Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

3 ứng viên Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội

Sáng nay, ông Vũ Trọng Kim xác nhận, ứng viên Chủ tịch nước là ông Trần Đại Quang, Thủ tướng là ông Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ảnh Reuters.

Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim trao đổi với báo chí sáng 24/1 bên hành lang Đại hội XII của Đảng.

Ông xác nhận, Hội nghị trung ương 14 đã đề cử giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái cử khóa XII. Hội nghị trung ương 14 còn giới thiệu ứng viên ba vị trí chủ chốt còn lại, gồm: Chủ tịch nước là ông Trần Đại Quang, Thủ tướng là ông Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

"Tuy nhiên, các chức danh lãnh đạo nhà nước được đề cử của Trung ương khóa XI, còn Ban chấp hành Trung ương khóa XII có giới thiệu hay không là vấn đề khác. Ngoài chức danh Tổng bí thư, các chức danh khác còn phụ thuộc vào Quốc hội. Tới tháng 5, tháng 7 các chức danh của nhà nước mới xuất hiện, vì phải do Quốc hội bầu", ông Kim nói.

Theo ông Vũ Trọng Kim, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đạt sự tín nhiệm trong Bộ Chính trị. Một số vị khác được giới thiệu tự rút để dồn sự tín nhiệm ấy cho Tổng bí thư.

"Tôi có phát biểu tại Hội nghị 14 rằng, tôi rất hoan nghênh Thủ tướng và các đồng chí khác trong Bộ Chính trị tự rút để dồn sự tín nhiệm cho Tổng bí thư", ông nói.

Theo ông Kim, điều này thể hiện trách nhiệm rất cao, có tình, có lý, đặc biệt có sự chia sẻ trách nhiệm lớn lao với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và toàn đảng trong giai đoạn hiện nay có những khó khăn nhất định.

Hội nghị trung ương 14 đã 3 lần bỏ phiếu. Lần bỏ phiếu thứ nhất chọn phương án nào: phương án 1 giữ lại vị trí Tổng bí thư; phương án 2 giữ lại vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch nước, phương án 3 là giữ lại Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng. 3 phương án đã được Hội nghị thảo luận, Trung ương biểu quyết và thống nhất phương án 1.

Lần bỏ phiếu thứ hai, các đồng chí được đề cử vào chức danh Tổng bí thư được đưa ra Hội nghị cho ý kiến, để quyết định ai nên ở lại. Kết quả là Trung ương nhất trí cả 3 đồng chí được giới thiệu được phép rút, không ở lại.

Lần biểu quyết thứ ba là biểu quyết riêng trường hợp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đa số ý kiến Trung ương thống nhất phương án Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu cho Đại hội lần này.

Theo ông Kim, Đại hội lần này,  nguyên tắc sinh hoạt trong Đảng là tập trung dân chủ. Khi đã dân chủ, cởi mở, bằng lá phiếu quyết định thì sự thống nhất và đoàn kết trong đảng rất cao. Bên ngoài nói này khác thì đó là luận điệu của kẻ xấu, có ý đồ riêng.

"Có hay không phương án Đại hội XII giới thiệu lại 3 trường hợp đã được Hội nghị trung ương 14 giới thiệu và đã xin rút?". Trả lời câu hỏi trên của báo chí, ông Vũ Trọng Kim cho biết, đó là quyền của đại biểu và đại hội. Nhưng cá nhân những ủy viên trung ương ấy, về nguyên tắc, phải tự xin rút vì Ban chấp hành trung ương là một tổ chức chặt chẽ, giới thiệu ra ai, Ban chấp hành quyết định bằng đa số phiếu. Là một ủy viên, anh phải chấp hành quyết định của tổ chức.

Ngoài Ban chấp hành Trung ương khóa XI, các đại biểu được quyền tự do ứng cử, đề cử. Các đại biểu thuộc Ban chấp hành Trung ương XI đã có quyền tự do, thực hiện một bước ở khâu chuẩn bị. Không có chuyện mất quyền ở đây, anh đã thực hiện quyền ở Trung ương.

"Quy chế đã được thông qua, đại hội sẽ là nơi quyết định cuối cùng. Cá nhân ủy viên nêu ý kiến của mình có tác động quan trọng, rằng anh có sẵn sàng nhận nhiệm vụ không nếu trúng cử. Ý kiến của ủy viên xin rút thì đa số đại hội chắc cho rút thôi", ông Vũ Trọng Kim nói.

Ông Kim cũng xác nhận, ngoài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, 4 ủy viên tái cử đặc biệt khác là các ông: Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ. Các nhân sự này đều đủ 60 tuổi. Theo quy định, các ứng viên Ban chấp hành Trung ương phải dưới 60 tuổi, trường hợp đặc biệt thì Ban Chấp hành Trung ương xem xét trình đại hội qua bỏ phiếu.

"Việc ở lại đặc biệt ở Ban Chấp hành Trung ương là do yêu cầu nhiệm vụ và thực tế của Đảng và Nhà nước, khi chưa có người thay thế hoặc người thay thế chưa đạt như người đang làm", Phó văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh lý giải trên Zing.vn.

'Chỉ có đồng chí Nguyễn Phú Trọng ứng cử Tổng bí thư'

Chiều nay, ông Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng cho biết, tại Hội nghị trung ương 14, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xin rút và được trung ương đồng ý.




Minh Quang - Phương Loan

Bạn có thể quan tâm