Anh Ngọc ở Tràng Cát, Ngọc Liên (Thanh Oai, Hà Nội) trồng 2 sào lá dong ở ngay vườn cạnh nhà. Anh cho biết, năm nay lá dong mất mùa, cây cháy lá nên dự kiến không đủ để cung cấp ra thị trường những ngày sát Tết.
Thông thường, các năm trước, mỗi sào anh thu được khoảng 20.000 lá dong. Giá bán buôn khoảng 50.000 đồng/bó (100 lá), tiền thu về khoảng gần 10 triệu đồng. Nhưng năm, 2 sào chỉ được thu gần 30.000 lá. Dù vậy, theo lời anh, nguồn cung ngày càng ít nên ngay cả khi giá lên đến 100.000 đồng/bó nhưng hàng vẫn không đủ để đưa ra thị trường. Ngoài mất mùa, một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng này là diện tích trồng dong ngày càng thu hẹp.
Nhiều vườn dong tại Tràng Cát bị chết do nắng nóng. Ảnh: Ngọc Lan. |
Anh Ngọc cho biết, trước kia anh trồng 6 sào lá dong, cho thu nhập đến gần 60 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, lá dong ngày một rẻ, nên anh phá bỏ hơn 4 sào để trồng cam canh. Anh cũng cố duy trì 2 sào ở diện tích đất vườn quanh nhà, nhưng năm nay cháy nắng, lá chết một nửa. Dự kiến trong năm tới, anh cũng phá bỏ nốt 2 sào dong vườn để trồng bưởi Diễn.
Dong là loại cây dễ trồng, không mất nhiều vốn, trồng một lần là cho thu hoạch nhiều năm. Chi phí phân bón chỉ mất chừng 500.000 đồng/sào mỗi năm. Những ngày thường, người dân thường lấy lá gốc, lá loại để gói bánh. Giá khá rẻ, chỉ 15.000-20.000 đồng/bó (100 lá). Những lá ngọn, to để dành dịp Tết, giá bán 50.000-70.000 đồng/bó, thậm chí thời điểm đắt lên đến 100.000-150.000 đồng/bó. Thế nhưng, nhiều năm mất mùa với giá bán ra ngày một rẻ, nhiều hộ gia đình ở Tràng Cát, Ngọc Liên cũng thi nhau phá dong trồng táo, cam, bưởi.
Đã gần 20 năm làm nghề lá dong nhưng thấy cơ cực, vất vả và lãi lời không cao nên chị Hằng, một người dân ở Tràng Cát quyết định phá bỏ hết 3 sào lá dong để trồng cam Canh. “Làm lá dong tuy không mất nhiều vốn, nhiều công nhưng thu về cũng chẳng được bao nhiêu. Cả một năm, trồng 3 sào lá dong chỉ bận mải nửa tháng Tết, thu được hơn 30 triệu đồng. Trong khi đó, những buổi nông nhàn, dân không có việc làm, tiền không có để tiêu. Ngược lại, trồng cam, trồng bưởi, vốn nhiều, tốn công nhưng cho thu đến 70-80 triệu đồng/năm/sào. Tính thu nhập trung bình tháng thì hơn hẳn trồng dong”, chị Hằng nói.
Nhiều người ở Tràng Cát, Hồng Liên phá bỏ vườn dong để trồng bưởi Diễn, cam Canh. Ảnh: Lê Hiếu. |
Ông Lâm (70 tuổi), một người dân trong thôn kể, trước kia, 100% các hộ gia đình ở Tràng Cát, Hồng Liên trồng lá dong. Mỗi năm, từ 20-21 tháng Chạp, từ đầu đến cuối làng tấp nập người làm lá. Sau đó, cả làng còn đem tiêu thụ ở Hà Nội, các tỉnh lân cận và vào cả TP. HCM. Thậm chí, có năm, Việt kiều ở các nước Đức, Anh, Nga… cũng về tận làng để mang sang đó gói bánh chưng, bánh tét.
Tuy nhiên, nhiều năm gần dây, diện tích trồng lá dòng bị thu hẹp dần. Tính cả làng chỉ còn duy trì chưa đến 20% diện tích trồng dong. Lượng lá ít dần, năm nay lại mất mùa lá dong nên không chắc đã đủ cung cấp cho các chợ lẻ ở Hà Nội.
Lá dong ở Tràng Cát, Hồng Liên khác với lá dong ở vùng khác. Lá dong ở đây rất to, dài và có màu xanh đặc biệt. Bánh được gói bằng lá dong Tràng Cát có màu xanh tươi, vị rất thơm. Theo cụ Lâm, nghề trồng lá dong được cụ tổ Đàn Sú khai sinh ra cách đây 6 thế kỷ, và cứ thế mở rộng ra khắp cánh đồng làng. Thế nhưng, mấy năm gần đây, 80% bà con phá bỏ dong để trồng cây cam, trồng bưởi, số còn lại chỉ lưu ở vườn cạnh nhà để tăng gia sản xuất cho vụ Tết.
“Mặc dù trồng dong là nghề truyền thống có ở Tràng Cát 600 năm nay, nhưng không có biện pháp đổi mới, nên kinh tế làng nghề chậm phát triển hơn xã hội bên ngoài”, cụ Lâm nói.