Yachiyo Ichihara sống những năm thơ ấu ở Wada, một trong những làng săn cá voi lâu đời nhất Nhật Bản. Bà thường mang xô xuống bến cảng, và mang về thịt cá voi mới mổ.
“Ngon lắm, từ nhỏ tôi đã ăn món đó”, bà cụ 72 tuổi nói với Reuters. “Cá voi là món phải nấu ở nhà, ăn cùng cả gia đình”.
Những ngày đó, người bán hàng vừa kéo xe vừa rao “cá voi, cá voi” đi qua từng nhà. Nhưng đến năm 1986, lệnh ngưng đánh bắt cá voi đẩy giá thịt cá lên cao và biến nó thành món ăn xa xỉ.
Ichihara là chủ một nhà hàng cá voi ở quận Wada của Minamiboso, vùng ven biển phía đông Tokyo.
Lẽ ra bà nên ăn mừng quyết định mới đây của Nhật Bản rút khỏi Ủy ban Đánh bắt Cá voi Quốc tế (IWC), cho phép nước này đánh bắt trở lại vào ngày 1/7 tới. Nhưng thực ra, bà và nhiều người khác trong ngành đang lo lắng về tương lai.
“Tôi rất lo lắng, chứ không mong đợi gì”, Ichihara nói với Reuters.
IWC được thành lập năm 1946 với 89 thành viên nhằm bảo tồn cá voi và quản lý việc săn bắt cá voi trên khắp thế giới. Ủy ban đã cấm đánh bắt cá voi cho mục đích thương mại vào năm 1986.
Các công nhân xẻ thịt một con cá voi mõm khoằm Baird bắt được ngoài khơi bờ biển Wada, phía đông Tokyo. Ảnh: AP. |
Nhiều thập kỷ khai thác bất chấp lệnh cấm
Khó có thể dự đoán việc đánh bắt cá voi có phổ biến như trước hay không. Đó là nhận định của cả hai phía: một bên là các nhà hoạt động môi trường, phản đối khai thác cá voi, và bên kia là những người ủng hộ việc đánh bắt.
“Trong 30 năm qua, nhiều loại thực phẩm đã vào Nhật Bản; lựa chọn thực phẩm trở nên đa dạng”, Kazuo Yamamura, Chủ tịch Hiệp hội Đánh bắt Cá voi Nhật Bản nói với Reuters. “Dù có giết mổ được nhiều thịt cá voi, không có nghĩa bạn sẽ kiếm được nhiều tiền”.
Theo thống kê của chính phủ, chỉ 300 người đang hành nghề săn bắt cá voi và cá voi chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng lượng thịt tiêu thụ ở Nhật Bản trong năm 2016.
Người Nhật Bản hàng năm vẫn săn bắt cá voi dưới danh nghĩa nghiên cứu khoa học - danh mục được miễn trừ khỏi lệnh cấm - bất chấp sự lên án của quốc tế. Họ cung cấp một số bộ phận cho các nhà nghiên cứu, và bán phần thịt còn lại ra thị trường.
30 năm qua, Nhật Bản đã nỗ lực để tiếp tục săn bắt thương mại đối với các loài tương đối phong phú như cá voi Minke, nhưng bị các quốc gia như Australia và New Zealand cản trở, theo Japan Times.
Cá voi Mike được kéo lên bờ tại cảng Kushiro ở Hokkaido năm 2016. Ảnh: Kyodo. |
Hiện nay, khoảng 4.000-5.000 tấn thịt cá voi được tiêu thụ ở Nhật mỗi năm, tức chỉ 40-50 gram với mỗi người Nhật, theo Joji Morishita, Đại diện của Nhật Bản trong IWC. Khối lượng đó bằng nửa quả táo.
Lượng tiêu thụ đã giảm nhiều lần từ con số 233.000 tấn vào năm 1962. Ngành công nghiệp cá voi hiện dựa nhiều vào trợ cấp của chính phủ.
“Câu hỏi đặt ra là, liệu ở Nhật có nhu cầu về thịt cá voi hay không, và ngành đánh bắt cá voi, cũng như ngành ẩm thực cá voi có khả thi ở Nhật Bản hay không”, ông Morishita nói với Reuters.
Do người tiêu dùng không còn hứng thú với thịt cá voi, phần lớn thịt cá voi đánh bắt hàng năm được dùng cho bữa trưa ở trường học trong các cộng đồng săn bắt cá voi. Phần còn lại làm thức ăn cho thú cưng. Hàng nghìn tấn cá voi từ các cuộc săn bắt những năm trước vẫn còn trong kho lạnh.
