Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

30 ngày bùng dịch ở TP.HCM và phương án 'sống chung với lũ'

Trải qua một tháng chiến đấu với dịch bệnh, số ca nhiễm tại TP.HCM gần chạm mốc 3.000. TP.HCM tiếp tục đứng trước lựa chọn khó khăn cho câu hỏi có tiếp tục giãn cách hay không.

dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 1

Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (tính từ 27/5), nhiều kỷ lục không mong muốn đã bị phá vỡ ở TP.HCM. Số ca nhiễm chạm mốc 3.000, TP.HCM trở thành địa phương có số ca nhiễm cao thứ hai cả nước, chỉ sau Bắc Giang. Trong 30 ngày, TP ba lần nâng mức giãn cách xã hội để phòng chống dịch.

Còn 5 ngày nữa, TP.HCM kết thúc đợt giãn cách thứ 2, số ca nhiễm vẫn chưa có xu hướng giảm. TP.HCM một lần nữa đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn trong chiến lược phòng chống dịch.

Liên tục tăng cấp giãn cách, số ca nhiễm vẫn không giảm

Đợt dịch thứ 4 chính thức gọi tên TP.HCM từ ngày 27/4, khi thành phố phát hiện ca nhiễm là người từ ổ dịch Hà Nam về TP. Thế nhưng, ngày 27/5 mới thật sự là điểm bùng phát với “ổ dịch” điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Trong quá trình truy vết nhằm chặt đứt chuỗi lây nhiễm này, ngành y tế liên tục phát hiện nhiều "F0 lang thang" khác khiến dịch thêm phức tạp.

Ngày 31/5, sau khi đã tạm dừng hàng loạt hoạt động không thiết yếu, TP.HCM chính thức áp dụng Chỉ thị 15. Sau 2 tuần, tình hình không khả quan hơn.

Tuần giãn cách thứ hai, mối lo ngại chuyển từ ổ dịch nhóm truyền giáo ở quận Gò Vấp sang các cơ sở y tế. Liên tục nhiều bệnh viện, phòng khám phát hiện ca dương tính qua khám sàng lọc. Đỉnh điểm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - "thành trì" quan trọng của ngành y tế - bị dịch xâm nhập. Đến nay, chùm ca bệnh này đã có 104 F0, 65 người là nhân viên bệnh viện.

Bệnh viện điều trị Covid-19 quan trọng nhất TP.HCM tạm ngưng nhận bệnh nhân mới. Phó chủ tịch Dương Anh Đức liên tục phải ký quyết định trưng dụng thêm nhiều cơ sở y tế làm nơi dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 như: Bệnh viện huyện Củ Chi, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạnh...

Kết thúc 2 tuần giãn cách theo Chỉ thị 10, tình hình không khá hơn, TP.HCM phải tiếp tục áp dụng Chỉ thị 15 thêm 2 tuần nữa.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM ghi nhận 65 nhân viên nhiễm nCoV. Ảnh: Chí Hùng.
dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 2
dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 2

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM ghi nhận 65 nhân viên nhiễm nCoV. Ảnh: Chí Hùng.

Tuần giãn cách thứ ba, virus xâm nhập vào hàng loạt công ty trong khu công nghiệp: Công ty Hanjoo Trade, Khu công nghiệp Tân Phú Trung (204 ca); Công ty cổ phần thực phẩm Trung Sơn, Khu công nghiệp Tân Tạo (102 ca); Công ty TNHH Thực Phẩm Vạn Đức, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc B (30 ca)...

TP.HCM phải lên kế hoạch để các khu công nghiệp, khu chế xuất vừa cách ly, vừa sản xuất - một mô hình đã thực hiện tại Bắc Giang, Bắc Ninh.

Ngày 19/6, thành phố ban hành một chỉ thị giãn cách mới - Chỉ thị 10 - với yêu cầu không tập trung quá 3 người, giữ khoảng cách 1,5 m, tạm dừng chợ tự phát... Các khu phố có dịch được thu hẹp và phong tỏa hoàn toàn thay vì áp dụng Chỉ thị 16 như trước kia.

Tuần giãn cách thứ tư, khi các chuỗi lây nhiễm tại khu công nghiệp và bệnh viện vẫn đang lây lan, TP.HCM liên tục phát hiện F0 từ các chợ đầu mối: Chợ đầu mối Hóc Môn (71 ca); chợ Bình Điền (27 ca); chợ Kim Biên (8 ca).

