Chính phủ duyệt.
Trong khi đó, số liệu thưởng Tết tại các ngân hàng cũng chưa được công bố công khai. Theo nhiều nguồn tin trong giới tài chính, thưởng Tết năm nay có khả năng cũng không có nhiều đột biến so với các năm trước.