Chiều 21/9, tại Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật đã làm việc với cơ quan chức năng, lãnh đạo các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cùng đơn vị tư vấn về phương án đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ đến Cà Mau.
Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long đưa ra 3 phương án xây dựng tuyến cao tốc nêu trên.
Phương án 1 là tận dụng hoàn toàn tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp làm đường cao tốc với tổng vốn khoảng 46.200 tỷ đồng. Chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.100 tỷ đồng, dự kiến thu hồi 750 ha đất.
Phương án 2 xây dựng đoạn tuyến song song với Quản Lộ - Phụng Hiệp, có chiều dài 138 km, tổng mức đầu tư 61.000 tỷ đồng và dự kiến thu hồi 900 ha đất.
Phương án 3 là xây dựng một tuyến cao tốc mới song song với tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, có chiều dài 124 km với tổng mức đầu tư 57.000 tỷ đồng, dự kiến thu hồi 800 ha đất.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang triển khai. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đơn vị tư vấn đề xuất chọn phương án 1. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau không tán thành phương án này và đề xuất chọn phương án 2 hoặc 3.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng ĐBSCL đã có tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương; tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận đang thực hiện và Cầu Mỹ Thuận 2 vừa khởi công. Dự kiến tháng 11 tới sẽ khởi công tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật thông tin Bộ Giao thông Vận tải sẽ phải hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9, đưa dự án vào kế hoạch để Quốc hội duyệt vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
ĐBSCL là vựa lúa quốc gia, trung tâm sản xuất lúa của cả nước. Do đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải lưu ý đơn vị tư vấn nghiên cứu làm thế nào để tránh thu hồi đất lúa của người dân.