Ngày 25/6, thành phố ghi nhận kỷ lục mới - 667 ca nhiễm trong một ngày (26 ca cộng đồng), gấp 4 lần đỉnh dịch trước đó là 166 ca/ngày (21/6).

Phải cắn răng mà chịu, cần triệt để các biện pháp

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình

Tại cuộc họp ngày 25/6, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thẳng thắn đề nghị TP.HCM tạm dừng chợ truyền thống.

"Tôi thấy cần kiên quyết hơn nữa, cấm luôn. Phải cắn răng mà chịu, cần triệt để các biện pháp", ông Bình nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho rằng cần hy sinh thời gian ngắn từ 5-7 ngày để chặn nguồn lây còn hơn để các chợ đầu mối tiếp tục lây nhiễm. Hy sinh thời gian ngắn cũng là thông điệp được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh nhiều lần khi yêu cầu thành phố siết chặt các biện pháp phòng chống dịch.

Trước những góp ý đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề xuất bố trí tiểu thương bán luân phiên theo ngày, và yêu cầu các đơn vị có phương án hoạt động cụ thể với chợ đầu mối.

Chiến dịch tiêm vaccine còn "chuệch choạc"

Khi số ca nhiễm vượt mốc 1.000, TP.HCM chính thức được Bộ Y tế phân bổ 836.000 liều vaccine Astra Zeneca từ nguồn viện trợ Nhật Bản. Việc chủ động đàm phán tìm nguồn vaccine cũng chính thức được Chính phủ chấp thuận.

Ba đợt đầu tiên, TP.HCM mới chỉ tiêm hơn 145.300 liều vaccine. Thế nhưng, đợt tiêm chủng thứ 4, thành phố đặt mục tiêu cho một chiến dịch lớn nhất lịch sử với hơn 800.000 mũi tiêm trong 7 ngày (tính từ 19/6).

dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 3

TP.HCM tổ chức chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất trong lịch sử. Ảnh: Duy Hiệu.

Thành phố chuyển từ tình trạng tiêm nhỏ giọt sang tiêm ồ ạt. Mọi quy trình đều được thực hiện trong bối cảnh khẩn cấp, từ lên kế hoạch, bố trí điểm tiêm, huy động và đào tạo nhân lực, lên danh sách đối tượng tiêm, phân bổ vaccine đều được thực hiện "thần tốc". Từ thời điểm nhận thông tin cho đến ngày đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng, thành phố chỉ có 3 ngày chuẩn bị.

Ngày 23/6, Bộ Y tế có công văn khẩn yêu cầu TP.HCM đẩy nhanh việc tiêm vaccine vì "tiến độ còn chậm". Ngày 25/6, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định với báo chí thành phố đã tiêm hơn 430.000 liều vaccine - tức là đã đi được một nửa chặng đường của chiến dịch.

Lãnh đạo Sở Y tế thừa nhận sự "thiếu sót, chuệch choạc" những ngày đầu. Ông nhận định trong ngày 25 và 26/6, nếu tăng công suất tối đa, thành phố có thể hoàn thành tiêm 800.000 liều vaccine như kỳ vọng.

Tuy nhiên, đây chỉ là một phần trong 2,3 triệu người thuộc nhóm ưu tiên của thành phố. Sau 4 đợt tiêm, độ phủ vaccine của TP.HCM cũng mới đạt 6%.

dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 4

Không chỉ mối lo về việc tiêm vaccine chậm, việc tập trung đông người tại điểm tiêm cũng trở thành vấn đề nóng. Nhà thi đấu Phú Thọ, điểm tiêm lớn nhất TP.HCM, liên tục trong tình trạng ùn tắc suốt 2 ngày 24-25/6.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phải nhắc nhở TP.HCM về sự lộn xộn và đông đúc tại đây và cho rằng tình trạng này "rất nguy hiểm". Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu không để nơi tiêm chủng thành chỗ tập trung đông người, dễ lây nhiễm.

TP.HCM có nên lựa chọn "sống chung với lũ"?