Các thùng chứa thịt cá voi tại cảng cá Wada ở Minamiboso, Nhật Bản, năm 2009. Ảnh: Getty Images. |
Những người ủng hộ mạnh mẽ nhất
Những người ủng hộ đánh bắt cá voi bao gồm Thủ tướng Shinzo Abe và Toshihiro Nikai, người đứng đầu đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền có khuynh hướng bảo thủ. Địa phương của ông Nikai đã nổi tiếng về đánh bắt cá voi, bao gồm Taiji, nơi gây nhiều tranh cãi sau phim tài liệu đoạt giải Oscar The Cove (tạm dịch: “Vịnh”).
Sự hậu thuẫn từ cấp cao nhất trong chính phủ giúp Nhật Bản cuối cùng cũng rút khỏi IWC, Kiyoshi Ejima, một nghị sĩ LDP cho biết.
“Các thủ tướng trước đây sợ tai tiếng nếu rút khỏi IWC, sợ rằng Nhật Bản sẽ bị coi là độc ác”, ông nói.
Thịt cá voi đóng hộp trong một tiệm ở Minamiboso, phía đông Tokyo ngày 14/6/2019. Ảnh: Reuters. |
Nhưng chuyên gia môi trường Patrick Ramage nói quyết định đó cuối cùng lại làm vừa lòng tất cả mọi người.
“Rõ ràng việc Nhật Bản khai thác cá voi trở lại là biểu tượng của sự thách thức, mang tính dân tộc chủ nghĩa”, ông Ramage, Giám đốc Bảo tồn Biển tại Quỹ Bảo vệ Động vật Quốc tế, cho biết. “Nhưng đối với những ai muốn bảo vệ cá voi... rõ ràng cá voi đang được lợi”.
Rời khỏi IWC, Nhật Bản mất quyền đánh bắt dưới danh nghĩa khoa học trên vùng biển quốc tế, và chỉ có thể săn bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Nước này có thể tiết kiệm tiền vì các tàu đánh bắt không còn phải đi đến tận Nam Cực. Ngân sách đã được dành riêng để săn bắt cá voi vào năm 2019 lên tới 5,1 tỷ yen (47,05 triệu USD).
“Chúng tôi phải xem tình hình thế nào trong năm nay, bán được bao nhiêu”, nghị sĩ Ejima nói. “Chúng tôi phải liệu cơm gắp mắm”.
Rời khỏi IWC, Nhật Bản chỉ có thể săn bắt cá voi trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Ảnh: Kyodo. |
Thịt cá voi không còn được chuộng
Mặc dù khảo sát năm 2018 của chính phủ cho thấy khoảng 70% người Nhật ủng hộ rút khỏi IWC, ông Morishita nói tỷ lệ ủng hộ cao như vậy là do họ phản ứng lại những người chống đánh bắt cá voi.
Một thăm dò không chính thức gần đây của Yahoo Nhật Bản trên 20.000 người Nhật cho thấy 58,2% thích ăn cá voi và 28,3% không thích, trong khi 13,5% chưa bao giờ thử. Người cao tuổi có ký ức về những bữa trưa có thịt cá voi, nhưng ít người bây giờ sẽ chủ động tìm ăn món đó.
Sushi cá voi bao gồm thịt cá voi thái lát và mỡ cá voi. Ảnh: AFP. |
Ở Wada, hình ảnh cá voi ở khắp mọi nơi, bao gồm bộ xương khổng lồ ở bảo tàng và mô hình cá voi kim loại ở đê chắn sóng. Trong một buổi chiều gần đây, người dân lướt sóng hoặc câu cá gần bến tàu bằng bê tông nơi cá voi sẽ bị đưa đến và giết mổ.
“Tôi chưa ăn cá voi nhưng tôi muốn thử”, Kazushi Yago, 36 tuổi, nói với Reuters khi ghé một tiệm bên đường bán sản phẩm từ cá voi. “Nhưng tôi lo không biết mùi vị thế nào”.
Nhưng Tsuneo Tsuruoka, 63 tuổi, nói ông đã ăn cá voi khi còn nhỏ và không muốn thử lại nữa.
“Tôi thích thịt bò hơn”, ông nói. “Khẩu vị người Nhật giờ đã thay đổi”.