68% - đó là tỷ lệ bệnh nhân mắc Covid-19 tại TP.HCM hiện tại không có triệu chứng. Trong khi đó, thời gian đầu của đợt bùng phát dịch thứ 4 có đến 68% bệnh nhân có triệu chứng. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), chỉ ra điểm trái ngược này và nhấn mạnh các ca mắc Covid-19 chỉ điểm hiện nay hầu như không có triệu chứng hoặc "có nhưng mơ hồ".

Có thể chúng ta cần tính tới phương án ''sống chung với lũ''

Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng

Giám đốc HCDC nhận định dịch Covid-19 lây qua nhiều thế hệ sẽ xuất hiện hai trạng thái: Độc lực tăng hoặc độc lực giảm. Ông cho rằng dịch ở thành phố đang có xu hướng thứ hai và phân tích nếu độc lực giảm, sự lây lan vẫn tồn tại nhưng người bị nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

"Có thể chúng ta cần tính tới phương án 'sống chung với lũ'", ông đề xuất và cho rằng thời gian tới, TP.HCM cần bảo vệ những nhóm người có nguy cơ, có bệnh nền. Còn những nhóm khác có thể coi là mắc cúm.

dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 5

Giám đốc HCDC đề xuất TP.HCM xem xét "sống chung" với dịch bệnh. Ảnh: Duy Hiệu.

Một giải pháp khác cho TP.HCM được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đặt ra là cách ly F1 tại nhà. Đây không phải vấn đề mới mà đã được Bộ Y tế cho phép và gợi ý TP.HCM áp dụng nhiều lần. Thế nhưng, Sở Y tế thành phố mới chỉ dừng lại ở việc xem xét và chưa có kế hoạch triển khai cụ thể.

Thứ trưởng Sơn nêu vấn đề các khu cách ly Đại học Quốc gia TP.HCM đang có tình trạng quá tải, lực lượng nhân viên y tế có biểu hiện kiệt sức. Ông đề nghị thành phố giải tỏa áp lực cho khu cách ly này bằng cách xem xét cách ly các trường hợp F1 ít có nguy cơ tại nhà.

Ngày giãn cách xã hội thứ 26, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong phải đặt ra câu hỏi: "Thời gian vừa qua, dù chúng ta đã có những biện pháp thắt chặt, kiểm soát tình hình nhưng tại sao số ca mắc mỗi ngày vẫn tăng lên?". Người đứng đầu chính quyền TP.HCM yêu cầu các địa phương nghiên cứu để 4 ngày nữa, TP.HCM chính thức ra quyết định về phương án giãn cách tiếp theo.

Cần cân nhắc giải pháp triệt để và quyết liệt hơn nữa vì "không khéo sẽ mất kiểm soát"

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình

Trong các cuộc họp với TP.HCM kể từ đầu dịch, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình liên tục bày tỏ sự lo lắng về tình hình dịch và yêu cầu TP.HCM cân nhắc giải pháp triệt để hơn, quyết liệt hơn nữa vì "không khéo sẽ mất kiểm soát".

Nhìn lại một năm trước đây, ngày 1/4/2020, TP.HCM bắt đầu cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Sau 15 ngày, thành phố chỉ phát hiện 5 ca mắc mới, giảm 88% so với trước khi cách ly xã hội. Người dân được quay trở lại cuộc sống bình thường sau 23 ngày “khổ trước sướng sau” - như lời kêu gọi của người đứng đầu Thành ủy TP.HCM khi đó.

Ở đợt dịch lần này, người dân TP.HCM đã phải trải qua số ngày giãn cách dài hơn nhiều, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng các biện pháp giãn cách tại TP.HCM hiện nay đã "gần giống với Chỉ thị 16". Câu hỏi cần đặt ra trong giai đoạn tiếp theo cho TP.HCM là đô thị 13 triệu dân này sẽ tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội, hay lựa chọn "sống chung với lũ" cho một cuộc chiến dài hơi.


Bài liên quan

Nut giao Thanh Xuan se dai phau hinh anh

Nút giao Thanh Xuân sẽ đại phẫu

0

Nằm trong kế hoạch “đại phẫu” nút giao thông hiện đại nhất Hà Nội, liên ngành GTVT - Công an Hà Nội vừa cho biết sẽ thực hiện điều chỉnh lại hạ tầng và ứng dụng công nghệ.

Thu Hằng

Bình luận

Ý kiến bạn đọc

Nổi bật
  • Mới nhất
Gửi bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng.
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

    Xem thêm bình luận

    Thông báo